16:58 22/10/2022 Thời gian đã bước sang quý 4 gần một tháng, đây cũng là thời điểm hết sức nhạy cảm của thị trường hàng hóa, kéo dài vắt qua tết Dương Lịch đến tết Nguyên đán truyền thống. Dù diễn biến thị trường chưa có nhiều xáo trộn, nhưng theo thông lệ hàng năm, thị trường hàng hóa lại lo với điệp khúc hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…
Theo thông lệ hàng năm, thị trường cuối năm, nhất là tết Nguyên đán luôn là thách thức lớn nhất đối với các nhà quản lý, trước vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (hàng hóa ngoài luồng), bởi lẽ đây là thời điểm nhu cầu của người dân tăng cao nhất, tạo cơ hội để hàng hóa ngoài luồng có dịp trà trộn, tiêu thụ.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) thành phố, Hải Phòng là thành phố cảng biển, lợi dụng một số cơ chế mở, nguy cơ xảy ra những hoạt động vận chuyển các loại hàng hóa ngoài luồng, đặc biệt là những loại sản xuất ở nước ngoài luôn ở mức cao. Việc sản xuất kinh doanh dạng này diễn biến phức tạp, xuất hiện rất nhiều loại, ngày càng tinh vi.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, những năm gần đây mặt bằng chung về kinh tế của thành phố có nhiều khởi sắc, nguồn cung nội địa dồi dào, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, nên việc buôn bán vận chuyển hóa ngoài luồng có xu hướng giảm so với trước.
Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, tình hình thị trường được kiểm soát tốt hơn, sự phối hợp giữa các lực lượng như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, Bộ đội biên phòng… ngày càng chặt chẽ, qua đó các vụ việc lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời.
Các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo 389 thành phố đã tập trung xử lý nhiều vấn đề nổi cộm, phát hiện thủ đoạn của các đối tượng vi phạm để xác lập những phương án đấu tranh.
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, lực lượng 389 Hải Phòng đã xử lý 2.370 vụ, gồm xử lý hành chính 2.334 vụ và xử lý hình sự 36 vụ; Tổng số tiền nộp ngân sách gần 900 tỷ đồng, trong đó trị giá hàng tịch thu bán phát mại là hơn 700 tỷ đồng, truy thu thuế hơn 155 tỷ đồng.
Nhiều vụ việc vi phạm thời gian qua đã được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Có thể kể: vào ngày 29/4, CAQ Kiến An đã phát hiện, thu giữ 10 bao tải hàng bên trong là các thùng xốp chứa nội tạng động vật. Chủ hàng tên Nguyễn Thị Thanh H., sinh 1975, ở phường Quán Trữ, đã không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng.
Tại cơ quan Công an, bà H. thừa nhận 10 bao tải hàng hoá kể trên đều là nầm lợn chưa qua chế biến, được bà Hiền thu mua tại các cơ sở giết mổ. Khi gom đủ số lượng, bà Hiền tiến hành đóng gói, chuyển đến địa chỉ 602 đường Trường Chinh để gửi theo xe khách đến tỉnh Quảng Ninh tiêu thụ.
Vào đầu tháng 5, Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan Hải Phòng phối hợp với Công an TP Hải Phòng đã phát hiện lô hàng đóng trong container cập cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo thông tin trên vận đơn, người gửi hàng có địa chỉ tại Bali, Indonesia; người nhận hàng là doanh nghiệp có trụ sở tại Khu công nghiệp Cái Lân, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Hàng hóa là thuốc lá điếu, tuy nhiên người nhận hàng đã từ chối nhận hàng, cơ quan chức năng xác định hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hàng giả với số lượng lớn. Qua kiểm tra thực tế lô hàng, đã thu giữ hàng hóa là thuốc lá điếu các loại, do nước ngoài sản xuất, với số lượng 586.000 bao được đóng trong hơn 1.000 kiện hàng.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 9, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan phối hợp với Hải quan tỉnh Quảng Ninh và Hải quan TP Hải Phòng phát hiện, bắt giữ 2 tàu QN-7395 và HP-4658 có hành vi sang mạn hàng trăm nghìn lít xăng dầu trái phép trên khu vực biển, cảng biển của Hải Phòng. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định số hàng xăng dầu trên được tàu QN-7395 vận chuyển từ vùng biển Quảng Ninh về TP Hải Phòng để tiêu thụ.
Tổng lượng hàng hóa vi phạm qua kiểm đếm là hơn 200.000 lít dầu D.O và F.O, trị giá ước tính hơn 3 tỉ đồng.Thủ đoạn hoạt động là lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất để sang mạn trái phép hàng hóa, sau đó đưa vào tiêu thụ nội địa.
Những vụ việc trên mới chỉ là ví dụ điển hình, rất có thể số lượng các vụ việc vi phạm còn lớn hơn nhiều số đã bị phát hiện, bởi không khó nhận thấy trên thị trường Hải Phòng cũng như cả nước, hàng hóa lậu, gian lận thương mại và làm giả vẫn lưu hành với số lượng lớn. Trong khi càng về cuối năm, thị trường càng mở rộng, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, các hoạt động vi phạm đem lại nguồn lợi lớn nên việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh các giải pháp đòi hỏi sự tích cực từ cơ chế và trách nhiệm của lực lượng quản lý, cần hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chuyên trách. Hy vọng rằng, sự chủ động của Ban chỉ đạo 389 thành phố sẽ tạo ra một động lực mới, để nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, trước mắt là từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn