Lan toả hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát biển trong dòng chảy văn học - nghệ thuật Việt Nam

18:41 17/08/2023

Được tổ chức lần đầu tiên và là một nội dung nằm trong chuỗi hoạt động trọng điểm chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (28/8/1998 - 28/8/2023), sau 3 tháng triển khai, Cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Cuộc vận động) đã gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Lễ tổng kết và trao giải vừa được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tình cảm sâu sắc của các tác giả với biển, đảo Tổ quốc và người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Cảm phục, yêu mến những người lính can trường bám biển

Nhà văn Trần Khánh Toàn (Hội Nhà văn Hà Nội) - tác giả được trao giải A cho tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” dường như vẫn chưa hết xúc động khi nhớ lại quãng thời gian viết tác phẩm để tham dự Cuộc vận động. Anh chia sẻ, trong những năm cả nước “Hướng về Biển Đông”, hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển trung thành với Tổ quốc, vững vàng nơi đầu sóng, dũng cảm, ngoan cường bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông đã gây xúc động trong trái tim bao người dân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Chính điều đó đã thôi thúc anh đến với lực lượng Cảnh sát biển như một mối nhân duyên.

Chính sự yêu mến, cảm phục những tấm gương cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước hay trong các hoạt động như tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biển đảo, tìm kiếm cứu nạn và đồng hành với ngư dân vươn khơi bám biển đã thôi thúc tác giả hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”.

Trong tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát”, người đọc bắt gặp hình ảnh những người lính Cảnh sát biển trung thành với Tổ quốc, bản lĩnh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, tận tụy trong công việc nhưng cũng không kém phần hồn nhiên, trong sáng, gắn bó nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân. Bên cạnh đó, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa tích cực và tiêu cực cũng thể hiện bước chuyển mình mạnh mẽ của lực lượng Cảnh sát biển.

“Để viết được cuốn tiểu thuyết này, 4 năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tôi được đi thâm nhập thực tế tại 3/4 Vùng Cảnh sát biển trong cả nước. Tôi cũng đã đến thăm và xin tư liệu của Đại tá Hồ Minh Giáp - Cục trưởng đầu tiên của Cục Cảnh sát biển (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) tại nhà riêng của ông ở TP Hồ Chí Minh. Qua nghiên cứu tư liệu, tiếp xúc với các nhân chứng lịch sử và cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển trong các chuyến công tác và tuần tra biển đảo, tôi càng thêm hiểu và thêm yêu những người lính biển, những chiến sĩ luôn coi “Tàu là nhà, biển cả là quê hương!”- Nhà văn Trần Khánh Toàn cho biết.

Có thể nói, tiểu thuyết “Biển bây giờ vẫn khát” đã thể hiện khát khao của các thế hệ cha anh về một thế hệ kế tục trung thành với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Khát khao ấy cũng chính là khát vọng của dân tộc Việt Nam mong muốn xây dựng một vùng biển hòa bình, an ninh, an toàn và cùng phát triển với các quốc gia láng giềng có chung biên giới biển với Việt Nam. Được viết bằng tất cả tấm lòng mình, cuốn sách này là sự tri ân các thế hệ cán bộ chiến sĩ Cảnh sát biển và là món quà ý nghĩa của tác giả dành tặng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập.

Ban tổ chức Cuộc vận động trao giải cho các tác giả

 Đến từ thành phố Hoa phượng đỏ, nhà thơ Hoài Khánh (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hải Phòng) được Ban tổ chức Cuộc vận động trao giải B với 2 bài thơ “Cột mốc giữa khơi xa” và “Thư tình người chiến sĩ Cảnh sát biển” cho biết, anh tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học - nghệ thuật độc đáo này bằng 2 bài thơ viết trong những ngày nắng nóng gay gắt ở Hải Phòng. Cái thời tiết khắc nghiệt ấy lại khiến anh càng đồng cảm hơn với những chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ nơi khơi xa đầy hiểm nguy sóng gió để bảo vệ chủ quyền và thực thi pháp luật.

Cả 2 bài thơ của anh đều cố gắng khắc họa hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát biển hiên ngang vượt khó nơi đầu sóng ngọn gió, vững vàng niềm tin bảo vệ từng tấc biển, bởi trong mỗi trái tim luôn có tiếng gọi của Tổ quốc: “…Ào ạt gió reo/Bập bềnh giọng biển/Lời khơi xa chát mặn/Mồ hôi chúng tôi chát mặn/Chát mặn cả máu đào nhuộm đỏ ánh ban mai…” (Cột mốc giữa khơi xa). Và:“…Biển rộng dài tít tắp chân mây/Sóng nối sóng vờn lên nhau ngút ngát/Qua cái nóng một ngày khô khát/Mưa chợt về ngỡ được gặp em…” (Thư tình người chiến sĩ Cảnh sát biển).

Những phác thảo trên đây chỉ là 2 trong số 28 tác giả đạt giải của Cuộc vận động. Bằng tình cảm, niềm tin, sự yêu mến của mình, các tác giả tham dự đã sáng tác những tác phẩm có giá trị về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật về hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam trong suốt 25 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Thành công ngoài mong đợi

Được triển khai từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2023, chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi phát động, Ban tổ chức Cuộc vận động đã nhận được 194 tác phẩm (99 tác phẩm văn học, 95 tác phẩm âm nhạc) của 150 tác giả hoạt động, công tác trong và ngoài Quân đội gửi về. Đó là một con số ấn tượng cho thấy sức hút của một đề tài mới mẻ đối với công chúng yêu mến lực lượng tương đối non trẻ này.

Đại tá Lê Huy, Phó Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển - Phó Trưởng ban tổ chức Cuộc vận động thông tin, Cuộc vận động được xác định là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị năm 2023. Cơ quan thường trực Cuộc vận động và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghệ thuật trong Quân đội, các Hội Văn học nghệ thuật ở Trung ương, thành phố Hà Nội và 28 tỉnh, thành ven biển để triển khai thực hiện nhằm lan tỏa sâu rộng nội dung Cuộc vận động trong lực lượng cũng như trên phạm vi các địa bàn cả nước.

Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân

Đặc biệt, đã tổ chức cho 68 văn nghệ sĩ tham gia 3 đợt thâm nhập thực tế tại các đơn vị và trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ các tàu Cảnh sát biển đi thực hiện nhiệm vụ trên các vùng biển như: Tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc; tham gia tuần tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ phòng, chống IUU trên vùng biển miền Trung cùng một số hoạt động thiết thực khác…

Một điều ấn tượng của Cuộc vận động này đem lại đó là trong số 150 tác giả tham dự, có 2 tác giả lớn tuổi nhất. Đó là bác Lê Gia Hiếu - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và bác Phạm Thế Hà ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh (2 bác đều 81 tuổi). Đặc biệt, tác giả Đặng Ngọc Duy, công tác tại Trung tâm Hướng dương Việt, tỉnh Quảng Nam là người khiếm thị nhưng vì yêu mến, cảm phục cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đã sáng tác ca khúc “Người đứng nơi đầu sóng” bằng cả trái tim của mình.

Nhân tố mới trong Cuộc vận động mà Ban tổ chức thấy rằng, ngay chính trong lực lượng Cảnh sát biển có 15 tác giả tham gia, họ là những người thực, việc thực, tác giả viết về chính mình, chính cuộc sống, nhiệm vụ, môi trường hoạt động của mình. Đây chính là những hạt nhân có thể tham gia môi trường văn chương, nghệ thuật chuyên nghiệp, sáng tác, sáng tạo ra được nhiều tác phẩm hay về lực lượng nơi mình học tập, công tác.

“Các tác phẩm đã bám sát chủ đề sáng tác, thể hiện sinh động đời sống và hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Cảnh sát biển” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, tìm kiếm, cứu giúp ngư dân trong cơn hoạn nạn...

Với những nội dung được đầu tư trí tuệ công phu, các tác phẩm đã tiếp thêm động lực, ý chí để cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời mang ý nghĩa giáo dục cao, có thể tuyên truyền sâu rộng với bộ đội và nhân dân cả nước!” - Đại tá Lê Huy chia sẻ.

Qua hai lần đánh giá, chấm điểm, Hội đồng nghệ thuật thống nhất lựa chọn 28 tác phẩm có chất lượng tốt và xuất sắc, trong đó có 14 tác phẩm thể loại văn học và 14 tác phẩm thể loại âm nhạc. Ban tổ chức Cuộc vận động đã trao tặng 2 tác phẩm đạt giải A, 3 tác phẩm đạt giải B, 4 tác phẩm đạt giải C, 5 tác phẩm đạt giải Khuyến khích đối với thể loại âm nhạc; 2 tác phẩm đạt giải A, 3 tác phẩm đạt giải B, 4 tác phẩm đạt giải C, 5 tác phẩm đạt giải Khuyến khích đối với thể loại văn học.

Trên cơ sở kết quả Cuộc vận động, Ban tổ chức đã báo cáo Ban chỉ đạo đề xuất kế hoạch lựa chọn các tác phẩm chất lượng để in ấn xuất bản, phát hành phục vụ công tác tuyên truyền trong các sự kiện chính trị của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Theo Trung tướng Bùi Quốc Oai, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Cảnh sát biển, Cuộc vận động là sự kiện văn hóa quan trọng của toàn lực lượng. Những tác phẩm văn học, âm nhạc được các tác giả sáng tác và tham dự trong dịp này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ.

Đồng chí Chính ủy Cảnh sát biển bày tỏ mong muốn các văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội bằng lòng say mê nghệ thuật; tình yêu biển, đảo Tổ quốc; sự gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị cao, phản ánh sâu đậm hình ảnh người chiến sĩ Cảnh sát biển tình hình mới trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế.

Lam Giang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông