Góp ý kiến vào 2 dự thảo luật

08:55 11/03/2016

 

Quang cảnh hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi)
Quang cảnh hội nghị góp ý kiến vào dự thảo Luật Dược (sửa đổi)

Ngày 10-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia vào 2 dự án luật: Luật Dược (sửa đổi) và Luật báo chí (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 11 tới đây.

Đối với dự thảo Luật Dược (sửa đổi), 11 đại biểu đã tham gia đóng góp vào 6 nhóm vấn đề còn có ý kiến khác nhau, trong đó nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về dược sỹ lâm sàng vào dự thảo luật cho phù hợp với thực tế đặc thù ngành Dược.

Về quy định cấp chứng chỉ hành nghề dược, đại biểu cho rằng đây là chứng nhận nghề nghiệp nên đề nghị chứng chỉ này chỉ nên cấp 1 lần, thay vì cấp 5 năm/lần như dự thảo để hạn chế thủ tục phiền hà. Các đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị xung quanh vấn đề lộ trình quy hoạch phát triển ngành dược, nhất là phát triển các loại thuốc Đông Y của Việt Nam trong những năm tới; vấn đề đào tạo dược sỹ, đặc biệt các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ các quy định về đấu thầu giá thuốc, về xuất nhập khẩu thuốc, kiểm nghiệm thuốc và xử lý vi phạm trong lĩnh vực dược; kiến nghị thuốc là mặt hàng đặc biệt nên cần có quy định nghiêm cấm bán thuốc trong siêu thị…

Đối với dự thảo Luật báo chí (sửa đổi), đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật báo chí, trên cơ sở tiếp thu luật cũ, đã có những sửa đổi cơ bản, đưa vào luật nhiều vấn đề mới, đáp ứng được tình hình phát triển báo chí như hiện nay, đồng thời có nhiều quy định cởi mở hơn, như việc mở rộng hơn về đối tượng điều chỉnh…

Về người đứng đầu cơ quan báo chí, đa số tán thành quy định 2 chức danh: tổng giám đốc, giám đốc và tổng biên tập, cho rằng như vậy sẽ đáp ứng được việc quản lý và đại diện quyền sở hữu cơ quan báo chí. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị các chức danh: tổng giám đốc, giám đốc chỉ nên áp dụng đối với các cơ quan báo chí lớn, thuộc quyền quản lý của cơ quan trung ương.

Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lại khái niệm “nhà báo”, nếu quy định “nhà báo là người được cấp thẻ nhà báo” (Điều 25, khoản 1, dự thảo luật) chưa toát lên được tính chất đặc thù của nghề báo. Đồng thời đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “phóng viên” trong dự thảo luật. Về cấp, đổi thẻ nhà báo, các đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “xin cấp”, thay bằng cụm từ “đề nghị cấp” cho rõ ràng, hạn chế việc “xin - cho”. Các đại biểu cũng nêu nhiều ý kiến về quy định đặt cơ quan đại diện, cử phóng viên thường trú, về người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và đặt vấn đề: liệu có nên hay không nên đưa thông tin trên mạng xã hội thuộc diện điều chỉnh của Luật báo chí.

Đồng chí Trần Ngọc Vinh thay mặt Đoàn ĐBQH Hải Phòng thông tin thêm một số nội dung liên quan, trân trọng cảm ơn và tiếp thu đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của đại biểu để tổng hợp, phản ánh tại diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp tới.

THẾ KHOA


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông