17:31 13/05/2023 Cách đây 68 năm, ngày 13-5-1955, cả thành phố Cảng Hải Phòng hừng hực không khí sôi nổi hào hùng của những ngày thành phố được hoàn toàn giải phóng. Từ các ngả đường, quân ta rầm rập tiến về phía Quảng trường Nhà hát lớn. Người Hải Phòng tưng bừng trong rừng cờ hoa, đón những người con trở về tiếp quản. Hải Phòng sạch bóng thù. Tên lính viễn chinh cuối cùng của thực dân Pháp xâm lược đã phải nhục nhã bước xuống con tàu lớn tại Bến Nghiêng (Đồ Sơn) chấm dứt mộng xâm lược.
Thành phố Cảng “đi trước - về sau”
Ngày 2-9-1945, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ Tịch đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng giặc Pháp âm mưu cướp nước ta một lần nữa, thêm một lần dân tộc Việt Nam không chịu khuất phục, vùng lên: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Trong thời khắc đó của lịch sử, trước ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, quân và dân Hải Phòng đã tiên phong đi đầu đối mặt thử lửa với kẻ thù xâm lược.
Lịch sử luôn ghi nhớ những người con Hải Phòng đã quả cảm quên mình trong trận chiến bảo vệ Nhà hát Lớn. Đó là 13 chiến sĩ do Trung đội trưởng Đặng Kim Nở chỉ huy đã dũng cảm hy sinh, sau khi đã tiêu diệt được 50 lính Pháp. Tiếp đó là cuộc chiến đấu của các chiến sỹ Công an xung phong, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Thành Ngọ - người Cảnh sát trưởng đầu tiên.
Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đã viết trong hồi ký: “Cuộc chiến anh dũng của những người con Hải Phòng như cuộc tổng diễn tập thực sự của cả nước…”.
Tiếp đến 9 năm kháng chiến trường kỳ là những vàng truyền thống “Trung dũng - Quyết thắng” của quân và dân thành phố Cảng với hành loạt chiến thắng “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”, “Đường 5 quật khởi”… góp công cùng cả nước làm lên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 được ký kết, khi các địa phương khác ở miền Bắc đã được hưởng tự do, thì Hải Phòng vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, trong vùng tập kết 300 ngày của quân đội Pháp. Theo Hiệp định, quân Pháp ở miền Bắc phải rút về khu vực tập kết tại Hải Phòng và chuẩn bị rút toàn bộ đội quân viễn chinh khỏi Đông Dương.
Chúng buộc phải cuốn gói nhưng tiếp tục cấu kết với đế quốc Mỹ và tay sai phản động thực hiện chiến dịch cưỡng ép di cư, nhằm vơ vét sức người, sức của vào miền Nam chuẩn bị cho cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với ta. Hải Phòng bởi vậy đã trở thành điểm nóng của toàn quốc.
Phong trào đấu tranh của công nhân và các tầng lớp nhân dân thành phố phát triển mạnh mẽ. Cán bộ, bộ đội đi sát những người bị dụ dỗ, vạch trần âm mưu thủ đoạn của địch, vận động hàng chục vạn người bỏ các trại di cư. Công nhân đoàn kết, đấu tranh chống tháo dỡ di chuyển máy móc. Nông dân vận động được hai vạn binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch. Học sinh, trí thức sôi nổi tham gia đấu tranh bảo vệ học đường, công trình văn hóa.
Thế rồi, đúng ngày 13-5-1955, những tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng buộc phải rút khỏi Việt Nam, cũng là lúc dưới ánh hào quang rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, các đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản thành phố. Hải Phòng “đi trước về sau”, ngày giải phóng cũng đồng nghĩa với ngày giải phóng hoàn toàn miền Bắc.
Sau ngày lịch sử ấy, Hải Phòng khẩn trương hàn gắn vết thương chiến tranh. Với vị thế đầu mối giao thương quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất miền Bắc, trong niềm hân hoan của tự do, lòng người Hải Phòng vẫn quặn đau trước nỗi niềm Bắc – Nam chia cắt.
Các phong trào thi đua sôi nổi đã tiếp sức cho những người con Hải Phòng lên đường vào tuyến lửa. Người hậu phương kiên cường bám trụ, đập tan hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa của đế quốc Mỹ, vừa bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng vừa chi viện “Tất cả cho miền Nam ruột thịt”, góp phần thống nhất toàn vẹn non sông.
Khát vọng “Tỏa sáng miền cửa biển”
Bước ra từ khói lửa của cuộc chiến dài nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử chiến thanh thế giới, giữa muôn vàn mất mát đau thương, nhưng với niềm tin và sáng tạo, người Hải Phòng luôn tìm riêng cho mình những cách làm mới để vượt qua. Nhiều mô hình xuất phát từ Hải Phòng đã lan tỏa ra cả nước, như phong trào: “Dân vận khéo”, “Sóng Duyên hải, gió Đại Phong”; “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”… và điển hình là phong trào khoán mới.
37 năm thực hiện đường lối đổi mới, Hải Phòng đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt trong những năm gần đây, thành phố đã có bước chuyển mình, bứt phá, vươn lên vô cùng mạnh mẽ. Các công trình hạ tầng trọng điểm đột phá trên các lĩnh vực kinh tế, giao thông, đô thị… đã tạo động lực thúc đẩy cho kinh tế -xã hội thành phố.
Các khu công nghiệp Nomura, Tràng Duệ, VSIP, Đình Vũ-Cát Hải… đã đưa Hải Phòng vào nhóm những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó hàng loạt dự án lớn đã khẳng định hướng đi đúng của chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng đi vào chiều sâu, phát triển bền vững, lấy kinh tế đảm bảo an sinh xã hội, thắt chặt thiết chế văn hóa, ổn định quốc phòng - an ninh càng minh chứng rõ nét khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng.
Với sự đồng thuận của toàn Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố, Hải Phòng đang trở thành điểm sáng của cả nước, nhanh chóng bắt nhịp trở lại với đời sống bình thường mới gặt hái nhiều thành tựu trên khắp lĩnh vực.
Nhìn lại chặng đường 68 năm, thành phố Cảng đã thay đổi toàn diện trên mọi lĩnh vực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của cả nước.
Những ngày này, khắp các nẻo đường, màu hoa phượng hòa với màu cờ, rực rỡ một màu thắm đỏ, người dân thành phố người người náo nức với các hoạt động kinh tế-văn hóa-xã hội hướng tới Lễ hội Hoa Phượng đỏ-Hải Phòng 2023 lan tỏa tới bạn bè trong và ngoài nước thông điệp “Hải Phòng-Tỏa sáng miền cửa biển”.
Đây là Lễ hội lần thứ 10 gắn với kỷ niệm 68 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng chủ đề rất phù hợp với khát vọng xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước; động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
ANHP
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024