18:53 18/03/2022 Ngày 13-3, tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, lãnh đạo thành phố Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh cùng gặp gỡ, bàn bạc và quyết định những vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất trong chương trình hợp tác, liên kết, phát triển với không khí vui mừng, phấn khởi, đồng thuận tuyệt đối. Lãnh đạo 3 tỉnh, thành phố thống nhất nhận định: liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng là nhiệm vụ đã được nghị quyết đại hội 13 của Đảng chỉ ra, là nhu cầu tự thân, là xu thế tất yếu và cần được hiện thực hóa nhanh chóng, hiệu quả, phấn đấu để Hải Phòng- Hải Dương- Quảng Ninh trở thành động lực phát triển của cả vùng.
Thống nhất ý chí và hành động
Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ và ý nghĩa quan trọng của liên kết vùng, thời gian qua, Hải Phòng- Hải Dương- Quảng Ninh chủ động triển khai nhiều chương trình, nội dung hợp tác, đạt được kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đông Bắc bộ. Điều đó thể hiện qua các công trình giao thông kết nối liên vùng như cầu Dinh, cầu Quang Thanh nối Hải Phòng với Hải Dương; cầu Triều; cầu Mây; cầu Đông Mai… nối Hải Dương với Quảng Ninh; là cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cầu Bạch Đằng và tuyến quốc lộ 10 nối Hải Phòng với Quảng Ninh... Những công trình đó đã ngay lập tức phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn và mang niềm vui, hạnh phúc cho người dân các địa phương.
Không chỉ có vậy, các địa phương đã thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, nông nghiệp- PTNT, du lịch, bảo đảm ANTT… và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Từ nền tảng quan trọng đó, lãnh đạo các địa phương khẳng định, cần thống nhất ý chí và hành động, tăng cường hơn nữa mối liên kết trên tất cả các lĩnh vực để cùng phát triển mạnh mẽ. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng nhấn mạnh, sẽ nâng tầm mối liên kết, hợp tác, bảo đảm thực chất, hiệu quả, quyết liệt, mạnh mẽ hơn. Theo đó, 3 địa phương cùng chủ động, đồng hành vì sự phát triển chung của cả khu vực và của các tỉnh, thành phố; tùy điều kiện, năng lực của mỗi địa phương để tham gia hợp tác, liên kết, không tính toán nơi nhiều, nơi ít; nếu có khó khăn, vướng mắc thì cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ để tạo sự đồng thuận và mang lại hiệu quả cao nhất. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh khẳng định, “mối nhân duyên” của 3 địa phương đang được sự trợ giúp đắc lực,”thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã tới, chắc chắn sẽ thành công. Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương bày tỏ niềm vui và cảm xúc đặc biệt khi mối quan hệ hợp tác giữa 3 địa phương được nâng lên tầm cao mới. Theo đồng chí Phạm Xuân Thăng, 3 địa phương có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa, con người…; có vị thế đặc biệt quan trọng trong 7 tỉnh, thành phố vùng kinh tế động lực phía Bắc; đặc biệt là cùng chung khát vọng phát triển rất mạnh mẽ và còn nhiều tiềm năng, lợi thế có thể hợp tác, khai thác. Đây chính là động lực, là nguồn lực, cũng là minh chứng cho thấy 3 địa phương có đủ tầm vóc, vị thế, có đủ quyết tâm, quyết liệt để cùng chung sức, đồng lòng, liên kết, hợp tác phát triển nhanh và bền vững.
Đưa tiềm năng, vị thế trở thành sức mạnh tổng hợp để phát triển
Từ sự phân tích đó, lãnh đạo các địa phương thống nhất cao với chương trình hợp tác, liên kết với những công việc rất cụ thể, bảo đảm 5 rõ: rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm. Quan trọng hơn, cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đã có thể mường tượng được rất rõ nét, cụ thể những công trình, dự án; những chương trình hợp tác mang lại lợi ích cho mỗi địa phương và cho doanh nghiệp, người dân trong thời gian tới.
Với quan điểm chủ đạo: giao thông phát triển tới đâu, kinh tế vượt lên tới đó, điểm mấu chốt, quan trọng đầu tiên là 3 địa phương thống nhất hợp tác đẩy nhanh tốc độ phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, bao gồm cả đường thủy, đường sắt, đường bộ. Trong đó, nổi bật nhất là hệ thống đường bộ. Người dân 3 địa phương hoàn toàn có thể vui mừng khi sắp tới đây sẽ có sự khớp nối đồng bộ Quy hoạch một số tuyến giao thông liên kết vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Đó là tuyến kết nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long tương lai, quốc lộ 18 và đường ven sông thị xã Đông Triều - Quảng Yên với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến kết nối mới liên kết huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) tạo ra liên kết đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và mở rộng không gian liên thông kết nối 9 tỉnh và thành phố trong khu vực (gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Hòa Bình). Đó cũng là tuyến kết nối giữa huyện Kinh Môn (Hải Dương) và huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng); tuyến kết nối Quốc lộ 5, huyện Kim Thành (Hải Dương) với quốc lộ 10 (Hải Phòng); xây dựng tuyến nối quốc lộ 18 và đường tốc độ cao ven sông thị xã Đông Triều - Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương); xây dựng trục kết nối huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); xây dựng cầu vượt sông Phi Liệt và đường dẫn nối quốc lộ 17B (thị xã Kinh Môn) với đường tỉnh 352 (huyện Thuỷ Nguyên); xây dựng đoạn tuyến nối từ quốc lộ17B đến cầu Dinh; xây dựng cầu Lại Xuân; cầu Bến Rừng nối Hải Phòng với Quảng Ninh; tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 đoạn từ Nút giao với Quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (thành phố Hải Phòng; đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều; đầu tư cầu kết nối thành phố Uông Bí với huyện Thủy Nguyên... Về đường sắt, 3 địa phương tiếp tục kiến nghị với Trung ương để Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn chỉnh tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với tuyến duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; khôi phục tuyến đường sắt Kép - Hạ Long và đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ) để hoàn thiện vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho đường bộ. Về đường thủy, đường hàng không cũng có những cam kết rất cụ thể.
Cùng với đó là các nội dung hợp tác cụ thể, thiết thực xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển; là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh); phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistics; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp các địa phương tổ chức tốt hoạt động lưu thông hàng hóa; nông sản; hợp tác phát triển du lịch; đào tạo và cung ứng nhân lực; hợp tác thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư và thúc đẩy chuyển đổi số; hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc và di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận di sản thế giới...
Có thể nói, chưa bao giờ các nội dung hợp tác, liên kết giữa 3 địa phương lại toàn diện, vượt trội, có nhiều điểm nhấn và sự đồng thuận, tính khả thi rất cao như hiện nay. Từ đây, mối quan hệ hợp hợp tác và liên kết vùng giữa 3 địa phương chính thức bước vào giai đoạn phát triển mới, với sự mạnh mẽ, quyết liệt, chủ động, sáng tạo hơn, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả rõ nét trong tương lai gần, góp phần đắc lực để Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương cùng vươn tới những tầm cao mới./.
Hồng Thanh