Hải Phòng chủ động thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu

15:10 28/01/2024

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Điều này cho thấy phản ứng nhanh nhạy về chính sách của Quốc hội, góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công bằng, thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng thu ngân sách. Là thành phố lớn thứ ba cả nước, tốc độ thu hút nguồn vốn FDI diễn ra rất sôi động với số lượng lớn, Hải Phòng cũng cần chủ động, khẩn trương để thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

                                                                                  Nắm vững để triển khai

Theo UBND thành phố, tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi xướng chính sách và sử dụng Thuế tối thiểu toàn cầu như một công cụ để phân chia quyền đánh thuế, thực hiện đánh giá về phân bổ lợi nhuận và các nguyên tắc phân bổ lợi nhuận nhằm đảm bảo tất cả các doanh nghiệp hoạt động quốc tế phải trả mức thuế tối thiểu.

Chính sách này nhằm ngăn chặn cuộc đua xuống đáy về thuế suất ưu đãi giữa các quốc gia trong thu hút đầu tư nước ngoài; xóa bỏ kẽ hở để trốn thuế, chuyển giá đối với các công ty đa quốc gia. Đã có hơn 140 quốc gia, trong đó có Việt Nam đồng thuận với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo quy định, mức thuế suất tối thiểu là 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Như vậy, các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam hưởng thuế suất thấp hơn 15% thì quốc gia nơi đặt trụ sở chính sẽ đánh thuế bổ sung trên phần chênh lệch giữa mức thuế suất tối thiểu toàn cầu 15% và mức thuế suất được hưởng tại quốc gia nhận đầu tư.

Như vậy, thuế suất tối thiểu toàn cầu đang đặt ra bài toán mới cho Việt Nam trên bước đường hội nhập. Nếu Việt Nam không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì số thu ngân sách Nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp không bị ảnh hưởng, nhưng toàn bộ số tiền ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI hiện tại sẽ được chính phủ các quốc gia sở hữu doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thu về ngân sách của quốc gia đó. Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp FDI đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Sản xuất máy hút bụi tại Công ty TNHH LG Electronics Hải Phòng

Tuy nhiên, ngoài lợi ích đối với thu ngân sách trên địa bàn cả nước do thuế tối thiểu toàn cầu mang lại thì cũng có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung. Trong đó sẽ làm giảm sức thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam do doanh nghiệp FDI sẽ không được hưởng lợi về ưu đãi thuế như hiện nay.

Đối với thành phố Hải Phòng, thu hút đầu tư FDI đạt nhiều kết quả nổi bật. Hải Phòng đã trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều năm liên tục đứng trong tốp đầu cả nước với nhiều dự án vốn FDI, như các tập đoàn: LG, Bridgestone, Regina Miracle, Pegatron… Đến nay, các  KCN, KKT Hải Phòng có 520 dự án FDI với số vốn trên 26,5 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia có số vốn đầu tư lớn tại Hải Phòng.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, các doanh nghiệp FDI được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Cụ thể, tại Khu Kinh tế, doanh nghiệp có dự án đầu tư mới thuộc địa bàn khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với mức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cao (ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 9 năm tiếp theo kể từ khi có thu nhập chịu thuế).

Tại Khu công nghiệp, dự án đầu tư tại một số khu công nghiệp (KCN An Dương, KCN Nam Cầu Kiền…) được áp dụng ưu đãi miễn thuế 2 năm, giảm 50% thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Khi Chính phủ thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, sẽ ảnh hưởng rất lớn đầu quyết định đầu tư mới hoặc mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp có vốn Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng. Qua khảo sát, sẽ có 10 doanh nghiệp (trong đó, số doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG là 5 doanh nghiệp) sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư.

Theo Đề án trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất phần thuế thu nhập doanh nghiệp thu bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu được nộp vào ngân sách trung ương, không phân cấp về ngân sách địa phương. Do vậy, khi Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thành phố Hải Phòng sẽ không được phân cấp thu nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung do áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Dự kiến thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tính thuế. Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024, ngày kết thúc năm tài chính là 31/12/2024 thì chậm nhất 15 tháng sau, tức là năm 2026 mới thu được nguồn thuế này.

                                                                      Những đề xuất cụ thể

Để ứng phó khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, Hải Phòng đề xuất với Trung ương phân cấp nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu về ngân sách địa phương để các địa phương (trong đó có thành phố Hải Phòng) có nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và các chính sách nhằm hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đến thành phố để đầu tư.

Đồng thời đề nghị sửa đổi Luật Thuế, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Trong đó quy định về thuế tối thiểu nội địa đạt chuẩn nhằm ngăn chặn việc các quốc gia khác giành quyền đánh thuế. Qua đó, Việt Nam có thể bảo vệ quyền đánh thuế từ ngày 1/1/2024 trước khi số thuế này bị nộp về cho chính phủ nơi công ty mẹ đặt trụ sở chính (tổ chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đang tích cực khuyến nghị các nước nhập khẩu vốn, tiếp nhận đầu tư áp dụng cơ chế này).

Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế bù đắp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (từ số thuế thu thêm được khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu) bảm bảo tính khả thi như có chính sách đào tạo, thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực, lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp; hỗ trợ trực tiếp vào các chi phí đầu tư, chi phí nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ sản xuất những sản phẩm được ưu tiên thu hút đầu tư, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, các hoạt động giảm phát thải. Cùng với đó, hỗ trợ các chi phí liên quan đến phúc lợi cho người lao động như: chi phí xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, trạm y tế phục vụ cho công nhân tại các khu công nghiệp, chi phí xe đưa đón công nhân; hỗ trợ các khoản chi phí để giảm giá thành sản xuất như hỗ trợ tiền điện.

Hải Phòng chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để bảo đảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu

UBND thành phố Hải Phòng đang chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nói chung cũng như cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế nói riêng; tiếp tục cắt giảm các khoản phí, chi phí liên quan đến thực hiện các thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp, hạ tầng giao thông hiện đại phục vụ, đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng với sự chủ động, tích cực đó, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ mang lại cho thành phố những lợi thế mới, tăng nguồn lực để xây dựng và phát triển Hải Phòng./.

                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông