Tổng kết 8 năm thực hiện về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020”: Hải Phòng có 2 tập thể, 3 cá nhân được khen thưởng

16:19 19/06/2021

Sáng 18-6, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Quyết định về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020” của Chính phủ. Bộ trưởng, Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương. Về phía đầu cầu thành phố Hải Phòng, do đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì, cùng dự có đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT và các quận, huyện,sở, ngành liên quan.

8 năm qua, ngành giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” gọi tắt là Đề án 89.

63 điểm cầu dự hội nghị trực tuyến

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực; công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ được củng cố vững chắc; mạng lưới cơ sở giáo dục từ xa phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình.

Các thiết chế văn hóa, phương tiện thông tin đại chúng đã tham gia cung ứng các chương trình học tập suốt đời và tổ chức các chương trình giáo dục mở trên sóng phát thanh, truyền hình. Số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, các lớp phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, nghề ngắn hạn tại các trung tâm học tập cộng đồng tăng hằng năm…

Tại điểm cầu Thành phố Hải Phòng, đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì

Tại các địa phương, qua quá trình triển khai, đến tháng 12/2020, có 34/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục (tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 tuổi là 97,85%); 22/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu học tập nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; 19/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu kết quả học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề; 52/63 tỉnh, thành phố đạt mục tiêu hoàn thiện kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn.   

Tham luận tại hội nghị, NGƯT. PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố chia sẻ kinh nghiệm về "Mô hình GDTX tạo động lực và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người”.

PGS.TS Lê Quốc Tiến, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố phát biểu tại điểm cầu Hải Phòng

Theo đó, thành phố Hải Phòng, mô hình GDTX được phát triển nhằm tạo động lực và mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người nhằm xây dựng xã hội học tập là phát triển văn hóa đọc và phát triển cộng đồng, xã hội học tập ngoại ngữ. Bởi lẽ, phát triển văn hóa đọc chính là chìa khóa để tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của mọi công dân và ngoại ngữ chính là chìa khóa để mở cánh cửa ra thế giới.

Trong những năm qua, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Quyết định và Kế hoạch của Bộ GD-ĐT về việc thực hiện Đề án 89. Đặc biệt, trong năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT đã xây dựng và ban hành Quyết định, Kế hoạch về việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc ngành giáo dục TP Hải Phòng với những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Cụ thể: Giám đốc Sở GD-ĐT đã phát động tạo nguồn sách, báo, tạp chí thông qua việc xây dựng mô hình “Thư viện 50K” dưới hình thức, mỗi em học sinh mua một cuốn sách, báo, tạp chí… trị giá trên dưới 50 nghìn đồng hay còn gọi là 50K hoặc mang tới lớp một cuốn sách mà các em đã có ở nhà, còn mới 70%, phù hợp với lứa tuổi để góp vào thư viện của lớp mình, chia sẻ với bạn bè trong lớp và được đọc các cuốn sách còn lại mà các bạn trong lớp mang đến. Nhà trường sẽ xây dựng quy trình trao đổi sách giữa các lớp, các khối trong trường, tiến xa hơn là các trường trong thành phố rồi đến các tỉnh thành phố khác. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT Hải Phòng còn phát động các nhà trường xây dựng tủ sách giáo viên, tủ sách phụ huynh để tăng cường việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và trong cộng đồng. Giúp phụ huynh tiếp cận với sách, với những vấn đề mới về tâm lý, lứa tuổi, cách dạy con… để phối hợp có hiệu quả giữa gia đình – nhà trường và xã hội.

Trong khuôn khổ triển khai, xây dựng mô hình “Thư viện 50K”, Sở đã phát động phong trào xây dựng tủ sách lớp học, phòng đọc, không gian văn hóa đọc nhờ vào các nguồn hỗ trợ khác nhau: quà tặng của học sinh cuối cấp dành cho các em khóa dưới là những giá sách với những lời nhắn gửi động viên; quà tặng của các cựu học sinh thành đạt; quà tặng của các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn.... Trong đó, các trường có thể xây dựng dưới hai hình thức: đối với những trường đảm bảo cơ sở vật chất: mỗi lớp xây dựng một giá sách/tủ sách, kích thước xây dựng đảm bảo phù hợp với không gian lớp học. Đối với những trường có sở vật chất chưa đảm bảo thì dành một phòng/không gian riêng gọi là phòng đọc chung, trong phòng đó có xây dựng các giá sách ghi tên các lớp cụ thể.

Để văn hóa đọc được duy trì và phát triển, Sở đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT quận, huyện, các đơn vị, cơ sở giáo dục trực thuộc cử cán bộ tham gia các Hội nghị tập huấn chuyên môn do Sở tổ chức về việc phát triển văn hóa đọc; Hội nghị và trao đổi các về chủ đề sách, hướng dẫn cách đọc sách nhanh và hiệu quả để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong học đường và tiến xa hơn là phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Khi mỗi trường đã xây dựng được thư viện 50K, Sở GD-ĐT Hải Phòng phối hợp với Sở GD-ĐT Yên Bái xây dựng Dự án “Bước chân của sách”, tổ chức cho giáo viên trên địa bàn thành phố hướng dẫn học sinh tham gia dự thi giới thiệu sách trên mạng xã hội để truyền tải các thông điệp ý nghĩa về vai trò mà sách mang lại cho con người. Những cuốn sách hay sẽ được tặng cho các bạn nhỏ vùng cao tỉnh Yên Bái nhằm chia sẻ, kết nối những yêu thương và cùng nhau phát triển, hướng tới một xã hội học tập suốt đời, tăng cường công tác tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc. Những cách làm trên đã tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng đối với văn hóa đọc trong học đường tại thành phố Hải Phòng.

Kết quả: Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 15/15 quận, huyện gần 1000 trường trường chiếm tỉ lệ gần 100% số trường tham gia vào việc xây dựng thư viện 50K – phát triển văn hóa đọc trong nhà trường; với hàng chục ngàn giáo viên tham gia, tỉ lệ hơn 80%, trong đó Hải Phòng đã xây dựng được 170 giáo viên cốt cán phát triển văn hóa đọc; có hàng chục ngàn học sinh tham gia đóng góp xây dựng thư viện 50K lớp học, chiếm tỉ lệ 90 %.  Sở cũng đã tổ chức 2 Hội nghị tập huấn cho cán bộ cốt cán phát triển văn hóa đọc với sự tham gia của các diễn giả văn hóa đọc, các nhà sách tham gia dự án, với trên 200 cốt cán văn hóa đọc được lựa chọn từ các địa phương. Các bậc phụ huynh đã quan tâm, ủng hộ nhiệt tình đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Sự lan tỏa thông điệp về việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc qua dự án BƯỚC CHÂN CỦA SÁCH trên mạng xã hội đã được đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh và các bậc phụ huynh học sinh quan tâm. Sau 28 ngày phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 400 tác phẩm dự thi đến từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với 286.500 người tiếp cận, 196.900 người tương tác với các nội dung, chủ đề đăng tải về các bài giới thiệu sách, vai trò của sách, phương pháp đọc sách hiệu quả,  3.248 người thích, theo dõi dự án. Để tiếp tục lan tỏa văn hóa đọc tới mọi đối tượng học sinh, khi đọc sách xong, các em học sinh được lựa chọn các cuốn sách yêu thích để giới thiệu với mọi người và tặng lại cuốn sách đã đọc cho các bạn nhỏ ở các trường khó khăn đây chính là ý nghĩa, giá trị nhân văn rất lớn mà sách mang lại. Thông qua các hoạt động kết nghĩa giữa các trường Hải Phòng với trực tiếp các trường cùng cấp có điều kiện khó khăn trong địa bàn thành phố, các trường khó khăn tại vùng cao. Qua Bước chân của sách đã gắn kết các trường Hải Phòng với các trường thuộc tỉnh Yên Bái. Hoạt động xây dựng và phát triển văn hóa đọc của Hải Phòng đã giúp học sinh thích thú đọc sách hơn. Theo khảo sát số lượng học sinh đọc sách hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng tăng lên đến 500% so với các năm trước đây. Hoạt động đọc ở thư viện 50K lớp học khiến các em học sinh thích thú hơn bởi sách không nặng về các chủ đề học tập trên lớp mà chủ yếu là giải trí, bồi đắp tình yêu giữa con người với con người, khám phá những bí ẩn về thế giới xung quanh, hơn thế tại lớp học các em có thể đọc sách ngay trong giờ giải lao, tiết ngoại khóa,… Đặc biệt, thông qua việc hướng dẫn các học sinh tham dự cuộc thi giới thiệu sách online giúp giáo viên – học sinh – phụ huynh gắn bó hơn, yêu hơn từng trang sách, dần hình thành thói quen đọc sách và phát huy hiệu quả văn hóa đọc trong cộng đồng của thành phố Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định vai trò quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập, đây là nhiệm vụ không chỉ của riêng ngành giáo dục mà của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vai trò của mỗi cá nhân tham dự trong xã hội học tập là yếu tố đặc biệt quan trọng, mỗi cá nhân vừa tự ý thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời vừa được hỗ trợ, khích lệ, ghi nhận trong học tập. Mọi công dân có nghĩa vụ và trách nhiệm học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt và sự hỗ trợ, vào cuộc của các doanh nghiệp nhằm đào tạo người lao động theo nhu cầu sử dụng, từ đó tạo động lực thúc đẩy xã hội học tập.

Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan, các địa phương thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm xóa mù chữ; phát triển hệ thống đào tạo từ xa; tăng cường hiệu quả của hệ thống khuyến học; tăng cường truyền thông và định hướng xã hội đối với học tập; gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang, cộng đồng dân cư và dòng họ, gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập công bằng, bình đẳng, nhân văn và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người, ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, suốt đời; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, miền núi, người bị thiệt thòi, yếu thế. Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu sớm xây dựng Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố đại diện trao Bằng khen của Bộ GD-ĐT cho 2 tập thể và 3 cá nhân

Nhân dịp này, Bộ GD-Đt đã tặng Bằng khen cho 71 tập thể, 92 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện đề án. Thành phố Hải Phòng vinh dự có 2 tập thể và 3 các nhân được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT gồm: Sở GD-ĐT Hải Phòng; Trường tiểu học Tiên Minh huyện Tiên Lãng; các ông Vũ Văn Trà, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng; Nguyễn Anh Thuấn, Trưởng phòng GDTX, Chuyên nghiệp và Đại học; Cao Văn Rôi, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tiên Lãng.

Thiên An

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông