“Hải Phòng không chỉ như tôi biết…”: Kỳ 1 - Đến với đảo đèn Long Châu

19:18 07/06/2017

Trong 63 tỉnh, thành cả nước, có 9 địa phương sở hữu 12 huyện đảo, và Hải Phòng nằm trong số 3 địa phương có nhiều huyện đảo nhất. Cũng theo tài liệu địa lý, bờ biển Việt Nam dài khoảng 3.260km, có 2.773 đảo lớn nhỏ, thì Cát Bà thuộc huyện Cát Hải được tổ chức kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là quần đảo có nhiều đảo nhất với 367 đảo lớn nhỏ…

Là một trong những thành phố trực thuộc trung ương lớn nhất cả nước, nên những  số liệu địa lý nêu trên quả thực rất có ý nghĩa đối với những ai quan tâm đến Hải Phòng. Đối với người Hải Phòng, đặc biệt với cánh nhà báo, mỗi chuyến đi công tác ngoài đảo luôn mang lại cảm hứng khó tả.

Thực ra địa danh đem lại nhiều điều lý thú nhất phải kể đến Cát Bà, nơi được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với nhiều kỷ lục, đồng thời cũng là khu du lịch nổi tiếng đang trên lộ trình tái đề cử là di sản thiên nhiên thế giới. Nhưng vì nằm gần đất liền, nên muốn trải nghiệm Cát Bà không còn là chuyện khó khăn trong điều kiện hiện nay. Bởi vậy, trong chuyến đi dài ngày gần đây, một đồng nghiệp của tôi ở Hà Nội hồ hởi: “Chuyến này biết hết Cát Bà, về có bao nhiêu chuyện để kể…”.

Nghe vậy, tôi cười: “Chưa ra Long Châu nghĩa là chưa biết hết Cát Bà đâu…”. Trí tò mò và máu nghề nghiệp nổi lên, anh bạn quyết định ở lại thêm thời gian nữa, thực hiện một chuyến khám phá biển đảo Hải Phòng cho thỏa chí tang bồng. Rất may, dịp này thành phố có đoàn đi Bạch Long Vỹ, nhân thể ghé qua Long Châu, tôi liên hệ và được cùng anh bạn tham gia.

Một buổi sáng đầu hạ, chúng tôi có mặt tại bến Bính, lúc này trời mới tang tảng sáng, nhưng thành phố vẫn rực rỡ dưới ánh đèn tung hoa từ những tàu biển khổng lồ.

Con tàu của bộ đội biên phòng thành phố rời bến, chúng tôi vừa nhai bánh mì vừa thưởng ngoạn cái khoảnh khắc mà không phải ai, không phải lúc nào trong đời người, muốn là có được. Ra khỏi cửa sông, con tàu lượn một đường cua rồi tăng tốc lao về phía biển. Trời đột nhiên xuất hiện những đám mây đen, tàu chạy ngang chiều gió, biển càng lúc càng rộng hơn, sóng đánh vào mạn tàu tung lên trắng xóa. Anh bạn tôi đang mải chụp ảnh, vội vàng chùm cả người ấp vào bảo vệ máy ảnh, khiến một thủy thủ đoàn phải nhào người giữ lại. Rồi anh thủy thủ đưa cho chúng tôi hai chiếc áo phao, dặn dò: “Hôm nay có giông, các đồng chí mặc vào cho an toàn…”. Khoác chiếc ao phao vào người, anh bạn vừa lau những giọt nước mặn bám trên thân máy, vừa lẩm bẩm: “Thế mới biết dân báo chí Hải Phòng thật thiện nghệ”.

Tàu chúng tôi luồn lách qua các đảo đá nhấp nhô của vịnh Lan Hạ, ra khỏi vịnh cũng là lúc cơn mưa rào đổ xuống, vỡ òa trong sự choáng ngợp của biển. Phía xa tháp đèn Long Châu hiện ra chập chờn, nhưng sóng càng lúc càng dữ dằn. Những cơn sóng ngất ngưởng rộng hàng chục mét, dường như cố tấn công con tàu đang chạy hết lực động cơ, lúc thấy mình chênh vênh trên cao, khi lại cảm như đang bị nuốt chửng xuống đáy biển.

Một sỹ quan biên phòng nói: “Sóng lớn, nước cạn thế này, tàu khó mà vào trong đảo được!”. Rồi điều lo lắng ấy thành sự thực, tàu giảm tốc độ và tắt máy, mưa đã tạnh nhưng những cơn sóng vẫn được thể chồm lên, người và đồ đạc trên tàu chao đảo dồn vào nhau, lúc nghiêng phải, lúc lại ngã trái, những mảng nước vã lên boong tung tóe.

Từng nhóm được xuồng biên phòng tăng-bo vào bờ. Đảo hiện ra trước mắt chúng tôi là không gian của đá tai mèo lởm chởm, hai con đường nhỏ dẫn về hai phía, viền trên triền núi ngăn ngắt nhìn xa tựa như chiếc khăn lụa quàng vào cổ đảo.

Anh em cán bộ công nhân trạm đèn và chiến sỹ đài quan sát thuộc đồn biên phòng 54 (xin gọi chung là lính đảo) đã túc trực sẵn, đỡ từng vị khách lên cầu. Đoàn chúng tôi đến thăm đài quan sát biên phòng trước, quàng ba lô vào cổ, lân từng bậc đá trên con đường vắt vẻo chỉ đủ một thân người. Đài quan sát là một căn nhà nhỏ, nằm giữa điểm cao của hai ngọn núi, phóng tầm khống chế một vùng biển mênh mông.

Anh bạn đồng nghiệp hứng thú trước mấy vạt rau được anh em biên phòng tăng gia. Một chiến sỹ của đài tên Phong tâm sự: “Đất bọn em phải đem từ đất liền ra mới trồng được, nhưng thiếu nước ngọt tưới nên cây chậm lớn lắm…”. Chỉ tay ra phía biển, Phong nói vui: “Nước mênh mông mà nhiều khi vẫn khát, cuộc sống giữa biển là thế anh ạ…”.

Chia tay anh em trạm biên phòng, chúng tôi di chuyển sang trạm đèn. Vừa đi, anh bạn vừa tranh thủ đọc lại những thông tin vừa ghi chép: “Long Châu cách Cát Bà 15km về phía đông nam, diện tích đảo đèn rộng hơn 1km2, có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1894, cao 111,5m so với mực nước biển…”.

Chúng tôi lên đến trạm đèn, nằm trên ngọn núi cao nhất, ngược một quãng đường khá dài so với đài quan sát, kỳ vĩ phóng lên giữa đại dương. Anh em trong trạm giới thiệu, hải đăng Long Châu có hiệu lực chiếu sáng 27 hải lý, dẫn đường cho những con tàu đi trong đêm của vịnh Bắc Bộ.

Hàng ngày, dù thời tiết nào thì gần chục anh em trạm đèn cũng phải đảm bảo cho hải đăng hoạt động, thắp sáng  lúc 18h hôm trước và tắt vào 6h sáng hôm sau. Một nhân viên tên là Chiến tâm sự: “Công việc thì dễ nhàm, sinh hoạt lại kham khổ, có những khi biển động, nguồn cung cấp từ đất liền tới muộn, anh em phải chia nhau từng ngụm nước ngọt…”. Anh Chiến cho biết, khó khăn thế nhưng có người đã trụ trên đảo hàng chục năm, cũng theo anh Chiến, kỷ lục lâu nhất bám đảo Long Châu có lẽ là ông Đặng Duy Chức, quê ở xã Chiến Thắng (An Lão) với hai mươi năm có lẻ.

 Chưa kịp nói hết câu chuyện, thì được thông báo đoàn phải tranh thủ khởi hành đi Bạch Long Vỹ theo khung thời tiết. Trời đã quang, mây đã tạnh, sóng gió cũng lặng đến bất ngờ, những điều này đã được tính toán từ trước. Chúng tôi từ biệt anh em đảo Long Châu mà lòng dạ bùi ngùi, vài câu chuyện dở dang quả thực chưa đủ để chúng tôi “thấm” hết cái thần của đảo. Tàu rời bến, nhìn những cánh tay vẫy chào ở lại, trong bóng hải đăng lẫn dần vào mây mù, anh bạn tôi trầm trồ: “Họ thật xứng danh anh hùng”.

(còn nữa)

Ký sự của Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông