“Hải Phòng không chỉ như tôi biết…”: Kỳ 2 - “Đuôi rồng trắng” vẫy vùng giữa đại dương

17:50 08/06/2017

Đảo Bạch Long Vỹ

Rời khỏi Long Châu, con tàu tăng tốc đẩy lùi bóng những ngọn đảo cuối cùng vào đất liền. Đã mấy lần công tác ở Bạch Long Vỹ, nhưng lần đi này tôi vẫn có cảm giác nao nao khó tả, đúng là biển mênh mông bí ẩn và diệu vợi, khiến người ta luôn muốn được hút vào, dẫu khó đoán phía trước là điều gì. 

Nói vậy, nhưng trong cái khổ lại có cái sướng, vì theo các đồng chí bộ đội biên phòng trên tàu, trời càng nóng thì sóng càng yên. Mấy tiếng trên đại dương, sóng điện thoại không có chứ đừng mơ ước đến Wifi, tôi bật máy tính cho anh bạn đọc lại bài tôi đã từng viết về Bạch Long Vỹ. Ấy là câu chuyện kể về hơn 20 năm trước, khi những con tàu gỗ đầu tiên chở 62 thanh niên xung phong của Thành đoàn Hải Phòng, vượt trùng khơi đến với Bạch Long Vĩ. Họ đã ghi danh vào lịch sử hình thành huyện đảo nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

Tiếng là huyện, nhưng cũng chỉ có một đảo. Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ, cách đất liền 110km, với diện tích tự nhiên 2,33km2. Từ thế kỷ 19 trở về trước, do không tìm được nguồn nước nên đảo còn có tên Vô Thủy, suốt thời gian dài, đảo chỉ đóng vai trò là nơi tránh gió của ngư dân trên biển. Thời kỳ Pháp thuộc, theo thỏa thuận của chính quyền Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc), Bạch Long Vỹ được xác định thuộc Việt Nam. Vào khoảng năm 1920, khi tìm được nước ngọt trên đảo, một số ngư dân vùng Quảng Yên tới đây lập nghiệp.

Ngày 16-1-1957, Việt Nam đã tiếp quản Bạch Long Vỹ, khẳng định chủ quyền đối với đảo, vùng biển, vùng trời và thềm lục địa xung quanh, thuộc địa danh hành chính Hải phòng. Ngày 9-12-1992, Chính phủ ra Nghị định số 15/NĐ/CP thành lập huyện đảo Bạch Long Vỹ, và ngày 26-2-1993, những thanh niên xung phong cùng một số hộ ngư dân đầu tiên ra sinh sống, đã trở thành nhân chứng, viết lên trang sử sáng bừng của tuổi trẻ Hải Phòng, mở ra hướng đi chiến lược trong phát triển kinh tế biển, đồng thời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc…

Tàu cập âu cảng, trên bờ hàng trăm cư dân đảo gồm đủ mọi sắc phục, nào bộ đội, công an, cảnh sát biển, thanh niên xung phong đến các ngư dân, vẻ mặt ai cũng hào hứng ra đón người đất liền. Đoàn xe dã chiến đưa chúng tôi chạy một vòng quanh đảo, len lỏi trên những con đường mới mở, lượn lách qua các khu rừng còn khá hoang vu, vòng vo lên tận đỉnh.

Vì phải theo lịch trình, nên buổi làm việc được thiết lập ngay sau đó tại hội trường UBND huyện. Câu chuyện về phát triển Bạch Long Vỹ trở thành Trung tâm hậu cần nghề cá và du lịch biển lại được thảo luận sôi nổi, những ý kiến được đưa ra, có cả sự lãng mạn, lạc quan lẫn sự gập ghềnh của khó khăn nội tại. Có thể nói, dù chỉ là đảo nhỏ nằm xa đất liền, nhưng Bạch Long Vỹ tiềm ẩn nhiều cơ hội lớn, nhất là những giá trị bảo tồn về biển.

Theo kết quả nghiên cứu, ngoài hai kiểu hệ sinh thái đa dạng vùng triều và dưới triều, khu hệ sinh vật biển của đảo cũng đặc biệt phong phú, Bạch Long Vỹ còn là một trong những ngư trường lớn nhất của vịnh Bắc Bộ. Chính vì điều này, ngay từ khi thành lập huyện, thành phố đã xác định xây dựng Bạch Long Vỹ là một trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và cứu hộ cứu nạn trên biển. Kể từ ngày 27-7-1994, khi có Quyết định số 379/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật tổng thể, huyện đảo Bạch Long Vỹ đã thay da đổi thịt từng ngày.

Mấy năm gần đây, Bạch Long Vỹ được đầu tư khá lớn với khoảng trên 1.000 tỷ đồng, xây dựng mới hơn 40 công trình, hạ tầng cơ sở đã góp thêm cho niềm tự tin vươn xa của đảo. Mới đây nhất, con tàu chở khách mang tên Hoa Phượng đỏ tăng cường cho đảo Bạch Long Vỹ đã được hạ thủy.

Cho dẫu thế, nhưng đến nay Bạch Long Vĩ vẫn thiếu rất nhiều. Hình dung theo hướng thiết thực hơn, nước ngọt cơ bản phải chuyển ra từ đất liền, có những ngày lên tới 150.000 đồng/m3. Để đảo sáng hơn, đủ cơ ngơi hơn thì phải có nguồn phát điện ổn định, có khách sạn… những điều phải tính tới nhưng chắc chắn không thể có ngay trong một sớm một chiều.

Sau một đêm gần như “trắng” với anh em công an, bộ đội biên phòng đảo, hôm sau chưa kịp chợp mắt thì chúng tôi nhận được lệnh về ngay đất liền vì lý do thời tiết. Đảo thì nhỏ, nhưng mơ ước thật mênh mông, đành để niềm tiếc nuối ở lại mà hồi hộp chờ đợi lần sau. Chúng tôi trở về, thật nhẹ lòng khi anh bạn tôi bộc bạch: “Hóa ra Hải Phòng không chỉ như tôi biết”.

Ký sự của Gia Lê

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông