10:07 13/10/2023 Không để vấn nạn dự án “treo” phá vỡ trật tự, kỷ cương, tác động xấu đến chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, thời gian gần đây, Hải Phòng đã tập trung cao nhất cho việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xử lý nghiêm các vi phạm. Động thái quyết liệt trên đã mang lại những hiệu quả tích cực đưa thành phố nằm trong top đầu các địa phương cả nước trong xóa bỏ các dự án “treo”…
Năm 2003, Công ty EIE được thuê 30.000m2 đất để triển khai Dự án Trung tâm thương mại tại Lô 20A đường Lê Hồng Phong, thuộc quận Ngô Quyền. Được hưởng nhiều ưu đãi đầu tư, nhưng suốt 20 năm qua, ngoài diện tích đã xây siêu thị BigC Hải Phòng (nay là Go Hải Phòng), còn lại hơn 13,5 nghìn m2 chủ đầu tư vẫn để hoang giữa tuyến đại lộ đẹp nhất thành phố. Với tinh thần kiên quyết, tháng 3/2023, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 4511/QĐ-UBND, thu hồi toàn bộ khu đất vàng trên theo quy định.
Trường hợp khác là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Duy được giao 10.000m2 đất cùng thời kỳ với khu đất của Công ty EIE. Tuy nhiên do nhiều năm không đầu tư dự án, mặc dù đã được gia hạn giãn hoãn tiến độ, doanh nghiệp vẫn không chấp hành, buộc cơ quan chức năng phải tiến hành cưỡng chế thu hồi đất vào tháng 3/2022.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Quyết định số 3360/QĐ-UBND của Ban chỉ đạo thu hồi đất thành phố, hiện các nhóm công tác liên ngành đã tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, hồ sơ thu hồi đất đối với 111 dự án (gồm 40 dự án thuộc Nghị quyết 06 của HĐND thành phố; 47 dự án các quận, huyện rà soát, bổ sung; 24 dự án không thực hiện hoặc thực hiên không đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo tổng hợp của Cục Thuế thành phố). Cụ thể, 40 dự án phải kiểm tra, thu hồi đất ngay có tổng diện tích là 299,83ha.
Kết quả, tính đến ngày 15/9/2023, UBND thành phố đã ban hành quyết định thu hồi đối với 13 dự án với tổng diện tích hơn 245ha. Xin điểm một số khu “đất vàng” đã bị xử lý. Đó là hơn 13.000m2 của Công ty CP Giao nhận kho vận ngoại thương Hải Phòng tại số 4B Trần Phú; hơn 6.000 m2 của Công ty CP Cơ khí chế tạo Hải Phòng tại số 150 Tô Hiệu; 8.732m2 của Chi nhánh Kỹ nghệ điện lạnh Hải Phòng tại phường Vạn Sơn (Đồ Sơn); diện tích đất của Công ty CP Kinh doanh và Chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng và Cty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng tại phường Anh Dũng (Dương Kinh).
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, thực hiện Nghị quyết 06, ngoài 40 trường hợp nói trên UBND thành phố còn chỉ đạo các sở, ngành địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý đối với 254 dự án khác với tổng diện tích hơn 2.294ha có dấu hiệu vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.
Về kết quả đưa quỹ đất thu hồi vào sử dụng (31 địa điểm với tổng diện tích hơn 455 ha), thành phố đã giao 18,84ha cho các nhà đầu tư khác thực hiện dự án; đang hoàn thiện hồ sơ để đấu giá quyền sử dụng đất đối với 19,41ha; giao Trung tâm phất triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý hơn 189ha; UBND các huyện, xã quản lý hơn 185ha; lập phương án hoàn trả 41,1ha.
Đáng nói, các dự án sau khi được kiểm tra, rà soát và được UBND thành phố gia hạn sử dụng đất, chủ đầu tư đã tích cực triển khai thực hiện dự án theo tiến độ được phê duyệt. Lấy ví dụ trong số này là các dự án của Công ty TNHH đầu tư Thanh Sang (Hải An), Công ty TNHH MTV Thương mại Vân Hà (quận Dương Kinh), Công ty TNHH Hiến Thành (An Lão), Công ty CP Bắc Mật (nay là Cty TNHH đầu tư vận tải Phương Linh - Thủy Nguyên), Công ty CP Thương mại Hải Phòng Plaza (nay là Công ty CP Hải Phòng invesment - Hải An), Công ty CP Thương mại Tùng Long). Bên cạnh đó, các chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ về tài chính hơn 116 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của PV Chuyên đề An ninh Hải Phòng, các quỹ đất thu hồi từ các dự án vi phạm đều đã được quản lý, sử dụng đúng quy định. Nhiều chủ đầu tư mới có năng lực đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu ngân sách Nhà nước. Điển hình như tại Khu đất thu hồi tại số 4/10A khu đô thị mới Ngã 5 - sân bay Cát Bi, quận Hải An; khu đất số 80 Hạ Lý, quận Hồng Bàng; khu đất tại số 4B Trần Phú, thuộc phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền; Khu đất thu hồi của Hội Chữ thập đỏ thành phố tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh; 3 khu đất thu hồi tại quận Đồ Sơn… với tổng số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thu được giao, cho thuê là hơn 2.000 tỷ đồng.
Đáng nói, ngoài Sở Tài nguyên và Môi trường là mũi “chủ công”, thời gian qua các sở ngành, địa phương cũng đã tích cực rà soát, kiến nghị xử lý thu hồi các trường hợp do không đưa đất vào sử dụng, hoặc chậm tiến độ. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết số 06/NQ- HĐND, từ năm 2016 đến nay, Sở đã tiến hành kiểm tra thực hiện khoảng 330 dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố. Kết quả là đơn vị đã thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động khoảng 100 dự án, xử phạt vi phạm hành chính 75 dự án.
Tại huyện Thủy Nguyên, trong năm 2022, UBND huyện đã phối hợp kiểm tra, phát hiện 13 dự án sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm, trong đó có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng với diện tích hơn 6ha, 3 dự án được giao đất, cho thuê đất nhưng chậm tiến độ, 6 tổ chức đã dừng, hủy bỏ dự án dầu tư với tổng diện tích hơn 260ha.
Đất đai được đánh giá là một lĩnh vực nhạy cảm, đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững. Nghị quyết 18/NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng đã gợi mở nhiều chủ trương, chính sách mới cho sửa đổi Luật Đất đai nhằm tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó, có việc đưa ra quy định đánh thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang… nhằm tạo khung pháp lý để giải quyết những dự án chậm tiến độ, bỏ hoang đất, gây lãng phí tài nguyên đất.
Tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố (tháng 12-2022), Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định, Ban chỉ đạo thu hồi đất vi phạm pháp luật về đất đai thành phố sẽ quyết liệt xử lý đối với những trường hợp vi phạm đã có quyết định thu hồi. Trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp không hợp tác, cố tình chây ỳ, các ngành trực triếp tham mưu cho thành phố các biện pháp mạnh như chấm dứt hoạt động dự án, cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ tài chính…
Với các chế tài cơ bản, rõ ràng của hệ thống pháp lý và động thái vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, mạnh tay của thành phố , tin rằng tổ chức, doanh nghiệp sẽ có ý thức sử dụng hiệu quả quỹ đất, hiểu đầy đủ hơn về “tấc đất, tấc vàng”.
Thủy Nguyên
16:11 21/11/2024
08:05 13/11/2024