Hải Phòng nằm ở vị trí nào trong Quy hoạch điện 8?

10:14 22/05/2023

Ngày 15-5-2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết đinh số 500 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8). Đây là tin vui đối với cả nước, trong đó có thành phố Hải Phòng; các doanh nghiệp sau một thời gian dài chờ đợi. Từ Quy hoạch điện 8, việc phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải của Hải Phòng có được định hướng rõ ràng, cụ thể, là cơ sở để thành phố kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Hải Phòng.

                                            Nhiều điểm mới đáng quan tâm trong Quy hoạch điện 8

          Quy hoạch điện 8 quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.

       Với quan điểm, điện là ngành hạ tầng quan trọng, phát triển điện lực phải đi trước một bước tạo nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao đời sống nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh, do đó yêu cầu quy hoạch phát triển điện phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững và đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

      Cùng với đó, phát triển điện lực theo nguyên tắc tối ưu tổng thể các yếu tố về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, có lộ trình phù hợp đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường và chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia với chi phí thấp nhất.

Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn LG tại KCN Tràng Duệ đề nghị Hải Phòng bảo đảm cung cấp nguồn năng lượng sạch

       Đồng thời, quy hoạch phát triển điện phải dựa trên cơ sở khoa học, có tính kế thừa, mang tính động và mở nhưng không hợp thức hóa những sai phạm; coi phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là cơ hội để phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng. Nhà nước tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển nhanh ngành điện trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện cơ chế thị trường về giá bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia đầu tư, sử dụng điện và đáp ứng yêu cầu phát triển của các vùng, miền.

           Mục tiêu đề ra của Quy hoạch điện 8 là cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050.  Điện thương phẩm: năm 2025 khoảng 335 tỷ kWh; năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh; đến năm 2050 khoảng 1.114,1-1.254,6 tỷ kWh.

      Đồng thời, bảo đảm cung cấp điện an toàn, tin cậy, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng. Đến năm 2030, độ tin cậy cung cấp điện năng thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN, chỉ số tiếp cận điện năng thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Đồng thời phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).

          Về chuyển đổi năng lượng công bằng, Quy hoạch Điện 8 xác định rõ: phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9-39,2% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47% với điều kiện các cam kết theo Tuyên bố chính trị về thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP) được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất. Định hướng đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.

       Đồng thời, kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050, hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế thực hiện đầy đủ, thực chất; xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hải Phòng mong muốn được cung cấp đủ nguồn năng lượng tái tạo để phát triển bền vững

     Dự kiến đến năm 2030, hình thành 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ khi có các điều kiện thuận lợi.

    Định hướng phát triển nguồn điện được Quy hoạch điện 8 nêu rõ là: phát triển đồng bộ, đa dạng hóa các loại hình nguồn điện với cơ cấu hợp lý; tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà.

    Bên cạnh đó, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước kết hợp với nhập khẩu: giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, ưu tiên phát triển điện khí trong nước, phát triển các nguồn điện khí LNG nhập khẩu với quy mô phù hợp; phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng. Bố trí hợp lý các nguồn điện ở các địa phương trong vùng nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện, đảm bảo tin cậy cung cấp điện tại chỗ, giảm tổn thất kỹ thuật, giảm truyền tải điện đi xa.

     Quy hoạch điện 8 cũng xác định phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ với tiến độ các nguồn điện, nhu cầu phát triển phụ tải của các địa phương, sử dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, sẵn sàng kết nối khu vực. Phát triển lưới điện thông minh để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo ở quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và kinh tế.

      Quy hoạch nêu rõ: phát triển lưới điện truyền tải 500 kV và 220 kV bảo đảm khả năng giải tỏa công suất các nhà máy điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng.

      Đồng thời xác định lưới điện truyền tải 500 kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện vùng miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực; xây dựng lưới điện 220 kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt; định hướng sau 2030 sẽ phát triển các đường dây truyền tải siêu cao áp một chiều kết nối khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ để khai thác mạnh tiềm năng điện gió ngoài khơi; nghiên cứu các kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương. 

                                        Tạo điều kiện để Hải Phòng kêu gọi phát triển năng lượng tái tạo

           Theo Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Bùi Quang Hải, Quy hoạch điện 8 được phê duyệt là cơ sở quan trọng để Hải Phòng kêu gọi đầu tư và thực hiện các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Bởi Quy hoạch điện 8 ưu tiên đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối...), tiếp tục gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất. 

     Theo Quy hoạch, đến năm 2030, công suất điện gió trên bờ đạt 21.880 MW (tổng tiềm năng kỹ thuật của Việt Nam khoảng 221.000 MW); công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý; định hướng đến năm 2050 đạt 70.000-91.500 MW; ước tính công suất nguồn điện gió ngoài khơi để sản xuất năng lượng mới khoảng 15.000 MW đến năm 2035 và khoảng 240.000 MW đến năm 2050. Đồng thời ưu tiên, khuyến khích phát triển các loại hình điện sinh khối (tiềm năng khoảng 7.000 MW), điện sản xuất từ rác, chất thải rắn (tiềm năng khoảng 1.800 MW).

                        

                        Khu vực ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng được nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất phát triển điện gió

           Như vậy, theo Quy hoạch điện 8, Hải Phòng sẽ tập trung kêu gọi phát triển điện gió ngoài khơi. Hiện đã có một số nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu và sẵn sàng hợp tác với thành phố thực hiện. Ngoài ra, thành phố cũng đã nghiên cứu xây dựng nhà máy đốt rác phát điện. Sau khi có Quy hoạch điện 8, các ngành thành phố tham mưu xây dựng chương trình tổng thể phát triển nguồn điện Hải Phòng và trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Theo Quy hoạch điện 8 và cũng là chủ trương của Hải Phòng, dự án Nhiệt điện Hải Phòng 3 sẽ dừng không thực hiện, thay vào đó sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo.

          Về phát triển lưới điện, Quy hoạch điện 8 quy định khá rõ cho khu vực Hải Phòng. Cụ thể, trong danh mục các trạm biến áp 500kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2025, Hải Phòng có 1 trạm công suất 1800 MVA xây mới. Về danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2030, sẽ có đường dây Hải Phòng- Thái Bình được xây mới, đấu nối với TBA 500kV Hải Phòng.

                   Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công dự án mạch 2 đường dây 110 kV và trạm biến áp 110 kV Cát Bà

        Trong danh mục các trạm biến áp 220kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2030, Hải Phòng có các trạm Vật Cách; Nhiệt điện Hải Phòng được cải tạo đạt công suất 500 MVA; trạm Dương Kinh, An Lão, Cát Hải cùng có công suất 500 MVA được xây mới; trạm Đồ Sơn, Tiên Lãng , Đại Bản cùng có công suất 250 MVA được xây mới.

         Về danh mục đường dây 220 kV được xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2021- 2030, Hải Phòng có đường dây xây mới An Lão- Rẽ Đồng Hòa- Thái Bình số mạch nhân với km là 4x2; đường dây Cát Hải- Đình Vũ 2x12 xây mới; Dương Kinh- Rẽ Đồng Hòa- Đình Vũ 4x3 xây mới, đấu nối với TBA 220kV Dương Kinh đồng thời chuyển đấu nối Hải Dương 2- Đồng Hòa và Đồng Hòa- Đình Vũ thành Hải Dương 2- Đình Vũ; đường dây Nam Hòa- Cát Hải 2x12 xây mới; Hải Phòng 500kV- Dương Kinh 2x8 xây mới; Hải Phòng 500kV- Tiên Lãng 2x14 xây mới, đấu nối TBA 220kV Tiên Lãng; Bắc Bộ 1- Đồ Sơn 2x10 xây mới, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực; Đồ Sơn- Dương Kinh 2x8 xây mới, đấu nối TBA 220kV Đồ Sơn; Đại Bản- Rẽ Hải Dương 2- Dương Kinh 4x2 xây mới, đấu nối TBA 220kV Đại Bản…

          Như vậy, Hải Phòng đã xác định được rõ nhu cầu, định hướng phát triển nguồn điện; hệ thống truyền tải điện, đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp năng lượng trong giai đoạn phát triển mới, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu về điện cho phát triển KTXH, giữ vững QPAN./.

                                                                                                                                             Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông