Hải Phòng nỗ lực biến rác thải thành tài nguyên: Vượt qua rào cản, thách thức, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố xanh, văn minh, sạch đẹp (Bài 2)

18:11 08/11/2023

Bài 2: Nhiều thách thức, rào cản Mặc dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng việc xử lý rác thải của Hải Phòng còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, rào cản. Phương thức xử lý rác theo hình thức chôn lấp đã phát huy tác dụng trong thời gian qua nhưng tới thời điểm hiện tại đã phát sinh những bất cập và không còn phù hợp cả về trước mắt chứ chưa nói tới lâu dài. Hơn nữa, việc xử lý rác thải nông thôn cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề phải quan tâm.

                   Nỗi lo quá tải các bãi chôn lấp

          Theo Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng,  Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát có diện tích 44 ha, đưa vào vận hành từ năm 1997, mỗi ngày tiếp nhận 500-650 tấn rác; tái chế 70-100 tấn thành phân mùn vi sinh, còn lại được chôn lấp hợp vệ sinh. Hiện nay diện tích còn trống là 2,6ha, dự kiến trữ lượng còn lại khoảng 1,2 triệu tấn, có khả năng tiếp nhận đến hết năm 2025 (năm 2022- 2023 mỗi ngày tiếp nhận 650 tấn; năm 2024-2025 mỗi ngày tiếp nhận 1000 tấn).

                                                  Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ đã quá tải, đang được đề nghị sớm đóng cửa

          Còn tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ có tổng diện tích 29,6ha, hiện đang sử dụng 15,6ha, còn lại 14 ha chưa giải phóng mặt bằng. Khu này có khả năng tiếp nhận 350-450 tấn rác/ ngày nhưng độ cao đã đạt 14m. Ông Lê Ngọc Biên, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị cho biết, các ô chôn lấp tại khu Đình Vũ đã đầy, bãi nhỏ hẹp, khối lượng rác thải tập trung lớn, đang có nguy cơ quá tải, sạt lở khi mưa bão. Vì vậy, công ty đang đề nghị thành phố cho phép dừng tiếp nhận rác thải vào khu Đình Vũ, điều chuyển khối lượng rác tiếp nhận hàng ngày về khu Tràng Cát và Gia Minh.

                                             Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ đã quá tải, đang được đề nghị sớm đóng cửa

Tuy nhiên, khu Gia Minh cũng đang bộc lộ nhiều bất cập khi công suất 630 tấn/ngày nhưng hiện mới chỉ tiếp nhận được khoảng 150 tấn/ngày. Khu này mới được đưa vào vận hành từ tháng 10-2022 nhưng do nằm sát khu dân cư (cách điểm gần nhất 180m) nên ảnh hưởng tới nhân dân. Vì vậy, muốn khai thác hết công suất của bãi rác này, cần tiếp tục giải phóng mặt bằng, mở rộng vùng đệm để bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, không làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân.

          Điều đáng nói, việc tiếp nhận rác theo hình thức chôn lấp đang đứng trước nguy cơ quá tải nhưng việc triển khai xây dựng các khu xử lý chất thải theo quy hoạch đã được phê duyệt rất chậm trễ và nhiều khó khăn. Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch mới xây dựng được 3/7 khu xử lý rác cấp thành phố, đạt 42%; 2/7 khu xử lý rác cấp huyện, đạt 28,5% và chưa có khu xử lý chất thải xây dựng.

Hải Phòng cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 chấm dứt hoạt động của các bãi rác tạm tại các xã  và triển khai xử lý rác tại các khu cấp huyện nhưng đến nay chưa đạt được. Tại các huyện, các xã vẫn còn tồn tại khá nhiều bãi rác tạm, lên tới 137 bãi. Như tại huyện Vĩnh Bảo vẫn còn tới 49 bãi rác tạm và 1 lò đốt rác tại thị trấn Vĩnh Bảo, lượng khí thải đang vượt ngưỡng mà duy tu thì có nhiều khó khăn. Hơn nữa, các bãi rác tạm hầu hết đã đầy. Theo kế hoạch, huyện phải đóng cửa 19 bãi rác tạm nhưng dù có vậy thì cũng còn tới 30 bãi và việc đóng cửa các bãi rác tạm không hề đơn giản.

          Cũng như vậy, theo Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Nguyễn Ngọc Huy, huyện vẫn đang phải sử dụng 26 bãi rác tạm. Nguồn kinh phí cấp cho xử lý rác thấp; nguồn thu của các hộ dân không cao nên khó bù đắp được chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Vì thế, xử lý rác vẫn là một trong những vấn đề khá “đau đầu” của huyện.

           Ngoài ra, còn có tình trạng ở nông thôn, tỷ lệ hộ dân nộp giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt chưa cao (trung bình đạt hơn 80%) nên tại một số địa phương thu không đủ bù chi; tần suất thu gom rác còn thấp, có nơi 2-3 lần/tuần nên rác thải phát sinh chưa được thu gom kịp thời. Tại một số nơi rác còn bị để tồn đọng nhiều. Cùng với đó, chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp (vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng); từ làng nghề được xử lý đạt tỷ lệ thấp. Đáng chú ý, mặc dù nhiều địa phương rất bức xúc với các bãi rác tạm nhưng  người dân cũng không đồng ý với việc xây dựng các khu xử lý rác cấp huyện đặt tại xã mình. Vì thế, tiến độ xây dựng các khu xử lý rác cấp huyện theo quy hoạch hầu như không thực hiện được. Nối lo quá tải các bãi chôn lấp ở cả cấp thành phố và cấp huyện luôn cận kề.

                                                          Còn nhiều vướng mắc

          Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020, đến hết năm 2024, 100% rác thải sinh hoạt phải được phân loại đầu nguồn. Vì vậy, từ năm 2022, Hải Phòng đã tập trung cao cho công việc này với những chỉ đạo rất cụ thể và sát sao. Các ngành thành phố; các quận, huyện cùng vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ, vận động nhân dân và thực hiện thí điểm tại 57 xã, phường. Tuy nhiên, dù mới thí điểm cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Tại đô thị, sau khi các hộ dân phân loại, xe của Công ty Môi trường Đô thị có thể vận chuyển riêng để đưa về khu Tràng Cát. Nhưng ở khu vực nông thôn, phương tiện vận chuyển khó khăn nên dù rác đã được phân loại thì khi  vận chuyển vẫn phải chung rác hữu cơ với rác vô cơ, làm mất đi ý nghĩa của việc phân loại rác thải đầu nguồn.

Sự thiếu đồng bộ, bất cập về phương tiện vận chuyển và nơi xử lý rác đang đặt ra một số vấn đề cần sớm có biện pháp xử lý mới mong phát huy được hiệu quả của việc phân loại rác thải tại nguồn, nhất là khi tới năm 2024, 100% rác thải đều được phân loại. Hơn nữa, Nhà máy sản xuất phân mùn của Công ty Môi trường Đô thị tại Tràng Cát mới đạt công suất 200 tấn/ngày (hiện đang xử lý 70- 100 tấn/ngày), nếu sau này lượng rác hữu cơ được phân loại tăng nhanh thì lại trở nên quá tải.

                                        Người dân Hải Phòng bắt đầu tạo thói quen phân loại rác thải đầu nguồn

          Theo Sở Tài nguyên Môi trường, hiện cũng còn một số khó khăn khi Bộ Tài nguyên Môi trường chưa ban hành định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt với các công nghệ xử lý khác nhau; chưa hướng dẫn về mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn; chưa hướng dẫn cụ thể quy trình, kỹ thuật thực hiện cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; các khu vực bị ô nhiễm do rác thải gây ra.

Lò đốt rác thải y tế nguy hại công nghệ Nhật Bản do Công ty Môi trường Đô thị vận hành

          Về công tác quản lý chất thải rắn xây dựng, theo quy hoạch được duyệt từ năm 2012, Hải Phòng có 5 khu xử lý chất thải rắn xây dựng nhưng đến nay chưa được triển khai. Hiện thành phố đã điều chỉnh xây dựng 2 khu xử lý chất thải rắn xây dựng tại xã An Hồng, huyện An Dương và khu vực xử lý chất thải rắn Đình Vũ. Tuy nhiên, nếu không được đẩy nhanh tiến độ sẽ khó đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải xây dựng hàng ngày phát thải ra môi trường (dự kiến tới năm 2025 phát sinh mỗi ngày hơn 550 tấn).

          Ngoài ra, một vướng mắc rất quan trọng nữa là nhận thức và ý thức. Một bộ phận người dân chưa có ý thức tự giác về thu gom rác thải, chây ỳ đóng phí dịch vụ; vứt rác bừa bãi; đổ trộm chất thải xây dựng; không chấp hành phân loại rác đầu nguồn… Chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu. Ở một số nơi, sự vào cuộc của chính quyền địa phương để thực hiện giải quyết dứt điểm bài toán nan giải về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa thực sự quyết liệt. Vì vậy, người dân chưa đồng thuận trong việc thực hiện xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn tại địa phương…

          (Còn tiếp)

                                                                                                             Nhóm phóng viên Kinh tế

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông