Hải Phòng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả (bài 2)

17:30 25/03/2024

Bài 2: Xây dựng nông thôn mới theo cách riêng của Hải Phòng Đến hết năm 2023, Hải Phòng có 7/8 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 2 huyện so với năm 2022; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (137/137 xã). Trong năm 2023, thành phố công nhận 39 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 84/137 xã. Đồng thời, công nhận 26 xã đạt chuẩn NTMKM, nâng tổng số lên 48/137 xã đạt chuẩn NTMKM… Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng quan trọng hơn, nông thôn Hải Phòng giờ đây hoàn toàn đổi khác với diện mạo mới hiện đại, văn minh; đời sống người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

                                          Ưu tiên nguồn lực ngân sách kết hợp với các nguồn lực khác

          Ngày 18-7-2023, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 02  về xây dựng nông thôn mới thành phố phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025, quy định 2 chính sách đặc thù trong xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đó là, ngân sách thành phố hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất cho các hộ dân tặng, cho quyền sử dụng đất đang sử dụng để xây dựng, mở rộng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu. Mức hỗ trợ không vượt quá 100% giá trị tài sản, vật kiến trúc (theo mức đơn giá vật kiến trúc, cây trồng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng).

Ngân sách thành phố hỗ trợ tiền sử dụng đất khi giao đất ở mới đối với các hộ gia đình, cá nhân sau khi tặng, cho quyền sử dụng đất để xây dựng, mở rộng các công trình nông thôn mới kiểu mẫu mà diện tích còn lại không còn đủ điều kiện để ở (không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã có đất tặng cho), diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng đất không vượt quá diện tích đất ở cũ của hộ dân trước khi tặng cho. Đồng thời quy định cơ chế lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn;  cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông; trường học, trạm y tế xã, văn hóa - thể thao…

                               Huyện Vĩnh Bảo có diện mạo hoàn toàn khác từ chương trình xây dựng NTM, NTMKM (ảnh: Hồng Phong)

           Căn cứ Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 7-9-2023 về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đã xác định các nội dung, nhiệm vụ, giao cụ thể  cho từng sở, ngành, địa phương để thực hiện. Trong năm 2023, UBND thành phố  ban hành khoảng 76 văn bản chỉ đạo, điều hành về xây dựng nông thôn mới (12 quyết định, 5 Kế hoạch, 9 thông báo, 50 công văn) và tổ chức khoảng 20 cuộc họp, kiểm tra về tình hình triển khai, tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Tại các văn bản chỉ đạo của UBND thành phố luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cụ thể cho các sở, ngành và địa phương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Việc phân cấp cho các địa phương trong xây dựng NTM được thực hiện triệt để, tạo điều kiện chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai.

          Điểm đáng chú ý nhất là Hải Phòng luôn ưu tiên dành nguồn lực ngân sách cho chương trình với tổng kinh phí trong giai đoạn vừa qua lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2023, ngân sách thành phố dành hơn 3300 tỷ đồng cho chương trình, trong đó có 3279 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công, chiếm 14% tổng vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố và 23,5 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Ngoài ra còn có nguồn vốn lồng ghép từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các chương trình, dự án khác hơn 3800 tỷ đồng; vốn tín dụng 12.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 159 tỷ đồng; vốn tự nguyện đóng góp của người dân và cộng đồng 2759 tỷ đồng… Mỗi xã NTMKM được thành phố đầu tư hàng trăm tỷ đồng thực sự là cú hích quan trọng, là nền tảng cơ bản để nông thôn Hải Phòng bứt phá đi lên, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

          Nông thôn ngày càng khởi sắc, đáng sống

Nhiều người Hải Phòng giờ làm việc tại thành phố nhưng lại muốn sống ở quê. Bởi thế, không ít người “sáng đi, tối về” vì dù từ huyện Vĩnh Bảo, hay Tiên Lãng tới nơi làm việc tại thành phố cũng chỉ mất 30-40 phút vì đường đi quá đẹp và thuận tiện. Một số lại chọn về quê ngày cuối tuần để hưởng sự an bình, an ninh, thảnh thơi, không khí trong lành.

          Thực tế, nông thôn Hải Phòng giờ đây quá đẹp, quá hấp dẫn, nhất là các xã NTMKM. Đường đi lối lại thuận tiện khang trang; nhà đẹp rất nhiều, nhất là những ngôi biệt thự mới; cơ giới hóa tới tận các cánh đồng; nhiều con đường đẹp hơn ở thành phố, trải nhựa phẳng lì, có vỉa hè, cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng…

                                                          Đường NTMKM Thụy Hương, huyện Kiến Thụy

 

          Theo BCĐ các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển bền vững thành phố, song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và xử lý rác thải, thực hiện chuyển đổi số, tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, bảo vệ an ninh trật tự… Đồng thời, thực hiện phân cấp triệt để, mạnh mẽ, cả về xây dựng nông thôn mới và đầu tư xây dựng cơ bản cho các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, cân đối, bố trí nguồn lực, tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành chương trình.

           Các công trình hạ tầng kinh tế xã hội sau đầu tư đã từng bước định hình diện mạo khu vực nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, tiệm cận với đô thị. Cụ thể, các tuyến đường đã được chỉnh trang, thảm nhựa rộng 3,5m, 5,5m, 7m, 9m, bố trí điện chiếu sáng, trồng cây xanh, bố trí vỉa hè (loại đường 7m, 9m)... Cơ sở vật chất giáo dục, y tế, văn hóa đã được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Toàn thành phố có 473 vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của huyện, với tổng diện tích 7.390 ha. Về cơ bản các vùng đã được đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo thuận tiện cho quá trình sản xuất, giao thương hàng hóa trong vùng và 62 vùng được cấp mã số vùng trồng và có ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, tiêu biểu như: sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học.... Có 144 sản phẩm được công nhận đạt OCOP thuộc địa bàn nông thôn...

UBND thành phố ban hành quyết định số 1246 ngày 11-5-2023 phê duyệt đề án phát triển du lịch gắn với xây dựng phát triển nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030. Theo đó có 2 mô hình du lịch cộng đồng; 2 mô hình du lịch nông thôn thí điểm, tiến tới mở rộng ra các khu vực. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2023 ước đạt 68 triệu đồng/người/năm, tăng 3,4 triệu đồng so với năm 2022.

           Tăng tốc về đích

           Giai đoạn 2024-2025 được coi là nước rút của Hải Phòng để về đích xây dựng NTMKM. Mục tiêu đề ra là xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sinh hoạt cho người dân nông thôn; rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; phát huy tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đảm bảo đồng bộ và hiện đại theo hướng đô thị; bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; an ninh trật tự nông thôn được giữ vững.

           Cụ thể, Hải Phòng phấn đấu có thêm 53 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (bao gồm 3 xã thuộc kế hoạch năm 2023), 44 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu (bao gồm 9 xã thuộc kế hoạch năm 2023), tiếp tục triển khai thêm 13 xã nông thôn mới kiểu mẫu để đạt chuẩn vào năm 2025. Đối với cấp huyện, phấn đấu huyện Bạch Long Vĩ cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới theo Bộ tiêu chí đặc thù; 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy cơ bản hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 76 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo đa chiều. Thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 4 huyện đạt chuẩn NTMKM; 100% xã đạt chuẩn NTMKM…

Xây dựng NTM mở đường cho cơ giới hóa nông nghiệp

          Để thực hiện mục tiêu đó, thành phố xác định tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, bảo tồn các giá trị văn hóa, môi trường cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn... góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

          Thành phố cũng chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân...) tham gia vào quá trình chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa trong nông nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị quy mô lớn gắn với thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để phát triển hiệu quả, bền vững, đủ sức cạnh tranh trong hội nhập quốc tế.

Biện pháp quan trọng nữa là thành phố tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu  tiên bố trí đủ nguồn ngân sách thành phố để bố trí cho các địa phương đầu tư, xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, các chương trình, dự án, các cơ chế, chính sách khác trên địa bàn nông thôn; huy động hiệu quả vốn tín dụng của các ngân hàng; thu hút hiệu quả nguồn vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; vận động người dân tiếp tục tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới theo nguyên tắc tự nguyện cho từng dự án, nội dung cụ thể…

                                                                                                                                       Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông