Hải Phòng tích cực, chủ động chống bão số 1

23:43 27/07/2016

 

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra khu neo đậu của ngư dân tại bến cá Ngọc Hải (Đồ Sơn)
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra khu neo đậu của ngư dân tại bến cá Ngọc Hải (Đồ Sơn)

* Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão số 1

Chiều 27-7, Đoàn công tác Chính phủ do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng dẫn đầu đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 1 tại Đồ Sơn. Cùng đi có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch; Lê Khắc Nam - Phó chủ tịch UBND TP; đại diện lãnh đạo một số ban ngành thành phố và quận Đồ Sơn...

Kiểm tra thực  tế tại khu vực đê biển 1, khu vực bến cá Ngọc Hải, kè biển khu 1 thuộc địa bàn quận Đồ Sơn, Phó thủ tướng đánh giá cao tinh thần chủ động của Hải Phòng với phương châm “4 tại chỗ”, đã triển khai công tác phòng, chống lụt bão, chống úng ngập hoa màu, bảo vệ các khu vực nuôi trồng thủy sản, đưa tàu thuyền đang đánh cá ngoài khơi vào nơi tránh trú an toàn…

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, bão số 1 di chuyển rất nhanh, diễn biến phức tạp, theo dự báo, Hải Phòng sẽ là trung tâm ảnh hưởng của cơn bão. Bão đổ bộ vào thời điểm triều cường và dự báo có mưa to. Chính vì vậy công tác chủ động phòng chống bão cần phải được thực hiện tốt từ mỗi gia đình, mỗi người dân đến các lực lượng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Để phòng chống, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản do mưa bão, Phó thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng chí yêu cầu thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách, chủ động phòng chống và ứng phó kịp thời với những diễn biến của bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Trong đó lãnh đạo thành phố và các địa phương cần tập trung cao độ, tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp, đảm bảo di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm, rà soát kiểm tra lại hoạt động của các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đồng thời có phương an đảm bảo an toàn nhà cửa của dân, các công trình xây dựng, các tuyến đê, kè cống, núi đồi có nguy cơ gây sạt lở, lũ lụt cao…

Phó thủ tướng cũng lưu ý, do ảnh hưởng của bão, nguy cơ mưa lớn còn kéo dài, Hải Phòng cần tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi, chủ động tưới tiêu chống úng. Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình lũ, tình hình dâng nước ở biển và các sông ngòi, chủ động đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trong mọi tình huống.      

* Sáng 27-7, để chủ động phòng chống hiệu quả bão số 1, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng đã chủ trì cuộc họp triển khai phương án ứng phó với bão. Cùng dự có các Phó chủ tịch HĐND thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Tại cuộc họp, sau khi nghe đại diện Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố báo cáo tình hình triển khai các phương án ứng phó với bão trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh: Đây là cơn bão đầu mùa, di chuyển nhanh, sau bão sẽ có mưa to. Chủ tịch yêu cầu, sau cuộc họp các sở, ngành, đơn vị, địa phương phải tập trung nhân, vật lực, tiến hành kiểm tra, rà soát, lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống bão. Từ chiều 27-7 và cả ngày 28-7 sẽ hoãn tất cả các cuộc họp để ứng phó bão; thực hiện nghiêm việc ứng trực bão 24/24h để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống phát sinh.

Ngay sau cuộc họp, thành phố đã tổ chức 5 đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão số 1 tại các địa phương.

* Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố và đại diện lãnh đạo các ngành liên quan đã kiểm tra công tác bảo vệ đê điều, phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại huyện Kiến Thụy và quận Đồ Sơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra tại bến cá Ngọc Hải, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn
Đồng chí Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra tại bến cá Ngọc Hải, phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn

Sau khi nghe báo cáo về kế hoạch phòng, chống bão lụt, tìm kiếm, cứu nạn, đồng chí Nguyễn Văn Tùng ghi nhận tinh thần chủ động, khẩn trương của 2 địa phương. Tính đến 8h ngày 27-7, có 52 phương tiện với 148 người tại huyện Kiến Thụy và 389 phương tiện với hơn 2.000 lao động của quận Đồ Sơn đã về neo đậu trú bão tại bến an toàn. Các địa phương chủ động phương án tiêu nước đệm chống úng lụt; có phương án sơ tán tại chỗ các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn như nhà cao tầng, trụ sở UBND các xã, phường, đồng thời dự trữ thực phẩm như mì tôm, nước uống phục vụ nhân dân sơ tán. Các lực lượng công an, quân đội sẵn sàng, chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng, chống bão, tìm kiếm cứu nạn.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các địa phương chú ý đến những khả năng có thể xảy ra để có biện pháp ứng phó kịp thời; khẩn trương di dời xong các hộ dân trong vùng ảnh hưởng đến nơi trú ẩn an toàn trước 15h ngày 27-7; lệnh cấm các tàu thuyền, phương tiện trên biển bắt đầu từ 10h sáng cùng ngày. Đồng chí đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các quận, huyện trên toàn thành phố phải tiến hành nghiêm túc công tác kiểm tra và bổ sung đầy đủ các vật tư theo kế hoạch trước 16h cùng ngày để chuẩn bị tốt cho phương án “4 tại chỗ”. Đồng thời, hết sức chú ý biện pháp phòng hộ những đoạn đê xung yếu như khu vực Đoàn 295, Hòn Dấu…; phân công lãnh đạo trực ban, bám trụ, nắm chắc tình hình, thường xuyên thông tin liên lạc về diễn biến cơn bão và những vấn đề liên quan…

* Đoàn kiểm tra số 4 của thành phố, do đồng chí Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố, làm trưởng đoàn, đã đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tại một số quận nội thành. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tại quận Ngô Quyền, Phó chủ tịch Lê Khắc Nam ghi nhận những công việc ban đầu trong công tác PCLB - TKCN trên địa bàn quận. Đồng chí yêu cầu các địa phương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau: di dời nhân dân khỏi các nơi xung yếu trước 15h ngày 27-7; thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ; tập trung kiểm tra các công trình trọng điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân  dân; phối hợp với công ty Công viên cây xanh cắt tỉa bớt các cây xanh dễ xảy ra gãy đổ; bố trí lực lượng, phương tiện, vật lực, chốt trực tại các nơi xung yếu; sẵn sàng huy động phương tiện các tổ chức và cá nhân vào công tác PCLB-TKCN; bảo đảm ANTT trên địa bàn và thường xuyên thông tin về thành phố để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tiếp đó, đoàn kiểm tra tại khu vực đồi Thiên Văn, quận Kiến An, nơi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất cao. Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố chỉ đạo: bão gió và lượng mưa lớn có thể gây ra sạt lở đất đá bất cứ lúc nào, vì vậy ngay từ bây giờ quận phải chủ động rà soát, di dời toàn bộ người dân đang sinh sống ở các khu vực nguy hiểm như ven đồi, chân đồi và bố trí địa điểm ăn ở cho người dân chu đáo. Bên cạnh đó, một số khu nhà cao tầng đã xuống cấp, các lồng bè nuôi trồng thủy sản, các cơ quan, đơn vị, cá nhân sinh sống ở khu vực ngoài đê cũng cần phải di dời trước 15h ngày 27-7; chỉ đạo các đơn vị, lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ trên địa bàn phối hợp chặt chẽ, đảm bảo ANTT, sẵn sàng ứng phó với bão, không để thiệt hại về người, hạn chế thiệt hại về tài sản do bão số 1 gây ra.

Tính đến 18h ngày 27-7, Ban chỉ huy PCTT, TKCN quận Kiến An đã tổ chức di dời và cưỡng chế di dời 71 hộ dân đang ở trong những ngôi nhà xuống cấp,  khu vực ven sông,  ven núi có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Trong đó có 342 hộ dân, 64 nhân khẩu đã được di dời lên bờ tránh bão; 32 hộ dân có nhà ở nằm dưới chân núi đã được di dời đến nhà văn hóa của các tổ dân phố. Bên cạnh đó, quận Kiến An đã chỉ đạo UBND các phường rà soát, thống kê các khu vực xung yếu, nhà có nguy cơ sập đổ để có phương án ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Kiểm tra tại Trạm bơm Vĩnh Niệm, Lê Chân, đồng chí Lê Khắc Nam yêu cầu Công ty TNHH MTV thoát nước Hải Phòng phải khẩn trương hạ thấp mực nước đệm tại các hồ; bố trí trực 100% quân số để mở các cửa xả và cảnh báo nguy hiểm cho nhân dân; kiểm tra các trang thiết bị PCLB theo phương án 4 tại chỗ; chuẩn bị các điều kiện thường trực phòng chống lụt bão; chỉ đạo các đơn vị thành viên nghiêm túc thực hiện các quy định của thành phố và đơn vị trong công tác PCLB - TKCN.

* Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình - Trưởng đoàn kiểm tra số 3 của thành phố đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 1 tại 2 huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo. Cùng đi có đại diện các sở, ngành, lãnh đạo huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo.

Tại huyện Vĩnh Bảo, từ đêm 26-7, huyện chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chủ động tháo cạn nước đệm trong hệ thống kênh mương trên địa bàn; chuẩn bị hơn 4.000 bao cát tập kết ở những vị trí đê, kè xung yếu. Các xã, thị trấn sẵn sàng 100 người ứng trực phòng, chống bão. Huyện thành lập 8 đoàn kiểm tra về cơ sở chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các địa phương.
Tại huyện Tiên Lãng: Đến 17h ngày 27-7, huyện hoàn thành sơ tán 451 hộ/1257 người dân sinh sống, trông coi sản xuất, nuôi trồng thủy sản ngoài đê về nơi an toàn. Thông báo cho 343 tàu, thuyền và 632 lao động trên tàu thuyền về diễn biến của bão số 1 để chủ động phòng, tránh. Các phương tiện tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt ven bờ về đầy đủ đậu tại các cửa cống: Ba Gian, Thành Tre 1, Thành Tre 2, Cống C1, C3, C4.

Hệ thống đê điều, cầu cống được kiểm tra, hoành triệt sẵn sàng vật tư phương tiện ứng cứu khi bão đổ bộ vào. Huyện tăng cường công tác kiểm tra việc neo đậu tàu, sà lan, ụ nổi của Công ty đóng tàu Thái Bình Dương, các tàu tại các bến bãi gần chân cầu Khuể, cầu Sông Mới; phối hợp với huyện An Lão đôn đốc các phương tiện đỗ gần chân cầu Khuể (phía An Lão) neo đậu an toàn cho công trình cầu Khuể. Hệ thống các cống tiêu, trạm bơm tiêu úng trên địa bàn sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn. Huyện chỉ đạo Cty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi huyện hạ thấp mực nước đệm trên toàn bộ hệ thống.

Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Bình đánh giá cao công tác chủ động chuẩn bị các điều kiện vật tư, nhân lực, phương tiện phòng, chống bão số 1 của 2 địa phương. Đồng chí cũng lưu ý 2 huyện tránh chủ quan, tập trung bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản, hạn chế hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Riêng đối với huyện Tiên Lãng, đồng chí hết sức lưu ý bảo đảm an toàn cho cầu Khuể khi 2 bên bờ sông có nhiều tàu trọng tải lớn đỗ.

Sau khi làm việc với huyện, đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại Trạm bơm tiêu úng Thượng Đồng (huyện Vĩnh Bảo); cơ sở đóng tàu Thái Bình Dương gần chân cầu Khuể (huyện Tiên Lãng).

* Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Sơn kiểm tra công tác phòng, chống bão số 1 tại huyện Thủy Nguyên. Phó chủ tịch UBND thành phố đã tiến hành kiểm tra thực tế tại bến cá Đông Xuân (xã Phả Lễ), Cảng cá Mắt Rồng (xã Lập Lễ), công trình đang thi công tại khu công nghiệp VSIP (xã Tân Dương) và nghe địa phương báo cáo về công tác ứng phó với cơn bão số 1.

Toàn huyện Thủy Nguyên hiện có 1.250 tàu thuyền khai thác thủy sản. Ngày 26-7, huyện thông tin cho các xã có tàu thuyền, Trạm kiểm soát Biên phòng Bạch Đằng, Tập đoàn đánh cá Nam Triệu…, hướng dẫn ngư dân về nơi trú tránh an toàn. Đến sáng 27-7, 606 thuyền của 2 xã Lập Lễ, Phả Lễ với 2.539 lao động đã neo đậu về bến an toàn; 604 tàu nhỏ ở sông, ven biển ở các xã còn lại cũng tìm được nơi trú tránh; 10 chiếc tàu với 30 lao động đang hoạt động xa bờ tại Quảng Ninh cũng đã nhận được thông tin và đang di chuyển về nơi neo đậu.

Phó chủ tịch Lê Thanh Sơn yêu cầu Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến cơn bão, phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, tránh trú an toàn; bố trí lực lượng trực bão thường xuyên, kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ; có phương án sơ tán dân cư tại những tuyến đê trọng yếu và phương án phòng chống úng lụt sau bão; các dự án đang thi công tại các khu công nghiệp phải tạm dừng khi bão về; chú ý an toàn cho người và phương tiện giao thông đi qua cầu Bính khi bão gió to. Tại các xã, thị trấn, nhắc nhở nhân dân chủ động phòng chống bão, chằng chống nhà cửa, tàu thuyền...

* Phó giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Lập dẫn đầu đoàn công tác số 5 tiến hành kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Cát Hải. Cùng đi có lãnh đạo các sở, ngành: Công thương, GTVT, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Bộ đội Biên phòng Hải Phòng.

Ngay từ tối 26-7, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN huyện Cát Hải đã thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24h, chủ động triển khai phương án di dân tại các khu vực xung yếu đến các điểm tránh trú bão theo quy định, thường xuyên kiểm tra các khu vực đê, kè, cống xung yếu để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Bắt đầu từ 9h sáng 27-7, huyện đã ngừng việc vận chuyển hành khách vào tàu cao tốc, thực hiện lệnh cấm biển.

Đến 12h cùng ngày, cấm toàn bộ tàu chở khách du lịch, đò, phà vận chuyển hành khách. Huyện chủ động sơ tán lao động trên các bè nuôi trồng thủy sản và nhà hàng nổi trên vịnh Cát Bà, vịnh Bến Bèo vào nơi tránh trú bão an toàn. Trên 300 du khách, trong đó có 80 du khách nước ngoài đang lưu trú trên địa bàn thị trấn Cát Bà đã được huyện bố trí địa điểm tránh trú bão an toàn. Hơn 1.000 phương tiện tàu thuyền đánh cá của Hải Phòng và các tỉnh từ miền Trung trở ra và hơn 2.000 lao động trên địa bàn đã tập kết tại khu neo đậu và tránh trú bão Trân Châu...

Tính đến 18h ngày 27-7, toàn huyện đã tổ chức sơ tán 557 người dân ra khỏi khu vực bè nuôi trồng thủy sản và dịch vụ về các khu vực tránh trú an toàn. Huyện đã sẵn sàng mọi phương án, huy động nhân, vật lực ứng phó khi bão đổ bộ.

* Để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản do cơn bão số 1 gây ra, từ 19h ngày 26-7, Bộ chỉ huy BĐBP thành phố đã chỉ đạo tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định tại 3 điểm: Đồn BP Đồ Sơn, Cát Bà và Hải đội 2; đồng thời điều động tàu CN 09 (BP 02.19.01), với 10 CBCS xuất phát lúc 10h ngày 27-7, cơ động ra thường trực tại khu vực vịnh Lan Hạ theo lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) thành phố, sẵn sàng ứng cứu trên biển khi bão xảy ra.

Theo báo cáo của 7 đồn BP, Biên phòng cửa khẩu cảng, đến 16h ngày 27-7, các đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 3.907 phương tiện, 14.993 lao động, trong đó có 521 lồng bè với 1.428 lao động; 99 chòi canh, 102 lao động biết được vị trí và hướng di chuyển của bão để trú tránh an toàn. Tại các bến, bãi, đã có 2.535 phương tiện là tàu cá, tàu vận tải và tàu du lịch, với 7.606 lao động đã vào neo đậu tránh bão.

Tại cảng Hải Phòng có 162 tàu, 1.699 thuyền viên vào nơi trú bão an toàn, trong đó có 32 tàu nước ngoài, 454 thuyền viên. Toàn bộ số phương tiện trên đã neo đậu an toàn theo quy định của Cảng vụ Hàng hải. Ngoài ra, còn có 1.191 phương tiện và 5.595 lao động tại các tỉnh: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Hải Dương, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Nam Định đang neo đậu an toàn tại các bến bãi của thành phố. Tại âu cảng Bạch Long Vỹ, có 19 phương tiện, 93 lao động đã vào trú bão.

Đồn BP Đoàn Cát, Cát Hải phối hợp các lực lượng, chính quyền địa phương, tổ chức tuyên truyền, vận động 179 người trông coi chòi canh vào nơi tránh bão. Đồn BP Cát Bà phối hợp với chính quyền địa phương vận động 45 người, trong đó có 22 trẻ em, 21 phụ nữ, 2 người già, trên các lồng bè vào nơi thú tránh theo quy định.                                   

Nhóm PV


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông