Hành trình phở Việt Nam đến xử sở Phù Tang

22:28 08/09/2012

Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, tôi may mắn được anh bạn đồng nghiệp làm ở phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nhật Bản rủ đi xem cuộc thi "Hoakhôi người Việt Nam tại Nhật Bản". Vì thế, tôi mới có dịp gặp chị Tống Kim Giao, một người phụ nữ Huế rất xinh đẹp, tài năng.
Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, tôi may mắn được anh bạn đồng nghiệp làm ở phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Nhật Bản rủ đi xem cuộc thi "Hoakhôi người Việt Nam tại Nhật Bản". Vì thế, tôi mới có dịp gặp chị Tống Kim Giao, một người phụ nữ Huế rất xinh đẹp, tài năng.

Chị Tống Kim Giao tại hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Nhật Bản
Chị Tống Kim Giao tại hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Nhật Bản

Chị là giám đốc Công ty Motiti, có trụ sở tại 3-26-17 Nakazawa, Asahiku ,Yokohama, Kanagawa, Japan. Quả thật người phụ nữ này quá đa tài, giỏi giang. Từ lĩnh vực kinh doanh thiết bị nội thất, văn phòng, nhà hàng đến lĩnh vực giải trí (làm bầu sô, MC các chương trình ca nhạc, tổ chức cuộc thi Hoa khôi người Việt Nam tại Nhật Bản...), ở công việc nào chị cũng dồn hết đam mê, tâm huyết của mình nên ít nhiều đạt được những thành công nhất định. Nhưng với chị, điều làm chị hài lòng nhất hiện nay chính là việc đã đưa được PHỞ Việt Nam đến với đông đảo người dân xứ anh đào. Một hành trình đầy vất vả, khó khăn.

"Năm 2005, khi tôi còn mải mê với công việc mới về Sanitary (sản phẩm trang trí  nội thất phòng tắm và phòng vệ sinh ), một lần tình cờ đi siêu thị, tôi để  ý đến món mì ăn liền "Shin" của Hàn Quốc được bày bán khắp nơi tại Nhật. Tôi mua ăn thử thấy không thích lắm nhưng ngưỡng mộ người Đại Hàn đã đem được văn hóa ẩm thực của họ truyền bá sang Nhật. Người Nhật vốn không ăn cay, ấy vậy mà  khi xem một đoạn phóng sự  về mì Shin trên TV, tôi mới hiểu được họ đã mê món Kim Chi, thịt nướng và mì Shin như thế nào.

Cũng vào những năm trước 2000, tôi hay đi nói chuyện về Việt Nam ở Jica và dạy nấu ăn từ thiện cho viện dưỡng lão và những trường khuyết tật. Tôi nấu ăn không giỏi, nhất là lại không biết nấu Phở, nhưng vì yêu cầu của người Nhật, vậy là tôi đã cố gắng học cách nấu Phở. Với người Nhật, thức ăn Việt Nam khi được nhắc đến là Chả giò, Gỏi cuốn và Phở. Những con người cô đơn đó đã yêu thích và quan tâm đến Việt Nam thật sự. Họ hỏi tỉ mỉ về văn hóa, về lễ hội và cuộc chiến Việt Nam. Niềm hạnh phúc hăng hái của tôi lúc đó là làm sao để người Nhật hiểu và yêu Việt Nam nhiều hơn. Từng người, từng người một, tôi kiên nhẫn như một nhà truyền giáo để giải thích những thắc mắc của họ về đất nước mình.




Tôi còn nhớ có một lần tại Viện dưỡng lão, khi nhìn những cụ già răng yếu, miệng móm mém thích thú khi ăn Phở Việt Nam mà họ gọi là Kome men (sợi bằng gạo), miệng xuýt xoa "ngon quá", ngày hôm sau còn viết thư cảm ơn nói rằng sợi phở ăn thật nhẹ bụng, bao lâu nay thèm ăn một món nước bằng sợi nhưng không thể ăn ramen (mì sợi của Nhật ) được vì ăn xong bị nặng bụng quá (do sợi mì thường qua công đoạn chiên bằng dầu).

Lúc đó tôi nghĩ Việt Nam có nhiều món ngon, tại sao mình không thử  thuyết phục người Nhật ăn đồ ăn Việt Nam, không phải chỉ là mở một tiệm ăn nhỏ, mà phải mang tính đại trà quy mô để nhiều người biết đến? Vậy là tôi nghĩ đến Phở ăn liền dạng tô. Thời đó, Phở sợi, Phở gói có bán ở những tiệm tạp hóa Việt Nam nhưng cũng chỉ với số lượng không đáng kể, thường sản phẩm của Việt Nam trên bao bì chỉ in chữ Việt. Những sản phẩm này không đủ sức thuyết phục người Nhật dùng, vì người Nhật rất cẩn thận, họ sẽ không dùng những sản phẩm mà không có nguồn gốc, thương hiệu. Do đó, những sản phẩm này khó lòng vào được trong các hệ thống siêu thị lớn.

Trong khi đó, tại Nhật, Phở tô chưa có công ty nào nhập khẩu vì cồng kềnh, lợi nhuận thấp. Giai đoạn đó, thực phẩm ăn liền dạng tô đang thịnh hành, có một số hãng lớn như Nisshin quảng cáo rầm rộ phở trên TV nhưng chỉ được một thời gian rồi chìm vào quên lãng vì vị không giống Phở Việt Nam mà lai vị Nhật nhiều quá. Tôi trăn trở một ước mơ, muốn cho người Nhật ăn Phở Việt Nam đúng vị Việt Nam. Từ đó, tôi tập trung vào đầu tư phở hộp và tôi đã về Việt Nam, tìm đến công ty Vifon, đề nghị cho tôi được làm đại lý của Vifon tại Nhật về mặt hàng này.

Thế nhưng công việc không "thuận buồm xuôi gió" như tôi nghĩ. Hàng thực phẩm, nhất là dạng instant (ăn liền) bị xét duyệt quá khắt khe ở Nhật Bản. Trong một sản phẩm có quá nhiều chất mà chất nào cũng bị hỏi đến và rất nhiều chất bị cấm ở Nhật. Vậy là chúng tôi phải kết hợp với phòng R&D (Research & Development - phòng nghiên cứu và phát triển) của Vifon thay đổi từng chi tiết cho phù hợp tiêu chuẩn sản phẩm của Nhật mà vẫn không thay đổi vị nguyên bản. Cuối cùng, năm 2006, 5 sản phẩm đầu tiên của phở hộp ăn liền Vifon làm theo tiêu chuẩn chất lượng Nhật đã có mặt trên kệ hàng siêu thị Nhật.




Công việc đòi hỏi nhiều thời gian và kiên nhẫn, có những lần hàng đã có giấy phép nhập khẩu rồi vậy mà đến cảng của Nhật vẫn bị kiểm tra đột xuất. Nếu không đạt tiêu chuẩn cho phép là phải hủy hàng dù số lượng lớn. Còn hàng được bày bán rồi thì đụng phải thành kiến của người Nhật không thích ăn đồ ăn lạ. Với thị trường khó tính như Nhật Bản thì tôi phải mày mò đi từ con số không. Chúng tôi liên tục tổ chức những đợt triển lãm, cho dùng thử, trong khi đó tiền lời không nhiều vì là thực phẩm ăn liền giá thành rẻ, cạnh tranh khốc liệt (tại thị trường Nhật có đến 1.200 mặt hàng thực phẩm ăn liền dạng tô, ly). Thật tình, đã nhiều lần tôi tưởng chừng không thể nào tiếp tục với niềm mơ ước "thuyết phục người Nhật ăn đồ ăn Việt Nam, người Nhật ai cũng biết đến Phở Việt Nam" của mình… Một giấc mơ truyền bá văn hóa ẩm thực mà đã biết bao người thân khuyên tôi dừng lại vì quá nhiều khó khăn, vất vả.

Sau đó tôi gặp một người Nhật, ông là người đầu tiên đã đem món crêp của Pháp vào Nhật. Ông ấy kể cho tôi nghe những khó khăn bước đầu để đem một món ăn lạ vào và thuyết phục được người tiêu dùng. Giờ đây món bánh crêp có thể tìm thấy bất cứ nơi đâu trên nước Nhật và không có người Nhật nào là không biết đến. Ông đã khuyên tôi cố gắng và phải kiên trì. Nhờ những chia sẻ của ông, tôi đã có thêm nghị lực, động cơ theo đuổi hoài bão của mình…

Năm 2009, tôi mở tiệm ăn Việt Nam tại Nhật. Tiệm nhỏ nhưng chúng tôi chăm chút cho tiệm cũng với mơ ước giới thiệu cái ngon, cái đẹp của Việt Nam đến người Nhật. Tiệm của chúng tôi kinh doanh hơi khác người, không vì lợi nhuận mà vì cái hồn của tiệm. Và may mắn tôi đã tìm được những nhân viên không ngại khó cùng quan điểm với mình. Nhớ Huế - quê hương của tôi có rất nhiều món ngon nổi tiếng như: bún bò, bánh ướt thịt nướng, bánh bèo chén, bánh ướt tôm chấy…, có khoảng 100 món ăn, trong đó có những món như: bánh cuốn đổ bằng nồi vải, gà xiên ướp lá dứa, phở nghêu chua cay, phở rau, cơm chiên thơm, cơm niêu gà, cánh gà nhồi xôi là những món lạ của tiệm đã được nhiều báo chí Nhật Bản giới thiệu đến với công chúng. Thức ăn của tiệm chúng tôi đảm bảo vệ sinh, không dùng phụ gia nên đã chinh phục được những thực khách khó tính như người Nhật.

Theo sự góp ý của nhiều người, muốn có sản phẩm Phở dạng ly nhỏ như soup để ăn dặm hay tiện việc ăn kèm với cơm nắm hoặc bánh mỳ, vậy là năm 2011, tôi lại bắt tay vào việc đầu tư sản phẩm Phở soup dạng ly. Cũng như lần trước, Công ty Motiti của chúng tôi và Công ty Vifon lại mất hơn 1 năm mới hoàn thành được sản phẩm "Phở soup Gà" và "Phở soup Hải sản vị chua cay" theo đúng tiêu chuẩn mong muốn. Và sự kiên trì của chúng tôi cuối cùng cũng đã được bù đắp. Vào tháng 10-2012 này, sản phẩm mới của chúng tôi sẽ có mặt trên kệ hàng của các siêu thị Nhật Bản.

Bản thân tôi cũng như các cộng sự của mình luôn xác định quyết tâm, tiếp tục cố gắng để truyền bá văn hóa ẩm thực của Việt Nam đến với nước bạn. Tôi hy vọng trong tương lai, bất cứ người Nhật nào cũng biết đến Phở Việt Nam. Và lúc đó chắc tôi sẽ rất vui và tự  hào lắm về Việt Nam - quê hương tôi".


Ánh Huyền (Ghi theo lời kể của chị Tống Kim Giao)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích