10:35 27/09/2021 Như tin đã đưa, trận mưa ngày 26-8 vừa qua đã gây lụt rất lớn ở Hải Phòng, đặc biệt là khu vực nội thành. Theo ghi nhận của nhiều người dân và cơ quan chuyên môn, đây là trận lụt lớn nhất trong vòng 10 năm qua, khiến thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Không chỉ về giao thông đường bộ, lưu thông hàng hóa mà còn tổn thất về kinh tế liên quan đến sinh hoạt, sinh kế lâu dài của người dân.
Lụt tràn ngập đồ, nhà giàu nhà nghèo đều khổ
Bắt đầu từ khoảng 3h sáng và kéo dài đến gần 9h, trận mưa ngày 26-8 đã nhấn chìm gần như toàn bộ khu vực nội thành, với lượng mưa bình quân 150mm theo báo cáo của cơ quan chuyên môn.
Cũng theo kết quả thống kê, trong 4 quận trung tâm thành phố có 35 tuyến đường trọng điểm bị ngập sâu từ 40cm trở lên, toàn bộ các hồ điều hòa bị tê liệt.
Ông Hoàng Văn Hải ở phường Đằng Giang cho biết, nhà ông Hải xây 4 tầng kiên cố, tầng một chỉ làm phòng khách, còn cả gia đình đều ngủ ở các tầng trên. Do mưa vào rạng sáng, đúng tầm say giấc, mọi người đều yên vị trong phòng điều hòa nên không ai để ý.
Sáng ra, vợ ông Hải là người đầu tiên xuống tầng một mới tá hỏa khi đồ đạc nổi lềnh phềnh, nước dâng ngang xe máy, ngập cả bộ ghế đệm. “Cũng may chiếc ổn áp nhà tôi treo trên tường, nước chưa dâng tới nơi nên không mất điện, chứ ngập ổn áp điện nhiễm ra thì không biết hậu quả thế nào?”.
Theo tính toán sơ bộ của ông Hải, thiệt hại của gia đình ông lên tới vài chục triệu đồng khi phải phục hồi lại các thiết bị, vật dụng sinh hoạt. Cụ thể, tiền xúc sạc, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng cho 3 chiếc xe máy hết gần 4 triệu đồng; tiền thay bộ rơ-le cảm ứng tự dừng cửa cuốn hết 800 nghìn đồng, tiền phục hồi tủ lạnh hết hơn 2 triệu đồng…
Riêng bộ đệm sofa dù đã cũ nhưng ngấm nước phải mua bộ mới thay thế hết gần hai chục triệu đồng. “Chưa kể tường phòng khách bị ẩm mốc, chắc chắn cuối năm phải sơn sửa lại…” – ông Hải chia sẻ.
Đấy là nhà ông Hải có điều kiện, đồ hư hỏng có thể thay thế kịp thời, còn những nhà khó khăn thì bị “đứt gãy” ngay chuỗi sinh hoạt bình thường. Như trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Dương ở khu Cầu Tre (Ngô Quyền), bà Dương cho biết cả nhà bà sống trong gian nhà một tầng khoảng 30 mét vuông. nước mưa tràn ngập cả nhà đều biết nhưng không làm cách nào để chống đỡ.
Nhà bà Dương, cả hai chiếc giường và tủ quần áo đều làm bằng gỗ ô-kan, sau trận mưa bị ngấm nước nở ra be bét, gia đình bà phải lấy gạch kê tạm lên để dùng. Bà Dương ngậm ngùi: “Có cái tủ lạnh cũ, ngập nước giờ cắm điện không thấy chạy, nhưng cũng đành để đấy chứ tiền đâu mà sửa, dịch giã thế này ăn cũng chả đủ…”.
Hầu hết các tuyến đường ở khu vực nội thành bị lụt lớn
Trong khi đó ở gần nhà bà Dương, gia đình bà Lê Thu Phương có điều kiện kinh tế khá hơn nhờ nghề buôn bán, nhưng cũng không tránh khỏi cảm giác buồn tủi. Bà Phương kể, ngày nào bà cũng dậy sớm phóng tới lò mổ lấy thịt về bán lẻ, hôm 26-8 bà đi khỏi nhà trước lúc trời mưa, khi vừa nhận thịt xong thì mưa đổ xuống, về được nửa đường nước đã ngập, xe chết máy nửa nổi nửa chìm, thịt thì no trương trong nước cũng miếng còn miếng mất.
Vất vả đẩy được xe về mệt tưởng chết, sáng ra kiểm đồ đạc trong nhà thì đồ đạc bị nước ngập bị hư hỏng ngoài mấy chiếc xe máy, có có: 1 chiếc tủ cấp đông mới mua 8 triệu đồng; 1 ổn áp trị giá 3 triệu đồng; 1 máy xay thịt trị giá 6 triệu đồng… chưa kể những đồ dùng sinh hoạt khác. Bà Phương tâm sự: “Toàn phương tiện kiếm cơm, nên hỏng là tôi phải gọi thợ đem đi sửa ngay, đúng là họa vô đơn chí, làm đến bao giờ cho lại…”.
Còn ông Nguyễn Trí Dương – chủ một nhà hàng khá lớn ở khu đường Văn Cao thì rơi vào hoàn cảnh khác, cũng không kém phần bi đát. Chẳng là mấy tháng nay vì thực hiện phòng chống dịch Covid-19, nhà hàng phải đóng cửa, ông Dương chỉ thuê một nhân viên đêm đến ngủ trông coi. Sáng sớm 26-8, nhân viên gọi ông thông báo nhà hàng bị nước tràn vào, đồ đạc ngập hết mà nhân viên chỉ có một mình không thể xoay xở.
Khu ông Dương ở trong ngõ cũng ngập nặng, ông không thể di chuyển ra khỏi nhà, đành đợi đến trưa nước rút bớt mới đến nhà hàng. Kết quả toàn bộ mấy dãy bàn ghế bọc đệm kết cấu liền chỗ với các lò nướng bị hỏng hoàn toàn; 3 chiếc tủ cấp đông, ổn áp, quạt điện, ổ điện, máy điều hòa cây… đều chung số phận. Theo tính toán của ông Dương, tổng thiệt hại mất hàng trăm triệu đồng để sắm mới và sửa chữa phục hồi.
Cũng trong trận lụt vừa qua, dù chưa rõ số lượng nhưng trên địa bàn thành phố chắc chắn có rất nhiều phương tiện cá nhân khi di chuyển bị ngập nước và hư hỏng. Ông Đỗ Hữu Phong, chủ một ga-ra ô tô cho biết, sau đợt lụt, ga-ra ông chật kín chỗ vì nhận bảo dưỡng phục hồi ô tô bị ngập nước.
Theo ông Phong, nếu ô tô đã bị ngập nước đến nắp capo thì thiệt hại rất lớn, nhất là khi nước lọt vào động cơ khi máy đang khởi động. Trường hợp nước vào xi-lanh được gọi là “thủy kích”, nhẹ nhất cũng phải dỡ máy, thay tay biên, nặng thì nứt vỡ lốc máy phải thay cả động cơ.
Bên cạnh đó, các bộ phận khác cũng bị phá hỏng ngay hoặc hỏng dần do bị ngậm nước, để lại hậu quả nặng nề về sau. “Nói chung, ô tô mà đã bị ngập nước xem như vứt, nhẹ cũng mất nửa giá trị…” – ông Phong khẳng định.
Trên đây mới chỉ là vài ví dụ liên quan đến những thiệt hại về kinh tế dân sinh do trận mưa lụt ngày 26-8 gây ra, trên thực tế những thiệt hại này không thể tính toán được do không có cơ chế thống kê. Nhưng chắc chắn rằng trên địa bàn thành phố, sơ bộ theo phương pháp suy diễn thì thiệt hại phải lên tới nhiều tỷ đồng.
Dù là thiên tai, nhưng thiệt hại này xứng đáng là bài học kinh nghiệm đối với người dân, đồng thời cũng là bài toán đáng suy ngẫm đối với các nhà quản lý, bởi ngoài thiên tai rất có thể nguyên nhân còn đến từ những vấn đề chủ quan khác.
Hy vọng rằng, qua trận lụt lịch sử vừa qua, thành phố Hải Phòng gồm cả chính quyền và người dân sẽ chú trọng hơn đến công tác phòng ngừa, để không tái diễn cảnh tương tự. Quan trọng hơn để Hải Phòng thực sự giữ vững hình ảnh là thành phố an toàn, văn minh và đáng sống.
Lê Minh Thắng