18:38 30/11/2023 Bài 3: Người dân được hưởng lợi
Các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND thành phố không chỉ nêu vấn đề ra rồi để đó mà đã và đang biến thành những quyết sách cụ thể, căn cơ, giải quyết những vấn đề từ thực tiễn và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Bởi vậy, cử tri và nhân dân thành phố ghi nhận, đánh giá rất cao các hoạt động giám sát của HĐND thành phố, khẳng định đó thực sự là những cuộc giám sát vì dân.
Những quyết sách mang hơi thở cuộc sống
Sau cuộc giám sát chuyên đề về lĩnh vực y tế, tại kỳ họp thứ 11 (tháng 7- 2023), HĐND thành phố khóa 16 đã thông qua báo cáo giám sát và ban hành nghị quyết số 16 về kết quả giám sát việc triển khai các quy định của pháp luật về công tác khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Từ đó đề nghị UBND thành phố chỉ đạo xây dựng đề án phát triển tổng thể ngành Y tế Hải Phòng để trở thành Trung tâm Y tế vùng duyên hải Bắc bộ, phấn đấu hoàn thiện đề án trình HĐND thành phố vào kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 để có cơ sở thực hiện ngay từ đầu năm 2024.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy định hướng, cần thiết phải tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố, đồng thời cần quan tâm đến công tác phòng bệnh với cách tiếp cận toàn diện cả về dinh dưỡng, thể dục, thể thao, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng; tăng cường hợp tác trong nước và ngoài nước. Trước mắt tập trung giải quyết trọng tâm, trọng điểm những vấn đề bức xúc nhất của y tế thành phố, bảo đảm tính khả thi.
Cụ thể, đến năm 2025 phải đạt được mục tiêu: khắc phục triệt để tình trạng quá tải bệnh viện, tình trạng nợ đọng, trục lợi bảo hiểm xã hội, tiến tới 100% người dân có bảo hiểm y tế. Theo đó, rà soát hiện trạng các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện của thành phố đang bị quá tải để bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, mở rộng ngay. Đồng thời, cần tính toán và lựa chọn một số bệnh viện tuyến huyện, địa bàn tập trung đông dân cư, đã có nền tảng về nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu để đầu tư trọng điểm về trang thiết bị và gường bệnh nhằm giảm tải cho các Bệnh viện tuyến thành phố, đồng thời là trung tâm, hỗ trợ cho hệ thống y tế cấp xã (ví dụ: Bệnh viện Thủy Nguyên và Bệnh viện Vĩnh Bảo; một số cơ sở y tế có tính đặc thù như Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ… ).
Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý, giai đoạn này cũng nên tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc biệt của thành phố về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có; các chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài thành phố, trong đó cần ưu tiên đào tạo đối với một số lĩnh vực y tế thiếu tính hấp dẫn như: chăm sóc sức khoẻ sinh sản, giải phẫu, lao, phong, tâm thần, pháp y... để giảm bớt tình trạng mất cân đối trong nhân lực các lĩnh vực của ngành y tế; chính sách về tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực y tế (thu hút các cơ sở y tế công lập và các chính sách liên kết, hợp tác công tư…); các cơ chế đặc thù về phân bổ nguồn lực của thành phố cho lĩnh vực y tế; cơ chế phân cấp, ủy quyền cho các cơ sở y tế được quyết định một số vấn đề.
Và cũng từ thực tế cuộc giám sát và sự chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu, tại kỳ họp thứ 13 tổ chức vào đầu tháng 12- 2023, HĐND thành phố sẽ xem xét và quyết định thông qua nghị quyết quy định về chính sách đặc thù về hỗ trợ đào tạo đãi ngộ nhân lực ngành Y tế Hải Phòng giai đoạn 2024- 2030. Theo đó, dự kiến trong 7 năm, ngân sách thành phố sẽ dành khoảng gần 450 tỷ đồng chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Y tế với mức từ 63 triệu đồng tới 90 triệu đồng tương ứng với các hình thức đào tạo chuyên môn bác sỹ nội trú; bác sỹ chuyên khoa cấp 2; dược sỹ chuyên khoa cấp 2 và tiến sỹ. Cùng với đó là hỗ trợ viên chức y tế trong các đơn vị y tế công lập tự chủ nhóm 3, nhóm 4 hoàn thành nhiệm vụ với mức 900.000- 1,8 triệu đồng/tháng. Đây quả thực là tin vui với ngành Y tế Hải Phòng.
Càng vui hơn nữa khi theo lãnh đạo Sở Tài chính Hải Phòng, nắm bắt yêu cầu, mục tiêu và đề án phát triển Y tế, đã dự kiến nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế Hải Phòng những năm tới. Theo đó, mỗi năm, ngân sách thành phố có thể dành ra từ 400- 500 tỷ đồng phục vụ các mục tiêu phát triển ngành Y tế. Đây là tin vui, là tín hiệu rất đáng phấn khởi và chắc chắn, từ năm 2024, ngành Y tế Hải Phòng sẽ có một diện mạo mới, thật sự khởi sắc.
Đồng chí Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy cũng khẳng định chủ trương, từ nay tới năm 2025 là giai đoạn tăng tốc phát triển ngành y tế và từ năm 2025-2030, trên cơ sở nền tảng căn cơ về cơ chế, chính sách đồng bộ, ưu việt và đã giải quyết cơ bản những bức xúc, những điểm quá tải ở giai đoạn đến năm 2025 thì sẽ bước vào giai đoạn “ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ, tiến thẳng đến hiện đại”.
Đối với lĩnh vực môi trường, tại kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố khóa 16 sắp tới, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND thành phố sẽ báo cáo cụ thể về thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Từ đó, HĐND thành phố sẽ bàn và ban hành những quyết sách cụ thể trong lĩnh vực môi trường.
Điều đáng nói là ngay trong quá trình giám sát chuyên đề của HĐND thành phố, các đồng chí: Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu; Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; các đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố có các cuộc kiểm tra và đã định hướng các chính sách, cơ chế, các công việc cụ thể để thực hiện ngay trong năm 2024. Theo đó, Hải Phòng quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Đình Vũ trước năm 2025, công suất 2000 tấn/ngày. Trong đó, giai đoạn 1 công suất 1000 tấn/ngày, dự kiến hoàn thành xây dựng năm 2025; giai đoạn 2 công suất 1000 tấn/ngày, dự kiến hoạt động sau năm 2030. Công suất phát điện của nhà máy khoảng 40 MW/ngày (giai đoạn 1 là 20 MW/ngày).
Tiếp theo đó sẽ nghiên cứu xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo, công suất 1000 tấn/ngày; công suất phát điện 20 MW/ngày. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng hàng trăm trạm trung chuyển để bảo đảm bán kính chuyên chở rác thải hợp vệ sinh, tránh tình trạng phải vận chuyển chặng đường quá xa về tới nơi xử lý. Theo tính toán, với 2 nhà máy đốt rác phát điện, Hải Phòng sẽ xử lý được căn cơ, cốt lõi các vấn đề về rác thải, phù hợp với yêu cầu CNH-HĐH, phát triển xanh, bền vững. Từ đó, các bãi rác chôn lấp của thành phố sẽ dần được giải tỏa. Đồng thời, đóng cửa hoàn toàn các bãi rác tạm ở nông thôn.
Cùng với đó, thực trạng về cấp nước sạch nông thôn hiện nay và các giải pháp bảo đảm cấp nước nông thôn giai đoạn 2023- 2025 đã được UBND thành phố trình Thường trực Thành ủy cho ý kiến và các nội dung, cơ chế, chính sách cụ thể sẽ được HĐND thành phố xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả giám sát
Có thể khẳng định, các cuộc giám sát của HĐND thành phố Hải Phòng đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ khẳng định hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quyền lực của Nhà nước cao nhất tại địa phương mà còn mang lại những lợi ích thiết thực, thực sự vì dân, người dân được hưởng lợi. Từ đó góp phần quan trọng và đắc lực vào công cuộc xây dựng và phát triển thành phố, từng bước giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của nhân dân, của cử tri.
Đồng chí Phạm Văn Lập, Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh, có được kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy; sự hợp tác hiệu quả, trách nhiệm của UBND thành phố; lãnh đạo các ngành, các cấp. Nhưng yếu tố quan trọng, quyết định chính là sự đổi mới tư duy và hành động của HĐND thành phố khóa 16. Trong đó, mỗi đại biểu HĐND thành phố; các Ban của HĐND thành phố và đặc biệt là Thường trực HĐND thành phố luôn bám sát các yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và mang hơi thở cuộc sống đặt lên bàn nghị sự, giải quyết thấu đáo, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của cử tri và nhân dân, thể hiện cao nhất trách nhiệm người đại biểu nhân dân và cơ quan dân cử.
Đồng chí Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Lập cũng nêu rõ, đạt được những chuyển biến mạnh mẽ như trên còn nhờ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 594/ NQ-UBTVQH15 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND. Đây thực sự là “cẩm nang”, để thống nhất, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, khắc phục được một số hạn chế, vướng mắc, lúng túng trong thực tiễn giám sát của HĐND hiện nay. Như đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nhận xét: hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố đang có sự khởi sắc, thực sự tươi mới và HĐND thành phố Hải Phòng là một trong những điển hình của cả nước về sự tươi mới ấy và thực sự hiệu lực, hiệu quả, do dân, vì dân. Đặc biệt, HĐND thành phố thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: giám sát không phải cứ ra nghị quyết là xong mà phải có hiệu lực, rõ trách nhiệm.
Phát huy hiệu quả các cuộc giám sát, năm 2024, HĐND thành phố Hải Phòng đã xây dựng chương trình giám sát chuyên đề về việc phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố (công tác quản lý, khai thác, sử dụng, vận hành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề...) và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Lại là những vấn đề nóng và rất thiết thực đối với sự phát triển của Hải Phòng và đời sống nhân dân. Dư luận cử tri, nhân dân thành phố đang rất mong chờ kết quả các cuộc giám sát chuyên đề ý nghĩa này và hơn tất cả là các quyết sách của HĐND thành phố từ các cuộc giám sát, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện các khát vọng phát triển Hải Phòng./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024