Hiện thực hóa chiến lược mở rộng đô thị sang phía Bắc sông Cấm

17:41 08/07/2015

 

 

Phương án khả thi xây cầu Nguyễn Trãi với kết cầu vòm thép
Phương án khả thi xây cầu Nguyễn Trãi với kết cầu vòm thép

Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16-9-2009 về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị thành phố Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050. Dự án đang được triển khai tích cực bởi yêu cầu phát triển đô thị về phía Bắc sông Cấm.

Từ tháng 10-2013. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã tài trợ cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi bằng cách đưa Liên danh tư vấn Nhật Bản gồm: Chodai Co.,Ltd-IHI-Nippon Steel & Sumitomo Metal Corp thực hiện nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Giai đoạn hỗ trợ đặc biệt để hình thành dự án (Khảo sát chuẩn bị dự án), Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, cầu Nguyễn Trãi bắc qua sông Cấm nối đường Nguyễn Trãi thuộc địa phận phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền, qua sông Cấm sang khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Hải Phòng và Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm tại địa bàn xã Dương Quan, huyện Thủy Nguyên. Tổng mức đầu tư dự kiến xây dựng cầu và đường dẫn 200 triệu USD (tương đương 4.223 tỷ đồng). Cơ chế vốn đầu tư bao gồm từ 2 nguồn ODA (Nhật Bản) và vốn đối ứng ngân sách TW. Trong đó nguồn ODA chi cho các hạng mục: xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng, chi phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án và chi phí thuế tương ứng của các loại chi phí trên, chi phí quản lý dự án.

Nguồn vốn đối ứng ngân sách TW chi chủ yếu vào công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Về tiến độ thực hiện dự án, dự tính kéo dài 5 năm, từ 2015-2020 và được phân khúc: giai đoạn chuẩn bị dự án từ  2015-2017; giai đoạn xây dựng cầu diễn ra từ năm 2017-2020. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển không gian đô thị về phía Bắc sông Cấm, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho triển khai dự án sớm hơn. Tại Công văn số 5392/VPCP-V.III ngày 17-7-2014 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu đưa dự án này vào danh mục dự án sử dụng vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2014-2016 theo quy định tại Nghị định 38/NĐ-CP

Cơ quan tư vấn Nhật Bản đưa ra 3 phương án kiến trúc lựa chọn cho cầu Nguyễn Trãi. Phương án 1, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu dây văng. Chiều dài cầu 1.331m, chiều dài nhịp chính là 280m, tĩnh không thông thuyền 25m. Có 3 nhịp phụ 120m và 90m + 40m bố trí lệnh. Kết cấu phần trên cầu gồm dầm, cáp và trụ; kết cấu dưới cầu gồm trụ móng và các mố cầu. Đối với kết cấu cầu dây văng thân cầu kéo dài, không còn đường dẫn, thời gian thi công khoảng 40 tháng, chi phí dự kiến khoảng 7.25 tỷ Yên.

Phương án 2, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu vòm thép (với chiều dài 1.346m, nhịp chính rộng 280m, luồng thông thuyền rộng 150m, tĩnh không thông thuyền 25m. Có 4 nhịp phụ cân đối ở 2 đầu 92m+40m và 95m+40. Tương tự như cầu dây văng, kết cấu vòm thân cầu kéo dài, không còn đường dẫn, thời gian thi công khoảng 31 tháng, chi phí dự kiến khoảng 8,01 tỷ Yên.

Phương án 3, cầu Nguyễn Trãi được kết cấu treo. Cầu có chiều dài là 1.264m, nhịp chính dài 280m, tĩnh không thông thuyền cao 25m. Có 2 nhịp phụ cân đối 2 đầu dài 112m; chi phí xây dựng dự tính là 10,24 tỷ Yên, thời gian thi công 40 tháng.

Cơ quan tư vấn Nhật Bản đề xuất phương án kiến trúc cầu Nguyễn Trãi dạng vòm thép (phương án 2) là khả thi nhất. Vì kết cấu vòm thép mới hơn so với cầu dây văng, có kiến trúc đẹp, phù hợp với biểu tượng của thành phố Cảng. Ưu điểm của cầu vòm thép thời gian thi công ngắn (31 tháng), chi phí 8,01 tỷ Yên (67 triệu USD), thấp hơn so với kết cấu cầu treo. Về đề xuất mở rộng đường Nguyễn Trãi hiện tại, Cơ quan tư vấn Nhật Bản đưa ra phương án mở rộng với mặt cắt đường là 41,5m và được mở về 1 bên phía Tây đường. Còn theo quy hoạch, đường Nguyễn Trãi là 50,5m được mở rộng về 2 phía. Tuy nhiên qua kết quả khảo sát thực tế, phía đông của đường Nguyễn Trãi hầu hết là các công trình kiên cố, nhà cao tầng, phía tây ít công trình kiên cố. Vì vậy, việc đề xuất mở rộng đường về phía Tây với mặt cắt đường là 41,5m (đường hiện hữu 18m + mở rộng 23,5m) sẽ giảm chi phí đền bù, thời gian thực hiện và tăng tính hiệu quả của dự án.

Theo Ban quản lý công trình xây dựng phát triển đô thị (đơn vị được giao nhiệm vụ là cơ quan đại diện UBND thành phố), Đoàn nghiên cứu của JICA tài trợ (bao gồm Liên danh tư vấn Công ty CHODAI CO.,LTD, Công ty ALMEC VPI CO.,LTD, Công ty ORIENTAL CONSULTANTS GLOBAL CO., LTD) đang tiến hành các công tác khảo sát địa hình, địa vật; khoan khảo sát địa chất, điều tra khảo sát xã hội kế hoạch hành động tái định cư. Đến nay, kết quả công việc đã thực hiện bao gồm: hoàn thiện bản vẽ và lập báo cáo khảo sát địa hình; thực hiện 10% khối lượng công việc khảo sát địa vật hạng mục nổi và 20% khối lượng công việc hạng mục ngầm còn lại; khoan khảo sát địa chất; đánh giá tác động môi trường và kế hoạch tái định cư.

Việc xây dựng cầu Nguyễn Trãi có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển đô thị, xây dựng khu Trung tâm hành chính mới sang phía Bắc sông Cấm và được Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích