Hiện thực hóa quy hoạch hệ thống đường bộ ven biển Việt Nam

01:06 20/06/2014

 

 

Phối cảnh cầu Bạch Đằng sau khi hoàn thành
Phối cảnh cầu Bạch Đằng sau khi hoàn thành

Dự án thứ cấp xây dựng cầu Bạch Đằng bắc qua cửa sông Cấm và đường dẫn trên địa bàn Hải Phòng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong Dự án đường nối từ thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) với thành phố Hải Phòng. Đến nay sau một thời gian nghiên cứu, chuẩn bị, dự án xây dựng cầu Bạch Đằng bắc qua sông Cấm (Hải Phòng) chính thức được khởi động với tính khả thi cao. Dự án thành công sẽ tạo đà phát triển hạ tầng giao thông, tăng cường cho các địa phương được xác định là cực tăng trưởng kinh tế khu vực phía Bắc là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Từ tháng 9-2012, chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý cho phép 3 đơn vị gồm: Tập đoàn SE (SE), Hiệp hội kỹ thuật xây dựng quốc tế Nhật Bản (IDI) và Công ty tư vấn INGEROSEC (đều thuộc Nhật Bản) thực hiện nghiên cứu xây dựng Báo cáo thẩm định đầu kỳ Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng và toàn tuyến đường nối thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng). Theo đó, Tập đoàn SE đã báo cáo đề xuất, Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng và toàn tuyến đường nối thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bao gồm 2 hợp phần chính. Trong đó, xây dựng cầu Bạch Đằng bắc qua cửa sông Cấm và đường dẫn cầu chủ yếu nằm trên địa bàn thành phố Hải Phòng là hợp phần quan trọng nhất. 

Theo báo cáo thẩm định đầu kỳ, cầu Bạch Đằng và đường dẫn có tổng chiều dài 5,06km; trong đó cầu dài 4,2km, đường dẫn cầu dài 600m; bề rộng cắt ngang cầu và đường dẫn cầu là 25,5m. Kết cấu cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực 4 nhịp liên tục, dầm T (nhịp 40m)… Ngày 29-9-2012, tại Hà Nội, Bộ GTVT đã họp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn SE (Nhật Bản) về phương án điều chỉnh thiết kế cơ sở cầu Bạch Đằng.

Bản đồ phóng tuyến và liên kết giữa tuyến đường nối Hạ Long - Đình Vũ với các tuyến QL trên địa bàn Hải Phòng
Bản đồ phóng tuyến và liên kết giữa tuyến đường nối Hạ Long - Đình Vũ với các tuyến QL trên địa bàn Hải Phòng

Theo thiết kế sửa đổi cầu Bạch Đằng từ cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực 4 nhịp liên tục, dầm T (nhịp 40m) sang cầu dây văng thép 4 nhịp liên tục (nhịp chính dài 250m) dầm thép chữ I (nhịp 60m); việc thay đổi này giảm chiều cao trụ giữa của cầu chính; giảm chiều cao dầm; rút ngắn chiều dài cầu từ khoảng 4.201,5m xuống còn 3054,1m (phần cầu được rút ngắn sẽ được chuyển thành đường đất đắp và hầm chui); giảm đáng kể số lượng trụ cầu dẫn từ 77 trụ xuống còn 42 trụ. Đồng thời sẽ xây dựng nút giao đầm nhà Mạc, xây dựng trạm thu phí và nghiên cứu việc mở rộng quy mô làn xe khai thác trong tương lai.

Nguyên nhân điều chỉnh thiết kế cầu Bạch Đằng từ kết cấu bê tông dự ứng lực sang kết cấu thép nhằm đối phó với vấn đề nền móng yếu thông qua việc giảm trọng lượng, mong muốn sớm đưa công trình vào khai thác bằng việc rút ngắn thời gian thi công; chuyển giao kỹ thuật cầu khẩu độ lớn của Nhật Bản sang Việt Nam.

Về Dự án xây dựng đường nối từ thành phố Hạ Long đến cầu Bạch Đằng có quy mô xây dựng tuyến đường dài trên 20km, điểm đầu (km0+000) giao với QL18 tại Km 102+400 thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long và điểm cuối tại km 20+214 điểm nối đường dẫn cầu Bạch Đằng, chiều rộng đường 4 làn xe.

Theo tính toán của SE, tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 8.113 tỷ đồng. Nguồn đầu tư từ vốn ODA Nhật Bản hoặc ngồn vốn đầu tư từ khối tư nhân Nhật Bản và trong nước. Thủ tướng Chính phủ Chính phủ cũng đã quyết định hình thức đầu tư Dự án xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn cầu theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); còn lại Dự án xây dựng đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Tuy nhiên, do có những thay đổi về cơ chế chính sách đầu tư từ TW nên toàn bộ dự án buộc phải tạm dừng đầu tư (Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-2-2014 đình chỉ các dự án BT chưa khởi công).

Sau đó đến ngày 16-5-2014, Thủ tướng Chính phủ cho phép dự án xây dựng 20km đường nối với cầu Bạch Đằng chuyển thành dự án đầu tư công thực hiện bằng nguồn vốn của tỉnh Quảng Ninh. Còn dự án xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn tổng trị giá 363,1 tỷ Yên Nhật (tương đương 7.262,1 tỷ đồng) bao gồm cả chi phí GPMB. Thành phần vốn cho dự án xây dựng cầu Bạch Đằng bao gồm: huy động từ các doanh nghiệp tư nhân Nhật Bản, nguồn vốn vay của JICA (Nhật Bản) và nguồn từ ngân sách TW phục vụ công tác GPMB (khoảng 142,7 tỷ đồng). Dự kiến dự án này sẽ được khởi công vào tháng 10-2015, thời gian thi công trong 3 năm và thời gian chủ đầu tư xây dựng khai thác là 30 năm (đến tháng 10-2048).

Chiều 10-6, Đoàn công tác của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và UBND tỉnh Quảng Ninh đã làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về khảo sát dự án cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến tại Đình Vũ. Trước đó, UBND thành phố đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo dự án, giao đồng chí Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban chỉ đạo. Ngay sau đó, đồng chí Lê Văn Thành, Phó chủ tịch UBND thành phố và đồng chí Vũ Văn Thông, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký biên bản cam kết thực hiện các phần việc liên quan đến dự án này theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hiện các sở, ngành liên quan và UBND quận Hải An đang phối hợp thực hiện công tác cắm mốc giới hướng tuyến và chuẩn bị kiểm kê tài sản, công trình trên đất.

Đồng chí Lê Văn Thành, Phó bí thư Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố, Trưởng BCĐ dự án khẳng định: Việc triển khai dự án này có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối vùng kinh tế trọng điểm trong tam giác tăng trưởng kinh tế phía Bắc và đánh dấu mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản. Quan điểm của thành phố ủng hộ cao đối với dự án, mong muốn dự án sớm được khởi công nên đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp một cách chặt chẽ với chủ đầu tư dự án và các nhà thầu, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, góp phần giải phóng hàng hoá sau cảng biển Hải Phòng.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông