Học trực tuyến, nên hay không?

    18:13 05/07/2018

    Không phải ngẫu nhiên mà giáo dục trực tuyến là ngành công nghiệp tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hình thức học mới này giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho người tham gia. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên thả nổi việc học trực tuyến của con mình, nhất là trong những ngày hè này...

    Học trò và thiết bị công nghệ cần được quan tâm hơn

    Luyện thi trực tuyến - được ít, mất nhiều

    Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa của các môn, nằm trong 5 bài thi THPT quốc gia 2018, do hầu hết các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ Ngữ văn) nên xu hướng luyện thi online bỗng dưng “hot” đối với các bạn học sinh lớp 12. Các website luyện thi trực tuyến có cách tham gia vào các lớp học này cực kì đơn giản.

    Chỉ cần đăng kí tài khoản, sau đó nạp thẻ cào vào tài khoản đã được đăng kí để mua các khóa học, môn học hoặc chuyên đề theo nhu cầu của người học. Các “lò” luyện thi trực tuyến được mở ra với đa dạng thời khóa biểu, lịch học, không giới hạn số lượng người tham gia, học phí được nạp qua thẻ cào điện thoại với đầy đủ các mức từ vài trăm ngàn cho đến vài triệu đồng.

    Một số trang web như: hocmai.vn, tuyensinh247.vn, thaytro.vn, luyenthi.hoc360.vn, thithudaihoc.vn, luyenthionline.com… nhằm thu hút người học, các lò luyện thi trực tuyến đã tung các chiêu khuyến mãi và quảng cáo vô cùng hấp dẫn.

    Không thể phủ nhận, luyện thi online có ưu điểm là tận dụng được thời gian, công sức, chỉ việc ngồi ở nhà là có thể chọn nhiều khóa học từ xa. Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm là trong thời điểm hiện nay, kho dữ liệu của các “lò” luyện thi trên mạng là kiến thức tự phát, khó kiểm soát về chuyên môn. Luyện thi online rất phù hợp với những học sinh có tinh thần tự học cao cùng với nền tảng kiến thức vững vàng.

    Tuy nhiên, với những học sinh học chưa tốt, ham chơi game thì luyện thi trực tuyến sẽ giống như con dao 2 lưỡi. Tham gia luyện thi trực tuyến đồng nghĩa với các em sẽ được tự do học tập mà không chịu sự quản lý hay nhắc nhở của ai. Chỉ cần học sinh mất tập trung là dễ sa đà vào hoạt động lướt web, chơi game và lơ là việc học tập của mình.

    Hơn nữa, khi ôn tập kiến thức trên máy tính,  sẽ không có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, khiến cho chất lượng ôn tập của học sinh không cao, không có đủ kiến thức và kĩ năng cho kì thi quan trọng.

    Học trực tuyến đang trở thành xu thế thời đại

    Bùng nổ học trực tuyến

    Thời gian gần đây, các khóa học trực tuyến đã bắt đầu hút học sinh, nhất là những đối tượng vừa học, vừa làm, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi học.

    Cơ hội thăng tiến, thu nhập vẫn không thay đổi và khoản chi phí phải đánh đổi cho việc đi học không còn nặng nề như phương pháp truyền thống, nếu đã qua giai đoạn sinh viên và muốn tìm hiểu sâu hơn chuyên ngành của mình hoặc tìm hiểu thêm một lĩnh vực khác, học trực tuyến là hình thức đáng cân nhắc.

    Một trong những bất lợi lớn mà mọi người luôn nói đến về các khóa học trực tuyến là bạn không bị ràng buộc bởi lịch học, giáo viên giảng dạy và những nội quy khiến bạn phải hoàn thành bài vở yêu cầu. Điều này có nghĩa, bạn dễ bị trì hoãn hoặc thậm chí bỏ cuộc giữa chừng hơn so với phương pháp truyền thống.

    Tuy nhiên, nếu dám đối đầu với khó khăn này và vượt qua, những kỹ năng mà bạn đạt được còn quý giá hơn nhiều. Đó là tinh thần kỷ luật, tự giác và tạo động lực trong mọi công việc.

    Một điểm nữa là nếu như theo cách giáo dục truyền thống, phần lớn học sinh biết lý thuyết trước và nhiều năm sau đó mới áp dụng những gì mình được nghe ở trường ra thực tế; còn đối với học trực tuyến, vừa học vừa làm giúp họ ngay lập tức ứng dụng những gì vừa được biết vào công việc.

    Ngoài ra, bằng cấp của học trực tuyến không thể so sánh được với học theo cách truyền thống, chính quy tập trung do vậy phương pháp học này phù hợp hơn với các thí sinh lớn tuổi, vừa học vừa làm.

    Điều đáng nói, các khóa học trực tuyến trên mạng ngày càng nhiều, trong đó không ít hình thức học, luyện thi trên mạng nhắm vào lứa tuổi học trò.

    Một số khóa học, luyện thi với những kiến thức không đồng bộ với chương trình truyền thống đã không nâng cao được kiến thức cho học sinh mà mặt khác dễ khiến các em bị lôi kéo vào cuộc thám hiểm không gian mạng với các game, videoclip nhảm nhí..., vừa mất thời gian, vừa hại sức khỏe tinh thần và cơ thể...

    Không nên thả nổi việc học trực tuyến của con cái

    Mùa hè là khoảng thời gian học sinh có điều kiện để học thêm kiến thức hoặc kỹ năng sống cần thiết. Nhiều gia đình chọn cho các em học trên mạng thông qua các trang web học trực tuyến, các video dạy học… thông qua máy tính bảng, máy vi tính, điện thoại thông minh hay ti vi thông minh. Học trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu thời đại.

    Ở nước  ta, có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trang web chuyên về học trực tuyến có thu phí lẫn miễn phí để cung cấp các khóa học theo nhu cầu của người học.

    Thậm chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vài năm gần đây còn phát động cuộc thi thiết kế bài giảng Elearning để giáo viên các cấp cùng tham gia và đưa vào kho bài giảng trên cổng thông tin của Bộ theo địa chỉ https://elearning.moet.edu.vn.

    Tuy nhiên, phụ huynh không nên phó mặc cho con ưng học ra sao trên mạng. Ví dụ khi tự mình tìm kiếm thêm những thông tin cho bài đang học, khi đó các em dễ bị phân tâm, đi lan man sang những trang tin chứa các nội dung mà ở độ tuổi của mình các em vẫn chưa thể thẩm định tính chính xác, điều đúng - sai dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc hoặc tệ hơn là bị lôi cuốn theo những người có ý đồ xấu.

    Thiết nghĩ, một khi quyết định cho con học trực tuyến một khóa học nào đó, phụ huynh phải là người tìm hiểu trước về khóa học, nội dung học, các công cụ giúp kiểm tra hay theo dõi tiến trình học tập, như xem bản báo cáo, nhận xét của trang dạy học (thường là do các trang dạy học trực tuyến cung cấp nhằm giúp học sinh tự kiểm tra kiến thức đã học).

    Học trực tuyến là một công cụ hữu ích nhưng rất cần người học một thái độ học tập nghiêm túc. Cha mẹ nên làm rõ các điều như vậy trước khi cho con bắt đầu việc học.

    HẢI HẬU

     

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông