Hỏi ngắn, trả lời rõ ràng

15:48 12/11/2008

Nội dung

Sáng qua, 11-11, trong ngày làm việc thứ 22, dưới sự chủ trì của Chủtịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã tiếnhành phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và trả lời chất vấncủa các thành viên Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội - Ảnh: TTXVN

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, tính đến 17h ngày 10-11, đã có 292 câu hỏi chất vấn của 126 vị ĐBQH ở 47 Đoàn ĐBQH gửi đến Thủ tướng và 21 vị bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trong đó các vị Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT... nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất của các đại biểu.

Quốc hội đã lựa chọn 7 vị bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu trước Quốc hội, làm rõ thêm các vấn đề các vị ĐBQH quan tâm và trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu. Điểm mới của các phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ đưa ra 4 nhóm vấn đề nổi cộm nhất để Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành trả lời.

Đây là cách làm mới, giúp cho việc chất vấn theo hướng hỏi ngắn, đáp rõ, tập trung vào các vấn đề thiết thực, tránh dài dòng, lan man, "báo cáo thành tích". Trong cùng một nhóm vấn đề, nhiều bộ trưởng sẽ cùng tham gia trả lời để làm rõ trách nhiệm. Đồng thời, trước khi trả lời chất vấn, các bộ trưởng phải giải trình rõ lời hứa trước cử tri tại kỳ họp trước, việc gì chưa làm, đang làm và làm được đến đâu...

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Đoàn ĐBQH Hải Phòng) là đại biểu đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-môi trường Phạm Khôi Nguyên về trách nhiệm của bộ này trong triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về chiến lược biển nói chung và khai thác tài nguyên biển nói riêng. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, Chính phủ đã giao Bộ TN-MT là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về biển.

Triển khai chủ trương của Chính phủ, Bộ đã tiến hành thành lập Tổng cục biển và hải đảo, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách, trong đó có việc xây dựng dự luật quản lý, khai thác tài nguyên biển; phấn đấu sau năm 2010, nguồn thu từ kinh tế biển chiếm trên 50% cơ cấu GDP cả nước.

Trả lời các đại biểu: Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề cập đến hướng xử lý tiếp theo của Bộ TN-MT về vụ việc "nổi cộm" tại Cty Vedan, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định, Bộ đã tiến hành xử lý vi phạm của Cty này theo quy định của pháp luật cho phép. Hiện, Cty Vedan đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu về xử lý ô nhiễm môi trường do phía Việt Nam đưa ra.

Ông Nguyên cũng khẳng định không có sự lúng túng trong xử lý hay đùn đẩy trách nhiệm giữa Bộ TN-MT và UBND tỉnh Đồng Nai trong việc xử lý Cty Vedan. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, qua "vụ Vedan", chúng ta rút ra được nhiều bài học sâu sắc, trong đó Bộ trưởng thừa nhận lực lượng thanh tra môi trường còn mỏng và yếu, còn các doanh nghiệp vi phạm lại có "ý thức cố tình" và có kỹ thuật tinh vi.

Ông Nguyên cũng cảnh báo hiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam rất nghiêm trọng, theo thống kê, hiện có tới 4000 doanh nghiệp và khoảng 2100 làng nghề đang gây ô nhiễm trầm trọng. Chính phủ đã đặt ra lộ trình từ nay đến 2015 phải giải quyết cơ bản tình trạng này, trong đó cần xử ngay 439 cơ sở gây ô nhiễm trầm trọng ở 181/183 khu công nghiệp tập trung.

Liên quan đến chất vấn của các đại biểu về tình trạng trên 70% KCN và 90% doanh nghiệp không có hệ thống nước thải nhưng vẫn được cấp phép hoạt động, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định ngay nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trong một thời gian dài chúng ta chưa có nhận thức về môi trường như hiện nay.

Ông Phúc dẫn chứng, các KCN gang thép Thái Nguyên, KCN Sông Công... đều được xây dựng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, khi vấn đề môi trường chưa được đặt ra một cách đầy đủ. Ông Phúc đề nghị các địa phương cần chấp hành nghiêm các quy định về thẩm định môi trường khi cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát điểm lại những việc mà bộ trưởng đã hứa tại kỳ họp thứ 2 về giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân và các chính sách đối với vấn đề nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Trả lời 18 chất vấn của ĐBQH liên quan đến giá vật tư nông nghiệp còn cao; tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; vấn đề dừng xuất khẩu gạo, nhập khẩu muối; tình trạng phá rừng; công tác phòng chống thiên tai bão lũ...

Bộ trưởng Cao Đức Phát giải trình những khó khăn, thừa nhận trách nhiệm của Bộ trưởng đối với các vấn đề trên và mong được Quốc hội, cử tri chia sẻ. Tuy nhiên, theo ông Phát, không thể có một "cam kết cứng" để giải quyết triệt để các khó khăn của nông dân trong khi sản xuất nông nghiệp vẫn phụ thuộc vào thời tiết còn tiêu thụ lại phụ thuộc vào điều tiết của thị trường.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn về các chính sách tiền tệ, kiềm chế tốc độ lạm phát; vấn đề điều chỉnh giá xăng dầu trong nước; bội chi ngân sách; quản lý nợ đọng thuế; quản lý phần vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp cổ phần; việc tăng thuế nhập khẩu phôi thép...

Hôm nay, 12-11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ với phần mở đầu của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu.

THẾ KHOA (tổng hợp)


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông