Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024

    22:50 30/03/2024

    Sáng 27/3, Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam cùng đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan trên địa bàn thành phố tham dự Hội nghị.

    Hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), MERS-CoV, Ebola, gần đây nhất là đại dịch COVID-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia; trong đó khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm là các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

    Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 05 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013.

    Với cúm A(H5N1), sau 8 năm kể từ năm 2014, toàn quốc không ghi nhận ca mắc mới, thì đến tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

    Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp; từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (~170%).

    Đồng chí Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

    Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, trong thời gian tới nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra. Tại Hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024.

    Theo báo cáo của Sở Y tế, tại thành phố Hải Phòng, 9 năm liền chưa ghi nhận ca bệnh cúm gia cầm trên người. Từ năm 2018 - 2024, trên địa bàn thành phố không có trường hợp người tử vong do mắc bệnh dại. Thành phố vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh liên cầu khuẩn lợn vẫn qua các năm: 2018 (2 ca), 2019 (5 ca), 2020 (1 ca), 2021-2024 không ghi nhận ca bệnh.

    Về tình hình dịch bệnh trên động vật, ngày 27/12/2021, xảy ra 1 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Hữu Bằng huyện Kiến Thụy; số gia cầm ốm, chết, buộc phải tiêu hủy 1.080 con. Từ năm 2022 đến nay không phát hiện ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn thành phố. Từ năm 1999 đến nay trên địa bàn thành phố không phát hiện chó, mèo mắc bệnh dại.

    Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

    Kết quả đó có được là do sự vào cuộc tích cực của thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương và Nhân dân thành phố. Trong đó, ngành Y tế đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác giám sát các bệnh lây truyền từ động vật sang người như bệnh cúm A (H5N1, H7N9), dại, liên cầu cầu khuẩn lợn, than, leptospirosis,... để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại trên người trên toàn thành phố. Mỗi quận, huyện của thành phố đều có ít nhất 01 điểm tiêm vắc xin phòng dại. Tính đến hết năm 2023 toàn thành phố có 36 cơ sở tiêm vắc xin và 03 cơ sở tiêm huyết thanh phòng dại. Kết quả tiêm vắc xin, năm 2021 (1.085 người), năm 2022 (3.366 người), năm 2023 (3.318 người).

    Ngoài ra, ngành Y tế cũng triển khai thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người cho cộng đồng; các biện pháp phòng lây nhiễm từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán giết mổ gia súc/ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh, khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc…

    Hàng năm, ngân sách thành phố hỗ trợ vắc xin, công tiêm vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm cho các hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, kết quả tiêm phòng năm 2021 (10.803.600 con), năm 2022 (10.428.600 con), năm 2023 (9.815.000 con), đợt 1 năm 2024 (76.500 con). Công tác tiêm vắc xin phòng bệnh dại động vật, được triển khai  thường xuyên, trong đó năm 2021 (77.220 con), năm 2022 (74.528 con), năm 2023 (71.862 con), 3 tháng đầu năm 2024 (3.598 con).

    Ngành Thú y thành phố triển khai giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm tại một số chợ buôn bán gia cầm sống trên địa bàn thành phố. Ngay sau khi có kết quả giám sát, phát hiện mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp UBND các huyện thực hiện truy xuất nguồn gốc mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính và triển khai công tác phòng, chống dịch theo quy định. Giai đoạn 2021 – 2023, trên địa bàn thành phố có sự lưu hành của các chủng vi rút cúm gia cầm: A/H5N1 nhánh phụ 2.3.4.4b1, A/H5N6 nhánh 2.3.4.4h, A/H5N8 nhánh 2.3.4.4b.

    Hàng năm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện lấy mẫu huyết thanh gia cầm tại các hộ chăn nuôi để kiểm tra hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng và kháng thể do nhiễm tự nhiên với vi rút Cúm gia cầm. Đối với mẫu giám sát phát hiện có sự lưu hành vi rút cúm gia cầm tại chợ, thực hiện ngay công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu buôn bán 1 lần/ngày liên tục 3 ngày; truy xuất nguồn gốc mẫu dương tính; kiểm tra tình hình đàn gia cầm tại địa phương; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm nuôi nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời gia cầm ốm, chết, nghi mắc bệnh.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích