Hội Nông dân quận Đồ Sơn: Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi làm giàu và giữ gìn an ninh biển đảo

17:04 30/11/2023

Với chiều dài bờ biển trên 22,5 km, Đồ Sơn là quận ven biển của Hải Phòng có tiềm năng lớn để phát triển đa dạng các loại hình kinh tế biển. Bao năm qua, xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của biển đối với sự phát triển KT-XH của địa phương, Hội Nông dân quận Đồ Sơn đã chú trọng làm tốt công tác tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền quận chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù; tập trung quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển, nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt hải sản… Qua đó, có đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH địa phương, giữ gìn an ninh biển đảo của Tổ quốc.

Hiệu quả từ  “Cụm tàu an toàn”

Và trong những nỗ lực, đóng góp của tổ chức Hội không thể không kể đến hiệu quả của công tác Hội trong việc tham mưu, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho ngư dân sản xuất theo mô hình “Cụm tàu an toàn”, tương trợ, giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất, vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển và tích cực tham gia giữ gìn an ninh biển đảo quê hương.

Hội Nông dân quận Đồ Sơn hiện có khoảng 7.450 hội viên, sinh hoạt tại 6 cơ sở hội, trong đó có trên 600 hội viên tham gia đánh bắt và chế biến thuỷ hải sản. Trên địa bàn quận có 151 phương tiện hoạt động xa bờ là những nhân tố quan trọng trong 12 cụm tàu thuyền an toàn của ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển, tích cực đánh bắt hải sản và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Thời gian qua, được sự tuyên truyền, vận động tích cực của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn quận, ngư dân quận Đồ Sơn đã tích cực tham gia và phát huy hiệu quả thiết thực của mô hình “Cụm tàu an toàn”.

Trong những nỗ lực, đóng góp của tổ chức Hội không thể không kể đến hiệu quả của công tác Hội trong việc tham mưu, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho ngư dân sản xuất theo mô hình “Cụm tàu an toàn”, tương trợ, giúp đỡ nhau đẩy mạnh sản xuất, vươn khơi bám biển, làm giàu từ biển và tích cực tham gia giữ gìn an ninh biển đảo quê hương.

Họ cùng nhau chia sẻ thông tin về ngư trường, thời tiết, kinh nghiệm, hỗ trợ nhau xử lý rủi ro, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống vi phạm trong đánh bắt hải sản xa bờ và kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin về tình hình an ninh trên biển cho lực lượng chức năng. Qua đó, giúp ngư dân giảm bớt được chi phí sản xuất, giảm thiểu thiệt hại khi không may gặp sự cố, tai nạn trên biển, đồng thời hạn chế tính “tự phát”, hoạt động đơn lẻ, kém hiệu quả như trước đây để cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, trở ngại, vững tâm vươn khơi, không ngừng tìm kiếm, mở rộng ngư trường mới để bám biển, làm giàu từ biển.

Cùng với đó, những năm qua, các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển của quận Đồ Sơn đã tham gia cứu hộ, cứu nạn được 37 vụ, cứu sống 105 lao động và trực tiếp thông tin gần 125 lượt/1.029 tàu Trung Quốc đánh bắt xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam. Và trong 2 cuộc diễn tập khu vực phòng thủ thành phố được tổ chức vào năm 2016, 2021, quận Đồ Sơn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được thành phố giao là huy động mỗi đợt 10 tàu trên 400CV, cùng ngư dân trực tiếp tham gia thực hành diễn tập bàn giao tàu, thuyền cho Vùng Cảnh sát biển 1 để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Điểm tựa hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển

Bên cạnh đó, với sự tham mưu đắc lực, đúng, trúng của Hội Nông dân quận, thời gian qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp ngư dân phát triển sản xuất, bảo vệ, động viên ngư dân yên tâm bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của Chính phủ, thành phố, đều được triển khai nghiêm túc, bài bản, hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng trên địa bàn quận Đồ Sơn, nhận được sự đồng tình ủng hộ, tạo dựng niềm tin trong dân.

                                             Tình hình ANTT trên vùng biển của quận Đồ Sơn được giữ vững ổn định

Cụ thể, những năm qua, quận Đồ Sơn đã phê duyệt, giải ngân cho 10 chủ phương tiện đóng mới tàu cá có Công suất trên 90 CV; định mức hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 3 năm, đối với các tàu cá đóng mới là 400 triệu đồng/phương tiện theo Nghị quyết số 14/2010 của Hội đồng nhân dân quận. Từ năm 2014, thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, ngư dân trên địa bàn quận đã được hỗ trợ 15 máy ICOM, 621 chiếc áo phao cứu sinh, 35 bình cứu hỏa, 150 đèn pin và 30 hộ ngư dân khó khăn được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

Thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quận Đồ Sơn có 2 chủ phương tiện được hỗ trợ đóng mới tàu cá với vốn vay ưu đãi là 24,2 tỷ đồng; 796 thuyền viên thuộc 83 tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm với tổng số tiền là 238,8 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ với tổng số tiền là 281.281.925 đồng.

Riêng thực hiện các Nghị quyết của HĐND quận, UBND quận đã triển khai hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu cho 20 chủ tàu cá với tổng số tiền là 283.685.800 đồng. Thực hiện Nghị quyết số 13, ngày 22/12/2020 của HĐND TP, năm 2021, quận Đồ Sơn có 12 chủ tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá với tổng số tiền là 147.223.069 đồng; năm 2022, địa phương có 14 chủ tàu cá được hỗ trợ kinh phí thuê bao dịch vụ đối với thiết bị giám sát tàu cá với tổng số tiền hỗ trợ là 38.377.400 đồng.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển vươn khơi nên thời gian qua tình hình ANTT trên vùng biển của quận Đồ Sơn cơ bản được giữ vững, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Được biết, nhằm phát huy tối đa lợi thế của địa phương ven biển, Ban Thường vụ Quận uỷ Đồ Sơn đã ban hành Chương trình hành động số 28, ngày 30/7/2019 về thực hiện Nghị quyết số 45, của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành uỷ về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; UBND quận đã ban hành các kế hoạch về triển khai thực hiện các chương trình hành động của BTV Quận uỷ, Ban Thường vụ Thành ủy, Nghị quyết số 26, ngày 5/3/2020 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 36, ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong đó, đề ra mục tiêu chung về định hướng phát triển kinh tế biển trong thời gian tới của địa phương là: Phát triển đồng bộ cơ sở vật chất du lịch, hình thành các khu vực cung cấp các dịch vụ, thương mại cao cấp để du lịch trở thành động lực phát triển của nền kinh tế quận, phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường phục vụ du lịch; xây dựng đô thị hướng biển, lấy biển là thương hiệu đô thị du lịch Đồ Sơn là một phần cửa ngõ của Hải Phòng nhìn từ biển vào.

Đồ Sơn phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I trước năm 2025 và từng bước xây dựng các tiêu chí của đô thị đặc biệt, mở rộng không gian đô thị phía Tây, phát triển không gian đô thị mới gắn với chỉnh trang, cải tạo không gian đô thị truyền thống…

Để góp sức cùng toàn Đảng bộ, quân và dân địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu đặt ra, Hội Nông dân quận Đồ Sơn đang tập trung tham mưu với Quận ủy, HĐND, UBND quận thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, hội viên ngư dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển đối với phát triển kinh tế, bảo đảm QP-AN, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo của Tổ quốc. Xác định đây là yêu cầu cấp thiết trước mắt và là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, từ đó đề cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo.

Tham mưu xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển KT-XH vùng ven biển, luôn gắn với bảo đảm QP-AN; từ đó tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cả hai nhiệm vụ là phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN khi có tình huống xảy ra. Chú trọng phát triển các Câu lạc bộ đánh cá xa bờ, đặc biệt là “Cụm tàu an toàn”; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH vùng biển và ven biển. Mặt khác, đầu tư phát triển kinh tế biển khu du lịch, dịch vụ, bến cảng, các khu vực ven biển, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về biển, vùng ven biển.

Thực hiện tốt công tác QP-AN, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, đáp ứng yêu cầu vươn khơi đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ, mua sắm các trang bị, phương tiện cần thiết nhằm phục vụ tốt công tác thông tin, liên lạc giúp ngư dân kịp thời tránh trú bão, phát hiện tàu thuyền lạ xâm lấn ngư trường cũng như các hành vi phá hoại môi trường sinh thái, hoạt động buôn lậu trên biển…

Bình Huệ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích