Hội thảo chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh

    21:07 24/07/2023

    Chiều 24-7, Sở Y tế tổ chức Hội thảo chuyên đề về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) nhằm đánh giá thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của MCBGTKS. Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế; đại diện các Sở, ban, ngành thành phố; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, đơn vị thuộc Sở Y tế; lãnh đạo Phòng Y tế các quận/huyện trên địa bàn thành phố.

    Thời gian qua, công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn  thành phố có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của người dân về thực hiện các chế độ, chính sách dân số, sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới được thực hiện tích cực và chủ động, góp phần thực hiện xây dựng quy mô gia đình ít con, gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

    Đồng chí Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phan Huy Thục, Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế cho biết, Hải Phòng là thành phố đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương có 15 quận, huyện và 217 xã, phường, thị trấn.

    Tính đến tháng 6/2023, dân số trung bình của thành phố là 2.128.744 người. Là 1 trong 9 tỉnh, thành phố trong cả nước đạt mức sinh thay thế nhưng thành phố nhiều năm liền nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước, thành phố đang trong tình trạng MCBGTKS.

    Nếu các nước trong khu vực xảy ra từ những năm 1980 thì Việt Nam chính thức tỷ số giới tính khi sinh làm nóng dư luận xã hội là vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, tỷ số này luôn trên 110 bé trai/100 bé gái (trong khi tỷ số thông thường là từ 103-107 bé trai/100 bé gái) và xu hướng này còn tiếp tục tăng.

    Thành phố Hải Phòng từ năm 2009 đến nay đang ở trong tình trạng MCBGTKS, tỷ số giới tính khi sinh có giảm nhưng vẫn ở mức cao (năm 2009 là 118,9 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 117,3 bé trai/100 bé gái, năm 2022 là 110,31 bé trai/100 bé gái).

    Quang cảnh Hội thảo

    Cùng với đó, tỷ số giới tính khi sinh của Hải Phòng diễn biến phức tạp. Tỷ số này cao ngay từ lần sinh đầu tiên và cao nhất ở lần sinh thứ ba trở lên (tỷ số giới tính khi sinh ở lần sinh thứ ba năm 2020 là 126,78/100; năm 2021 là 117,82/100; năm 2022 là 121,88/100).

     14/15 quận, huyện trên địa bàn thành phố đều xảy ra  tình trạng MCBGTKS, mặc dù trong những năm gần đây tỷ số này đã được kiểm soát nhưng vẫn ở mức cao và chưa mang tính bền vững.

    Tỷ số giới tính khi sinh tỷ lệ thuận với trình độ hiểu biết của người mẹ và điều kiện kinh tế của các gia đình; nhiều gia đình khá giả, có điều kiện, một số cán bộ đảng viên vẫn vi phạm sinh con thứ ba trở lên (lựa chọn giới tính khi sinh ở lần sinh thứ 3 trở lên).

    Đồng chí Vũ Thị Bích Hạnh, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình thành phố báo cáo đánh giá thực trạng MCBGTKS của Việt Nam và thành phố Hải Phòng giai đoạn 2020- 2022

    MCBGTKS hiện vẫn đang là thách thức lớn đặt ra đối với đất nước và thành phố. Chính vì vậy Ngày Dân số thế giới 11/7 năm nay Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đưa ra chủ đề, thông điệp “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta” nhằm nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy bình đẳng giới để tạo điều kiện thực hiện những giấc mơ của 8 tỷ người trên thế giới.

    Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái, những người yếu thế và xây dựng luật pháp, chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra các quyết định đúng đắn.

    Quang cảnh Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích nguyên nhân, những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp giảm tình trạng sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh như: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, công nhân, viên chức người lao động thành phố về bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con cái, vấn đề mất cân bằng giưới tính khi sinh; Các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giưới tính khi sinh; Vai trò của nam nông dân trong việc chia sẻ với nữ giới thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản/ KHHGĐ, nuôi dạy và chăm sóc con cái, bảo vệ hạnh phúc gia đình thực hiện bình đẳng giới; Công tác kiểm tra các phòng khám siêu âm sản phụ khoa về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lựa chọn giới tính thai nhi; Thực trạng MCBGTKS tại một số địa phương trên địa bàn thành phố…

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích