Hội thảo khoa học Quốc gia về giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay

    16:42 04/11/2022

    Sáng 4/11/2022, Trường Đại học Hải Phòng đã tổ chức Hội thảo Quốc gia với chủ đề: “Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục Đại học hiện nay”.

    Tham dự Hội thảo có TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Hải Phòng; PGS.TS Phạm Thị Hồng Điệp - Phó Trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội); đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy; đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Khoa, Viện, Trung tâm trong toàn trường; các nhà khoa học, các nhà giáo trong và ngoài trường; các nhà khoa học, các nhà giáo đại diện lãnh đạo khoa, bộ môn Lý luận chính trị và pháp luật đến từ các Học viện, trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại Học Hải Phòng nhấn mạnh: Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật là những môn học cơ bản có vai trò quan trọng góp phần giáo dục, tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng và rèn luyện bản lĩnh, lập trường, tư tưởng chính trị, ý chí, niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận khoa học và cách mạng cho sinh viên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay trước ảnh hưởng của các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội phát triển đã và đang đặt ra hàng loạt vấn đề mới, đòi hỏi phải làm sáng tỏ cả về lý luận và thực tiễn trong nhiệm vụ giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học.

    Quang cảnh hội thảo

    Với mục đích tạo diễn đàn chuyên môn, học thuật nhằm tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các giảng viên giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước trong điều kiện hiện nay, Trường Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề “Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay”. Việc nghiên cứu vấn đề này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo trong giáo dục đại học tại Việt Nam.

    Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy tập trung, trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong giáo dục đại học; đánh giá thực trạng công tác giảng dạy đào tạo các môn lý luận chính trị và pháp luật, phân tích các kết quả đạt được.

    Đồng thời chỉ ra các hạn chế cần khắc phục từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh giáo dục đại học hiện nay.

    Các đại biểu tham luận tại hội thảo

    Trong đó tập trung vào 6 vấn đề lớn: Thống nhất giữa tính Đảng, tính khoa học, tính đổi mới trong giảng dạy các môn lý luận chính trị; Vận dụng những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam vào giảng dạy các môn lý luận chính trị; Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật trong bối cảnh đại dịch Covid; Giảng dạy lý luận chính trị và pháp luật góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nền kinh tế tri thức; Một số vấn đề đặt ra trong việc giảng dạy các môn lý luận chính trị sau ba năm thực hiện đổi mới chương trình theo quyết định 3056/BGDĐT ngày 19/7/2019; Một số vấn đề đặt ra trong giảng dạy pháp luật ở trường đại học (giáo dục Luật an ninh mạng, quyền con người… trong điều kiện hội nhập quốc tế).

    Trí Nguyễn

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông