Hội thảo triển khai Dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại thành phố Hải Phòng

17:43 02/03/2023

Sáng 2-3, tại thành phố Hải Phòng, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Hội LHPN thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo triển khai Dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan.

Trong những năm qua, số lượng người tại Hải Phòng di cư ra nước ngoài ra tăng dưới các hình thức khác nhau như: đi lao động nước ngoài, du học, thăm thân, du lịch…, đặc biệt là kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Trong khi đó, tội phạm mua bán người hiện nay sử dụng rất nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi, khó nhận biết, ứng dụng công nghệ cao trong quá trình lừa đảo, lôi kéo.

Đặc biệt trong thời gian gần đây, đã xuất hiện nhiều vụ việc các đối tượng dụ dỗ người lao động bằng các công việc nhẹ, lương cao để lừa bán, xuất cảnh người sang nước ngoài làm việc.

Quang cảnh hội thảo

Theo báo cáo tại hội thảo, tại Hải Phòng, năm 2022, lực lượng công an đã tiếp nhận 10 đơn trình báo về việc gia đình có con bị lừa bán sang làm việc tại Campuchia và yêu cầu nộp tiền để thả người; phát hiện 4 vụ việc liên quan mua bán người trong nội địa và bắt  giữ 7 đối tượng phạm tội mua bán người, trong đó có người dưới 16 tuổi.

Đồng chí Vũ Thị Thúy Hạnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo

Từ năm 2015 đến 2020, Hải Phòng có khoảng 6.200 người kết hôn với người nước ngoài, trong đó có trên 3.000 người kết hôn với người Hàn Quốc. Qua theo dõi hàng năm, số lượng người di cư lao động sang nước ngoài ở Hải Phòng khá đông, những nguy cơ, rủi ro mua bán người trong quá trình di cư lao động, kết hôn có yếu tố nước ngoài là rất cao.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Vũ Thị Thúy Hạnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người diễn ra với các phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng tinh vi, đa dạng. Với chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, đồng thời với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP của Chính phủ, Hội LHPN Việt Nam đã và đang có những hoạt động tích cực trong công tác phòng, chống mua bán người.

Trong đó, phải kể đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tư vấn, hỗ trợ phụ nữ di cư an toàn; triển khai hiệu quả nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng an toàn và bền vững.

Bà Trần Thị Hồng, cán bộ Dự án Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) chia sẻ tại hội thảo

Để góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với IOM thực hiện Dự án “Truyền thông phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” giai đoạn 2023-2025.

Dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” do IOM thực hiện với nguồn quỹ của Bộ Nội vụ Vương quốc Anh. Trọng tâm  nhằm phối hợp triển khai Dự án để nâng cao năng lực cho cán bộ trung ương và địa phương, đặc biệt tại các tỉnh/thành phố Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình để thực hiện các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người tại cộng đồng, hướng đến thay đổi hành vi của người dân, đặc biệt là nhóm phụ nữ, thanh niên trước những rủi ro và hậu quả của việc di cư không an toàn dẫn đến mua bán người.

Các đại biểu được chia sẻ các thông tin về tình hình mua bán người, di cư lao động tại địa phương

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận về tình hình mua bán người, di cư lao động tại địa phương, nhất là di cư trái phép, xác định cơ chế phối hợp để triển khai thực hiện Dự án trong thời gian tới trên địa bàn thành phố.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông