Hội thi Cây đàn tuổi thơ: Khơi dậy khát vọng nghệ thuật trong thanh thiếu nhi

10:08 14/01/2018

Trong số những bộ môn nghệ thuật, như: vẽ tranh, ca, múa, nhạc, dancesport và các môn nghệ thuật dân gian khác thì dường như gần gũi, gắn bó với thiếu nhi thành phố hơn cả có thể kể đến học nhạc, chơi đàn. Sức lan tỏa của phong trào tìm hiểu bộ môn nghệ thuật được coi là “chìa khóa” mở cánh cửa đến với nhiều môn nghệ thuật khác này trên đất Cảng một phần bắt nguồn từ gần 20 mùa giải Hội thi Cây đàn tuổi thơ của thiếu nhi thành phố...

Một tiết mục biểu diễn tại Hội thi Cây đàn tuổi thơ năm 2017

Niềm đam mê

Không thể phủ nhận, phong trào học các loại nhạc cụ, trong đó phổ biến nhất là organ, piano, guitar... ngày càng phát triển mạnh, lan tỏa sâu rộng, lôi cuốn nhiều người, đặc biệt xuất hiện xu hướng “trẻ hóa” hơn trước rất nhiều. Nếu như trước đây, chuyện học đàn ở học trò cấp 1, cấp 2 mới chỉ hiếm hoi thì chừng 5 năm trở lại đây con số này bắt đầu tăng đáng kể, thậm chí ngang bằng về số lượng so với đối tượng học chủ lực trước đó là người lớn, sinh viên.

Tại cơ sở dạy nhạc tại nhà của một nhạc sĩ tại quận Ngô Quyền hiện đang 2/3 số học viên là học sinh cấp 1 và cấp 2. Từ quan sát của một nhạc sĩ, thầy giáo âm nhạc rất tâm huyết với hoạt động phong trào, thầy dạy nhạc nhận định, có một “chuyển động” vui trong đời sống sinh hoạt âm nhạc của người dân là vài năm nay, nhu cầu học đàn ở các cháu độ tuổi thiếu niên, nhi đồng ngày càng tăng. Trong đó, lứa học sinh cấp 2 vì niềm đam mê với đàn đã chủ động đi học sau khi xin phép gia đình; còn với lứa tiểu học thì việc gia đình định hướng, kết hợp với việc bé bộc lộ năng khiếu đã được gia đình xác định thành mục tiêu lâu dài và khuyến khích, đầu tư, đưa đón đi học đàn.

“Điều ngạc nhiên, thú vị là vài năm gần đây, nhiều phụ huynh đã đưa các bé đang học tiểu học xin học guitar. Sau nhiều lần từ chối vì ngại sức khỏe các cháu không đáp ứng được, tôi vừa nhận một cậu nhóc năm nay lên lớp 6, vóc dáng to khỏe, triển vọng tiếp thu tốt. Với học trò độ tuổi tiểu học hay đầu THCS, da tay vẫn còn khá non nớt. Để hạn chế đau tay, thời gian đầu, tôi phải sử dụng loại dây đàn nylon và cấp thuốc để các cháu bôi để bảo vệ tay…”, một thày dạy guitar cho hay.

Nơi thu hút đông đảo học viên theo học và nâng đỡ những tài năng trẻ phải kể đến các câu lạc bộ tại các nhà văn hóa, cung văn hóa trên địa bàn thành phố. Câu lạc bộ (CLB) organ - piano Phượng Hồng là một “cái nôi” gây dựng phong trào và đào tạo hạt nhân âm nhạc đỉnh cao của Cung Văn hóa Lao động hữu nghị (LĐHN) Việt Tiệp. Đông đảo học viên ở mọi lứa tuổi, từ nhiều quận, huyện trong thành phố đến CLB để học tập.

Với sự giảng dạy tận tình, đầy trách nhiệm của các giáo viên, các em học sinh nhanh chóng vượt qua bỡ ngỡ và ngần ngại ban đầu, trở nên bạo dạn, tự tin, thể hiện xuất sắc những bản nhạc piano được học. Cũng từ đây, nhiều học sinh đã được phát hiện khả năng âm nhạc thiên bẩm và được các giảng viên nhiệt tình dồn tâm huyết đào tạo, rèn giũa, trở thành những tài năng piano. Lớp học piano của CLB là đơn vị có số lượng học viên tham gia đông nhất và cũng giành nhiều giải nhất của loại hình nhạc cụ này tại Hội thi Cây đàn tuổi thơ thành phố.

Cùng với đó, việc khuyến khích tài năng âm nhạc trong các nhà trường cũng trở nên phổ biến nhằm hướng tới sự phát triển toàn diện con người với đầy đủ các yếu tố: đức, trí, thể, mỹ... cho học sinh. Những năm gần đây, nhiều địa phương, cơ sở giáo dục trên thành phố Cảng đã đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, trong đó không thể thiếu những “tay đàn” lứa tuổi học trò, biểu diễn khá chuyên nghiệp trong các chương trình lớn do nhà trường, phòng giáo dục quận, huyện tổ chức...

Sân chơi lý thú, bổ ích cho tuổi học trò

Nhận thức được tầm quan trọng của âm nhạc trong sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần với thiếu niên nhi đồng, định kỳ 2 năm 1 lần, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hải Phòng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng phối hợp chỉ đạo Cung văn hóa thiếu nhi thành phố đăng cai tổ chức Hội thi Cây đàn tuổi thơ thu hút sự tham gia của các thí sinh đang học tập tại các trường tiểu học, THCS, đang sinh hoạt tại nhà văn hóa thiếu nhi các quận, huyện và Cung văn hóa thiếu nhi thành phố.

Tham gia hội thi, các thí sinh thể hiện khả năng âm nhạc của mình qua các nhạc phẩm trong và ngoài nước, trên các loại nhạc cụ: từ hệ dây đến hệ phím, từ nhạc cụ dân tộc như đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, đàn bầu, kèn, sáo… đến các nhạc cụ phương Tây như guitar, violon, piano và đàn phím điện tử (organ).

Năm 2017 là mùa giải thứ 18 Hội thi được tổ chức và trở thành một mô hình tiêu biểu trong toàn quốc về công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, đặc biệt là phát hiện tài năng nghệ thuật thiếu nhi. Hội thi còn là sân chơi bổ ích, nơi giao lưu học tập các kiến thức, kỹ năng cần thiết bên ngoài nhà trường cho các em thiếu niên nhi đồng thành phố. Hội thi Cây đàn tuổi thơ năm học 2017-2018 thu hút sự tham gia của 485 em thiếu niên nhi đồng tới từ các quận, huyện trong toàn thành phố. Sơ khảo của cuộc thi diễn ra từ ngày 30-11 đến 3-12-2017.

Các thí sinh tham gia tranh tài ở 4 bảng thi: Bảng A (nhạc cụ điện tử, piano - độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi); Bảng B (nhạc cụ điện tử, piano - độ tuổi từ 9 đến 11 tuổi); Bảng C (nhạc cụ điện tử, piano - độ tuổi từ 12 đến 15 tuổi); Bảng D (các nhạc cụ khác - độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi). 142 thí sinh xuất sắc được chọn tham dự vòng chung kết Hội thi diễn ra từ ngày 9 đến 10-12-2017. Kết quả, Ban tổ chức trao 35 giải Nhất, 35 giải Nhì và 72 giải Ba cấp thành phố.

Phó Giám đốc Cung văn hóa thiếu nhi thành phố Nguyễn Hữu Toàn đánh giá, hội thi năm nay tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ; nâng cao chất lượng giảng dạy, học âm nhạc trong nhà trường, góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh; tạo sân chơi bổ ích cho thiếu nhi.

So với những mùa giải trước, hội thi lần thứ 18 là hội thi đông nhất về số lượng thí sinh tham gia. Nếu như trong những hội thi trước, chất lượng thường tập trung ở độ tuổi 13 đến 15 tuổi thì ở hội thi này chất lượng đã được dàn đều và có nhiều em nhi đồng đã có kỹ năng biểu diễn rất tốt. Nhiều em có kiến thức cơ bản về âm nhạc, phong cách biểu diễn, kỹ thuật biểu diễn, kí xướng âm, hòa thanh, hòa tấu, phân tích xử lý tác phẩm.

Hội thi đã được triển khai rộng hơn và đã có nhiều em ở khối huyện tham gia và đạt giải như Kiến Thụy, Tiên Lãng, Cát Hải, An Lão, Thủy Nguyên… Nhiều đơn vị trường học đã có chất lượng và số lượng các em tham gia hội thi đông như trường THCS Trần Phú, THCS Hồng Bàng, Tiểu học Minh Khai, Tiểu học Chu Văn An, TH Đinh Tiên Hoàng, TH Lê  Hồng Phong. Hai đơn vị tổ chức tốt được trao giải phong trào là quận đoàn Hồng Bàng và quận đoàn Lê Chân...

Cũng theo đánh giá của Phó Giám đốc Cung thiếu nhi, qua mùa giải này có thể thấy, việc học biểu diễn nhạc cụ mới chỉ tập trung ở khối quận còn khối huyện vẫn ít và chất lượng chưa cao, số lượng các loại nhạc cụ tham gia chưa phong phú, các loại nhạc cụ truyền thống còn ít.

     HẢI HẬU

 

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích