Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng: Nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống

17:24 30/11/2017

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, xây dựng và phát triển, người dân vùng biển Hải Phòng đã sáng tạo ra nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian (VNDG) đặc sắc, góp phần làm phong phú cho nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Với mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong suốt những năm qua, Hội VNDG Hải Phòng đã làm tốt vai trò sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá và truyền dạy các giá trị văn hóa, VNDG đến các tầng lớp nhân dân trong và ngoài thành phố.

Một tiết mục hát xẩm được biểu diễn trong chương trình “Gặp mặt, giao lưu và nói chuyện về hát Xẩm” do Hội VNDG thành phố tổ chức tại đình làng Hào Khê, quận Lê Chân

Hải Phòng vốn nổi tiếng là mảnh đất với vị trí địa lý thuận lợi, là nơi sinh tụ các cư dân đến từ các tỉnh thành, thành phố phía Bắc về đây sinh cơ, lập nghiệp. Họ đã mang đến đây những phong tục, tập quán, văn hóa sinh hoạt của chính địa phương mình, làm phong phú thêm những sắc màu văn hóa, VNDG đặc sắc trong đời sống của người dân miền biển Hải Phòng.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn cuộc sống lao động và chiến đấu, người dân Hải Phòng đã sáng tạo ra nguồn văn hóa, VNDG phong phú, mang đậm chất vùng miền như tục ngữ, hát đúm với tục mở mặt ở Phục Lễ, hát Ca trù ở Đồng Môn, Thủy Nguyên; lễ hội Chọi trâu, hò gọi nghé tại Đồ Sơn; múa rối cạn, rối nước, thả đèn trời, thi đánh pháo đất tại Vĩnh Bảo; lễ hội Minh Thề, hát giao duyên ở đầm Cửa Phủ tại Kiến Thụy…

Những tục lệ và trò chơi đó đã tồn tại hàng ngàn năm ở Hải Phòng, là tiền đề để những di sản văn hóa, VNDG Hải Phòng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Và người dân vùng biển Hải Phòng ngày nay luôn tự hào được sống trong cái nôi sinh thành và phát triển một số di sản văn hóa, VNDG như Ca trù, hát Đúm, diễn xướng Chầu văn, hát Chèo, hát Xẩm, hát dân ca, múa rối nước, rối cạn, múa tứ linh,…

Văn hóa, VNDG của Hải Phòng rất phong phú, đa dạng, có đầy đủ các loại hình VNDG của khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Để bảo tồn, quảng bá các di sản văn hóa của tổ tiên để lại, Hội VNDG thành phố đã đẩy mạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá và truyền dạy các giá trị văn hóa, VNDG.

Trong suốt những năm qua, hàng nghìn tác phẩm văn hóa, VNDG được Hội VNDG sưu tầm; hàng chục đầu sách có giá trị cung cấp cho bạn đọc và làm tư liệu giữ tại hệ thống thư viện, bảo tàng, trường học của thành phố được xuất bản. Một số đầu sách có giá trị cao về nội dung về giá trị sử dụng và truyền bá lâu dài như cuốn sách “Thành hoàng làng Hải Phòng”, “Ca trù Hải Phòng thời gian nhìn lại”, “Đố giải câu đố bằng thơ về lịch sử”, cuốn sách hát Đúm, Phục Lễ, Thủy Nguyên…

Cùng với việc sưu tầm văn hóa, VNDG, việc bảo tồn quảng bá và truyền dạy các giá trị văn hóa, VNDG cũng được Hội VNDG đặc biệt chú trọng. Trên cơ sở mở các lớp học truyền nghề cho lớp trẻ kế thừa vốn VNDG, các nghệ nhân có tên tuổi hoạt động trong các loại hình nghệ thuật dân gian được mời về tham gia vào các câu lạc bộ VNDG để truyền dạy cho lớp trẻ những kinh nghiệm quý báu trong nghề, với các loại hình giảng dạy như đàn, hát chầu văn, dạy hát Ca trù, dạy hát Xẩm, dạy hát Chèo, sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, dạy múa rối cạn, rối nước, điêu khắc tạc tượng và tạo hình con rối.

Tiết mục múa rối cạn được nghệ nhân ưu tú Đào Minh Tuân biểu diễn tại nhà hát thành phố

VNDG là một hoạt động có tính cộng đồng, với nhiều màu sắc dân gian phong phú, hấp dẫn và luôn thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Chính điều đó đã tạo lợi thế cho Hội VNDG nắm bắt và tổ chức thành công nhiều cuộc liên hoan VNDG, góp phần quảng bá đến các tầng lớp công chúng trong và ngoài thành phố những cái hay, cái đẹp của loại hình văn hóa, VNDG.

Ông Nguyễn Đức Giang – Chủ tịch Hội VNDG Hải Phòng chia sẻ: “Văn hóa nghệ thuật nói chung, VNDG nói riêng rất cần những cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn để biểu diễn trong những ngày lễ lớn của cả nước và thành phố. Đồng thời, đó cũng là dịp kiểm định chất lượng mạnh yếu của các loại hình nghệ thuật, để tìm biện pháp uốn nắn, xây dựng và phát triển kịp thời. Ngoài ra, việc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ với các tỉnh bạn cũng là một cách thức để các nghệ nhân sưu tầm, học hỏi những nét đặc sắc trong các loại hình văn hóa, VNDG của các địa phương, làm phong phú hơn tư liệu trong giảng dạy, truyền nghề cho các học viên”.

Cũng theo ông Giang, mặc dù còn nhiều khó khăn trong công tác sưu tầm, quảng bá, truyền dạy văn hóa, VNDG song trong suốt 20 năm qua, Hội VNDG, đặc biệt là các câu lạc bộ (CLB) trực thuộc như CLB Ca trù, Ca trù Đồng Môn, CLB múa rối Minh Tân, múa rối Bảo Hà, múa rối làng Nhân Mục; CLB hát chèo, hát xẩm vẫn ngày ngày sáng đèn, hoạt động một cách sôi nổi, với mong muốn góp phần bảo tồn, duy trì và xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc.

Phạm Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông