Tới xã Kiền Bái (Thủy Nguyên, Hải Phòng), ấn tượng đầu của tôi là còn đường làng chìm trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Không còn nức lên mùi thơm ngào ngạt của hương thơm Kiền Bái, cũng không thấy những cơ sở sản xuất hương mà thương hiệu đã từng được khẳng định, chúng tôi tự hỏi liệulàng nghề làm hương này đã mai một?
| Thưa vắng làng nghề làm hương |
Để giữ thương hiệu, lận đận đủ đường
Hương Kiền Bái xưa nay vốn nổi tiếng nhờ mùi thơm độc đáo, cháy hết nén và tàn hương vòng xoắn lộc. Trước đây xã Kiền Bái có tới 60 hộ gia đình sản xuất hương quanh năm, xuất đi nhiều tỉnh thành trong cả nước. Vậy mà cho tới nay chỉ còn lại 3 cơ sở, số lượng các hộ sản xuất nhỏ lẻ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và đang dần chuyển sang nghề khác. Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được một trong ba xưởng sản xuất hương “may mắn” còn tồn tại.
Cô Ngọc - chủ cơ sở hương Thăng Ngọc - cười buồn lắc đầu: “Giờ tôi chẳng thiết làm hương nữa, được chăng ngày nào hay ngày ấy thôi. Giá nguyên vật liệu ngày càng đắt đỏ, nhập vào đã tốn kém lại thêm việc phải nuôi thợ. Ngày công bây giờ cũng phải trả họ từ 150 đến 200 nghìn đồng. Hương xuất ra lại không nhiều nên rất khó khăn để trả vốn cho ngân hàng”.
Nói xong, cô dẫn chúng tôi đi thăm quan xưởng làm hương do cô dốc vốn đầu tư từ nhiều năm nay. Tọa lạc trên mảnh đất rộng hàng trăm mét vuông, xưởng hương Thăng Ngọc giờ đây gần như bị bỏ hoang trong khung cảnh tiêu điều xơ xác. Hàng chục chồng hương đang nằm phơi lọt thỏm giữa khoảng sân rộng mênh mông. Hương phơi vẫn tỏa mùi thơm nồng đặc trưng của các vị thuốc bắc nhưng số lượng quá ít ỏi nên chẳng đủ tạo ấn tượng. Trong xí nghiệp rộng lớn ấy chỉ còn vài ba nhân công đang uể oải ngồi trộn bột, se hương…
Cô Ngọc trong chốc lát nhớ lại cũng khoảng sân này cách đây vài năm, hương không đủ chỗ phơi phải tràn ra cả đường, hàng chục nhân công lành nghề thoăn thoắn làm việc. Thời kì thịnh vượng ấy qua không lâu thì hương Kiến Bái đã nhanh chóng rơi vào tình trạng suy yếu bởi những tác động tiêu cực của nền kinh tế. Những người dân sống nhờ nghề sản xuất hương này hiện đang rất lúng túng trước công việc cho tương lai. Cô Ngọc chia sẻ ngoài làm hương ra cô cũng chẳng biết sẽ làm gì, vẫn may còn ít vốn liếng chuyển sang mở hàng may mặc.
Cùng lâm vào cảnh khó khăn như cô Ngọc, cô Lâm (chủ cơ sở hương Thanh Lâm) ngao ngán: “Nghề làm hương ở Kiền Bái có truyền thống từ đời cha ông tôi để lại và phát triển mạnh tầm 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên thời buổi bây giờ tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa đẩy mạnh, đất đai dành hết cho các khu công trường, xí nghiệp. Nhiều lao động có tay nghề chuyển tới đó làm để có thu nhập cao hơn. Ngay trong gia đình tôi các con cũng bỏ để làm nghề khác. Chỉ còn người già giữ nghề và trẻ em tranh thủ phụ giúp cha mẹ được đến đâu hay đến đó".
Làng nghề mai một, chính quyền ngoài cuộc
Hương Kiền Bái chưa kịp khẳng định dấu ấn trong lòng người tiêu dùng thì hiện giờ đã phải đối mặt với những nguy cơ đánh mất hoàn toàn nghề làm hương đã được gìn giữ bao năm nay. Không chỉ riêng hương Kiền Bái, nhiều làng nghề khác của thành phố Hải Phòng cũng đang dần bị mai một, thất truyền. Theo thống kê của cổng thông tin điện tử thành phố, Hải Phòng từng có hơn 60 làng nghề truyền thống với các loại hình đa dạng khác nhau. Song trải qua những biến đổi thăng trầm của đời sống kinh tế, xã hội, nay chỉ còn khoảng hơn 30 làng nghề tiếp tục duy trì phát triển.
Giải đáp những băn khoăn về việc vực lại nghề hương ở Kiền Bái, ông Nguyễn Trí Phương - Phó chủ tịch UBND xã Kiến Bái - bày tỏ quan điểm: “Xã Kiền Bái khác với những nơi khác, chỉ có duy nhất 1 làng văn hóa nên rất tập trung cho việc thờ cúng. Xã có đình làng, chùa và Từ phủ là địa danh di tích lịch sử kháng chiến đã được công nhận. Bởi vậy việc thờ cúng tín ngưỡng tâm linh ở đây rất được chú trọng, cần sử dụng nhiều hương. Theo chúng tôi quan sát, nghề làm hương không quá nặng nhọc, phù hợp với những đối tượng lao động không đòi hỏi trình độ cao, chỉ cần lành nghề nên dễ dàng hơn các nghề sản xuất khác”.
Ông Phương nhấn mạnh: “Thị trường hiện nay không đơn lẻ nên tôi thấy bà con phải tự biết hợp lí hóa sản xuất từ nguyên liệu đầu vào cho đến giá nhân công. Hơn nữa, vào mùa khô từ tháng 8 tới tháng giêng mới là mùa làm ăn lớn, sản xuất nhiều hương phục vụ lễ hội truyền thống nên đầu vào cũng dồi dào hơn, làm ăn khấm khá hơn”. Cũng theo ông Phương, việc vận động giá đầu vào hay chi trả nhân công là do các cơ sở sản xuất quyết định, nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Bên cạnh đó bản thân người làm cũng chưa có đề xuất với xã để gây dựng thương hiệu. Cho đến giờ chắc hẳn vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào được đề ra để giúp vực lại sức sống của nghề làm hương ở Kiền Bái.
Cùng làng nghề truyền thống hướng tới năm du lịch quốc gia 2013
Hiện nay với vị trí địa lí thuận lợi và dồi dào các di tích lịch sử, huyện Thủy Nguyên đang được coi là vùng đất rất có tiềm năng phát triển du lịch văn hóa của thành phố. Đình Kiền Bái thuộc huyện Kiền Bái vốn là ngôi đình cổ nhất Hải Phòng. Vậy nên việc phát triển du lịch văn hóa kết hợp phát triển làng nghề truyền thống trở thành hình thức quảng bá thương hiệu rất có ý nghĩa mà nhiều người hướng đến.
Sắp tới thành phố Hải Phòng sẽ vinh dự được đăng cai tổ chức sự kiện Năm du lịch quốc gia khu vực Đồng bằng sông Hồng 2013 với chủ đề: “Khám phá văn minh sông Hồng”. Quán triệt chủ trương “chuẩn hoá, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch chủ lực mang đậm bản sắc văn hoá”, đây là thời cơ tốt để những làng nghề truyền thống phát huy sức mạnh vốn có của chất lượng sản phẩm, đồng thời biến làng nghề trở thành yếu tố quan trọng trong công cuộc quảng bá du lịch thành phố. Bởi vậy không chỉ riêng làng Hương ở Kiền Bái, chính quyền các cấp cần phối hợp chỉ đạo quan tâm hơn nữa để bảo tồn phát huy nghề truyền thống của các địa phương đang có nguy cơ mai một.
ĐOÀN THU NINH |