Hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13: Dấu ấn Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng

16:14 24/01/2021

Theo chương trình đã được các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương thống nhất, một trong những nội dung quan trọng tại Đại hội 13 của Đảng là đánh giá kết quả 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020… đây là những dấu ấn mang tầm ý nghĩa to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có sự đóng góp xứng đáng của thành phố Hải Phòng.

 Một góc Thủ đô Hà Nội sau 35 năm đổi mới

          Kỳ 1-Bước ngoặt của con đường cách mạng

          Trải qua thăng trầm lịch sử, tính đến năm 1986 khi diễn ra Đại hội 6 của Đảng, có thể nói nền kinh tế Việt Nam đã phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề từ các cuộc chiến tranh vệ quốc.

Cùng với đó, sự cấm vận về mọi mặt của các thế lực đối lập, cùng với hạn chế nội tại từ nền kinh tế tập trung bao cấp, đã đẩy kinh tế đất nước vào tình trạng ngặt nghèo, sản xuất lạc hậu, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Đó cũng chính là bối cảnh đặc biệt của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình đất nước, tự phê bình về những sai lầm khuyết điểm, đổi mới tư lý luận trải qua nhiều tìm tòi, khảo nghiệm từ thực tiễn, Đại hội 6 của Đảng đề ra đường lối đổi mới.

Trước hết là đổi mới cơ cấu kinh tế (cơ cấu công – nông nghiệp; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp; ngành công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp; công nghiệp nặng và kết cấu hạ tầng; cơ cấu kinh tế huyện). Thực hiện ba chương trình kinh tế bao gồm chương trình lương thực, thực phẩm; chương trình hàng tiêu dùng; chương trình hàng xuất khẩu. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng và cải tạo đúng đắn các thành phần kinh tế. 

Có thể nói, Đại hội 6 của Đảng đã tạo một bước ngoặt vĩ đại, thổi luồng gió mới vào công cuộc cách mạng của Việt Nam. Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành quốc gia có nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ, không chỉ tăng trưởng về quy mô mà chất lượng cũng được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày một tăng cao.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế luôn đạt tốc độ cao, nếu như trong 4 năm đầu (1986-1990) tăng trưởng GDP mới đạt bình quân 4,4%/năm, thì những giai đoạn sau đó đã lên mức bình quân 7%/năm. Quy mô nền kinh tế được mở rộng đáng kể, GDP năm 2020 tăng khoảng 18 lần so với năm đầu đổi mới 1986, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.800 USD/người và thuộc các nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới.

Kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ ổn định, các thị trường vận hành thông suốt tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh. Tỷ lệ lạm phát dần được kiểm soát từ mức ba chữ số những năm đầu của thời kỳ đổi mới xuống mức mục tiêu 4% trong suốt giai đoạn 2016 - 2020.

Các thị trường vốn và tiền tệ có bước phát triển mạnh mẽ, hoạt động thông suốt và dần ổn định hơn. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực và phù hợp hơn với mô hình tăng trưởng.

Nền kinh tế dịch chuyển theo hướng hiện đại, tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ tăng nhanh, trở thành động lực tăng trưởng chính, trong khi tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống. Không chỉ cơ cấu kinh tế thay đổi mà cơ cấu nội ngành cũng dịch chuyển phù hợp trình độ phát triển của nền kinh tế. 

 Nền kinh tế đất nước liên tục tăng trưởng theo hướng hội nhập quốc tế

Đáng chú ý, nhiều động lực tăng trưởng mới được xây dựng bên cạnh khu vực doanh nghiệp nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân lực có kỹ năng, được đào tạo bài bản, có khả năng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh được chú trọng phát triển, tạo tiềm lực phát triển kinh tế hiện đại trên nền tảng khoa học - công nghệ.

 Hệ thống hạ tầng quốc gia được tập trung nguồn lực xây dựng một cách đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Bộ máy Chính phủ thực hiện tốt vai trò Chính phủ kiến tạo, nỗ lực xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để tập trung, chuyển hóa nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội. 

Tiêu dùng nội địa và đầu tư tiếp tục trở thành hai trụ cột quan trọng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong nước tăng liên tục, riêng trong 10 năm qua tăng trung bình khoảng 12,8%. Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đem lại nhiều cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh và chuyển giao công nghệ cho khu vực kinh tế trong nước. 

Môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng cao, quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh được cải thiện, với sự gia tăng mạnh mẽ của kinh tế tư nhân.

Đặc biệt, với thông điệp “Việt Nam mong muốn trở thành đối tác của tất cả ban bè thế giới”, những năm gần đây Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong hội nhập quốc tế.

Từ dấu mốc quan trọng khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2007, đến nay Việt Nam đã tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới hiện nay.

Từ những kết quả đạt được trong 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố vững chắc. Nói theo cách nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ to lớn, vai trò và vị thế cao như ngày nay”.

         Lê Minh Thắng (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông