10:37 07/10/2021 Tháng 4-2021, Thủ tướng Chính phủ chính thức ký ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030”. Quyết định có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương từng bước hiện thực hoá mục tiêu chung mà đề án hướng tới là nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai (PCTT), cán bộ chính quyền cơ sở, người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Qua đó, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động, tích cực tham gia vào công tác PCTT của đại đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra…
Mục tiêu phấn đấu…
Để đạt được mục tiêu chung trên, đề án đã xác định rõ một số mục tiêu cụ thể chia theo 2 mốc giai đoạn thực hiện. Theo đó, từ nay đến hết năm 2025, đề án phấn đấu nghiên cứu, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách liên quan tới các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng xuyên suốt từ TƯ đến địa phương.
Đội ngũ giảng viên, tập huấn viên các cấp được trang bị đầy đủ kiến thức về thiên tai, năng lực tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về thiên tai, kỹ năng ứng phó thiên tai tại cộng đồng; người dân ở các vùng thường xuyên xảy ra bão, lũ quét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt được phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai.
Đến hết năm 2030, phấn đấu 100% cán bộ, viên chức, cá nhân khi tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN thuộc đối tượng 4 và đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư được phổ biến về nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong phòng chống thiên tai; 100% người dân ở các xã thường xuyên xảy ra bão, lũ quyét, sạt lở đất, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn và ít nhất 50% người dân ở các khu vực khác được phổ biến kiến thức về thiên tai, kỹ năng PCTT, nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn.
100% các bậc đào tạo phổ thông đưa nội dung phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai vào một số môn học để giảng dạy. 100% số xã xây dựng, phê duyệt kế hoạch PCTT phải có sự tham gia của cộng đồng; 100 hộ gia đình được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai, chỉ đạo phòng tránh thiên tai.
Theo đó, nội dung của đề án được chia làm 3 hợp phần chính. Hợp phần 1 là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tài liệu hướng dẫn tổ chức thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Hợp phần 2 là nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác PCTT, cán bộ chính quyền các cấp về quản lý, triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Hợp phần 3 là tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Mỗi hợp phần gồm 6 hoạt động được xác định cụ thể, chi tiết.
Nguồn vốn thực hiện đề án bao gồm ngân sách nhà nước (TW, địa phương), quỹ PCTT các cấp; hỗ trợ từ các Chính phủ và tổ chức quốc tế; huy động từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
Để triển khai hiệu quả đề án, tại Quyết định 553 phê duyệt đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện các nội dung, mục tiêu của đề án. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ trì, hướng dẫn thực hiện đề án, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ, bảo đảm thiết thực, hiệu quả...
Thủ tướng giao UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương trong kế hoạch hàng năm, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định để triển khai các nội dung của đề án…
Chú trọng xây dựng, nhân rộng mô hình xã điển hình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng…
Hải Phòng là thành phố ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của các yếu tố thiên tai: bão, lũ, triều cường, mưa lớn, thời tiết nguy hiểm trên biển và các hệ quả thiên tai (sóng, nước dâng do bão, ngập lụt, bồi lắng, xói lở, xâm nhập mặn…), gây ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển KT-XH.
Theo thông kê của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố, trung bình hàng năm, Hải Phòng chịu ảnh hưởng của 3-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong đó có từ 1-2 cơn bão, ATNĐ đổ bộ trực tiếp. Các sông khu vực Hải Phòng chịu ảnh hưởng của lũ thượng nguồn, mưa lớn; triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 553, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 157/KH-UBND, ngày 5-7-2021 về thực hiện đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tại dựa vào cộng đồng đến năm 2030”.
Trước tác động tiêu cực của dịch Covid – 19, triển khai đề án, thành phố và các địa phương đang tập trung đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT. Theo đó, vừa qua, toàn thành phố đã tổ chức 45 buổi tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh; treo 28 pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền với các chủ để như: hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia PCTT, giảm nhẹ rủi ro thiên tai là công việc của tất cả mọi người, giảm nhẹ rủi ro thiên tai bắt đầu từ cộng đồng…
Đáng chú ý, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn thành phố đã có 217/217 xã, phường, thị trấn thành lập, củng cố Đội xung kích PCTT với tổng số thành viên là 16.030 người. Trong số đó có 89 Đội được đào tạo, tập huấn.
Đội ngũ cán bộ cấp xã tham gia trực tiếp công tác PCTT được tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ; trên 70% người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai được phổ biến kiến thức về phòng chống thiên tai. 95% các xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch PCTT, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai chủ yếu, thường xuyên xảy ra phù hợp với tình hình thiên tai ở địa phương, được rà soát, bổ sung hàng năm…
Tuy nhiên, hiện nay công tác PCTT, TKCN nói chung việc triển khai đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” của thành phố đứng trước những khó khăn, trở ngại nhất định.
Hiện, đội ngũ làm công tác PCTT các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm; nguồn lực tài chính, vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCTT, TKCN còn rất hạn chế, nhất là ở cấp huyện, xã. Thêm vào đó, hệ thống đê điều của thành phố còn nhiều vị trí xung yếu chưa đảm bảo an toàn phòng chống lụt bão…
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nội dung đề án đặt ra, tại Kế hoạch số 157, UBND TP đã giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình triển khai hợp phần 2 và 3 của đề án.
Cụ thể, triển khai hợp phần 2, UBND TP yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả 6 nhiệm vụ: đưa nội dung nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng vào kế hoạch bồi dưỡng kiến thức QP-AN hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), cá nhân; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCCVC thực hiện công tác PCTT cấp huyện, xã; tập huấn, nâng cao kiến thức về thiên tai, kỹ năng PCTT, tăng cường năng lực tuyên truyền cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện, xã; tập huấn, diễn tập nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội xung kích PCTT cấp xã; tổ chức diễn tập nâng cao năng lực PCTT, TKCN cấp huyện…
Ở hợp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; tăng cường năng lực, kỹ năng cho cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thành phố xác định rõ 7 hoạt động trọng tâm. Trong đó, chủ trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tới nhân dân, chính quyền cơ sở; lòng nghép nội dung PCTT vào một số môn học cho học sinh các cấp.
Đồng thời chú trọng xây dựng, cập nhật kế hoạch PCTT cấp xã; đặc biệt là xây dựng, nhân rộng mô hình xã điển hình về thực hiện nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; xây dựng các công trình quy mô nhỏ phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tại; lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm PCTT tại cộng đồng; phát triển cơ sở dữ liệu về quản lý rủi ro thiên tai, thông tin truyền thông, thực hiện lồng ghéo kế hoạch PCTT vào kế hoạch phát triển KT-XH…
Khánh Chi
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn