10:08 25/12/2022 Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, công tác Dân số-KHHGĐ của thành phố Hải Phòng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Chất lượng dân số được cải thiện, từng bước khống chế tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh. Thời gian qua, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các hoạt động về truyền thông, cung cấp dịch vụ Dân số - KHHGĐ đến người dân luôn được chú trọng và đảm bảo.
Kết quả đáng ghi nhận
Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, Chi cục DS-KHHGĐ thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng của người dân trong việc tham gia thực hiện các chính sách dân số.
Nhờ đó, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thành phố có những bước chuyển biến rõ rệt; việc xây dựng mô hình gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được người dân đồng tình hưởng ứng.
Từ đầu năm đến nay, công tác dân số trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến tháng 10 tháng năm 2022, toàn thành phố đã có hơn 19.626 bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh đạt 80%, trong đó có 51,5% bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc đủ 4 bệnh (hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau, bệnh Thalassemia) và 72,5% bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc đủ 3 bệnh (hội chứng Down, hội chứng Edward, hội chứng Patau). Có 14.986 trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân để tham gia sàng lọc đạt 65,15%, trong đó có 7.867 trẻ sơ sinh được sàng lọc đủ 5 bệnh (bệnh suy giáp trạng bẩm sinh, bệnh thiếu men G6PD, tăng sản thượng thận bẩm sinh, khiếm thính bẩm sinh, bệnh tim bẩm sinh).
Đến nay, toàn thành phố đã tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn cho 189.319 người, 7.816 cặp kết hôn đã được tư vấn, khám sức khỏe. Phấn đấu đến năm 2030, 75% tỷ lệ phụ nữ mang thai được tầm soát (sàng lọc trước sinh) ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát (sàng lọc sơ sinh) ít nhất 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến nhất nhằm hạn chế tối đa tỷ lệ dị tật trong quá trình mang thai và sinh ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, giảm áp lực về kinh tế cũng như tinh thần cho gia đình và xã hội khi nuôi dưỡng trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
Chi cục Dân số KHHGĐ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, tư vấn và giải đáp mọi thắc mắc thường gặp về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại trạm y tế, trung tâm y tế kết hợp với truyền thông nhóm nhỏ cho phụ nữ đang mang thai, chuẩn bị mang thai, nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn… tại địa phương giúp nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của sàng lọc ngày càng được nâng lên, tỷ lệ bà mẹ mang thai tham gia sàng lọc trước sinh và trẻ sơ sinh được khám sàng lọc ngày càng cao, góp phần nâng cao chất lượng dân số của thành phố.
Tại quận Hồng Bàng, kết quả thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh đạt được nhiều con số ấn tượng: Đối với chỉ tiêu về Tỷ lệ sàng lọc trước sinh: 89,56%; đạt 119,41% so với kế hoạch năm (so với kế hoạch thành phố giao là 75%) và vượt so với kế hoạch quận giao đầu năm (kế hoạch quận giao là 82,6%). Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh: 91,10%; đạt 111,09% so với kế hoạch năm (so với kế hoạch thành phố giao là 82%) và vượt so với kế hoạch quận giao đầu năm (kế hoạch quận giao là 82,6%).
Bà Nguyễn Thị Thành, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hồng Bàng, cho biết, để đạt được kết quả trên, Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hồng Bàng đã phối hợp với phòng văn hóa thông tin, Trung tâm Y tế, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên tuyên truyền, tư vấn nhóm nhỏ cho nhân dân, thanh niên và các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để nâng cao nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng của việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, nhất là bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh).
Kết quả thực hiện chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn quận Hồng Bàng rất khả quan với số buổi phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh 115 buổi với số tin bài 73. Cung cấp tổng số 9.877 tờ rơi và 10 băng rôn; 113 khẩu hiệu, tranh ảnh, sách mỏng. Phối hợp với Trạm Y tế phường tổ chức được hơn 367 buổi truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ, nói chuyện chuyên đề thu hút hơn 3.014 lượt người tham dự. Tổ chức được 13 hội nghị truyền thông thu hút trên 1.663 người tham dự. Ngoài ra còn đưa tin truyền thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, TikTok, Facebook… Fanpage Dân số Hồng Bàng.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng dân số vùng biên giới biển đảo và ven biển cũng rất được chú trọng. Mặc dù với vị trí địa lý cách xa trung tâm thành phố, nhưng với phương châm “Đi từng ngõ gõ từng nhà”, công tác truyền thông DS-KHHGĐ vẫn đến với từng hộ gia đình nơi đây.
Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền thông qua việc tổ chức 169 cuộc sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm, 2 buổi mít tinh, 515 buổi tư vấn nói chuyện chuyên đề SKSS/KHHGĐ thu hút hàng nghìn lượt người tham dự; cung cấp 51.369 ấn phẩm tờ rơi các loại và 670 panô, áp phích mới; phối hợp tư vấn trực tiếp tại Trạm y tế cho phụ nữ mang thai kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ như tiêm phòng, khám thai định kỳ, chế độ làm việc, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt, vệ sinh, theo dõi các dấu hiệu bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.
Gia tăng nhân lực, nâng cao chất lượng cơ sở
Thực tiễn công tác chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, cũng như kết quả thực hiện Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh trong thời gian qua cho thấy kết quả tốt, sức khỏe người dân nhìn chung ổn định. Tuy nhiên số lượng các y bác sĩ và chất lượng cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã/thị trấn vẫn còn hạn chế.
Điển hình như, Quận Hồng Bàng trong quá trình phát triển đô thị hóa của quận, việc sắp xếp sáp nhập các tổ dân phố theo Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng, toàn quận từ 191 tổ dân phố với 111 cộng tác viên, sau sáp nhập tổ dân phố có 80 tổ dân phố và 80 cộng tác viên dân số (trong đó có 56 CTV cũ, 24 CTV mới) việc thay đổi một số cộng tác viên, địa bàn rộng khó nắm bắt quản lý địa bàn, việc triển khai một số biểu mẫu báo cáo chuyên ngành dân số mới dẫn đến việc quản lý dân số, quản lý biến động cơ học, quản lý đối tượng cũng như công tác truyền thông, tư vấn tại hộ gia đình gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các trạm y tế địa phương còn nhiều hạn chế.
Nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững, vậy nên cần có sự gia tăng nhân lực, nâng cao chất lượng cơ sở tại địa phương và cần thêm nhiều hơn các chính sách hỗ trợ quan tâm đến khám, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, cũng như kết quả thực hiện Chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh.
Duyên Phương
15:49 22/12/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết