Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh): Xây dựng thương hiệu miến dong thành sản phẩm chủ lực

23:51 16/12/2017

Từ một nông sản truyền thống với thị phần nhỏ hẹp, sau hơn 5 năm được đăng ký thương hiệu, đến nay miến dong Bình Liêu đã trở thành một trong những sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương, được biết đến trên thị trường khu vực và cả nước...

Phơi bột miến. Ảnh: QTV

Xây dựng thương hiệu

Chiều 29-11, huyện Bình Liêu (tỉnh Quảng Ninh) công bố thu hồi nhãn hiệu “Miến dong Bình Liêu” đối với cơ sở sản xuất miến của ông Trần A Chiu, tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu) do vi phạm quy định. 

Trước đó, ngày 26-11, Đội QLTT số 10 phát hiện hộ ông Trần A Chiu thu mua 30,2 tấn củ dong từ huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) để sản xuất "Miến dong Bình Liêu".

Theo Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” của UBND huyện và Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 218279 (được cấp theo Quyết định 2393/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN), hành vi này vi phạm về quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Miến dong Bình Liêu” đã được cấp cho huyện Bình Liêu, làm tổn hại uy tín, danh tiếng của sản phẩm, nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ.

Đây là một hành động kiên quyết của chính quyền địa phương nhằm bảo vệ uy tín và danh tiếng của sản phẩm miến dong Bình Liêu.

Sản phẩm miến dong là một nông sản truyền thống tại huyện Bình Liêu. Song chỉ từ 5 năm trước, việc xây dựng thương hiệu mới trở thành chiến lược phát triển lâu dài cho sản phẩm này.

Trước hết, đáp ứng nhu cầu thu mua nguyên liệu ngày càng cao của các cơ sở sản xuất, huyện đã vận động và hỗ trợ giống, vốn để bà con phát triển vùng nguyên liệu.

Năm 2013, vùng nguyên liệu trên toàn huyện đạt gần 156ha dong riềng, tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước; phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 250ha.

Theo đó, năng suất trung bình đạt trên 40 tấn/ha; với giá thu mua đạt 3000đ/kg ở thời điểm hiện tại, cho thu nhập khoảng trên 120 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với các giống cây trồng khác. 

Thái miến bằng máy. Ảnh: QTV

Cây dong riềng từ chỗ trồng nhỏ lẻ, nay đã có cơ hội phát triển thành vùng nguyên liêu rộng lớn, giúp người dân thoát nghèo, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn Bình Liêu. 

Về sản xuất, năm 2007-2008, huyện Bình Liêu đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền thương hiệu đặc sản miến dong Bình Liêu, có đăng ký mã số mã vạch đồng thời khuyến cáo đồng bào trồng, chăm bón dong riềng không dùng hoá chất độc hại đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại nhiều cơ sở chế biến miến trên địa bàn huyện hiện đã có bao bì, mẫu mã riêng cho chính sản phẩm của cơ sở mình. Các cơ sở đầu tư, lắp đặt dây chuyền sản xuất miến dong tự động, qua đó tạo năng suất cao, đồng thời sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi ra đến thị trường tiêu thụ...

Hiệu quả rõ nét

Hiện nay, nhiều hộ sản xuất miến ở Bình Liêu đã đưa máy móc thay thế sức lao động vào các khâu sản xuất từ khâu vận chuyển củ dong, cắt rễ, rửa củ dong đến khi thành phẩm, đảm bảo vệ sinh trong sản xuất và chế biến cũng như giảm thời gian, công sức lao động.

Dây chuyền sản xuất miến dong tự động của gia đình ông Trần Đức Hiệp, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu được lắp đặt và đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Trước đây, khi chưa có hệ thống máy này, mọi công đoạn chế biến miến chỉ được làm bằng tay, giã thủ công, mất rất nhiều thời gian, năng suất thấp, chỉ 1 tạ bột/ngày, tương đương với 50 cân miến.

Đóng gói miến thành phẩm. Ảnh: QTV

Hiện nay, thời gian chế biến miến đã giảm, năng suất tăng cao. Trung bình một ngày cơ sở của ông Hiệp sản xuất được hơn 1 tạ miến, lợi nhuận hàng năm trên 30 triệu đồng và giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại địa phương. 

Dù nhiều công đoạn sản xuất được thay thế bằng máy móc nhưng người dân Bình Liêu vẫn tuân thủ nghiêm những bí quyết truyền thống từ bao đời nay để cho ra thị trường những sợi miến thành phẩm có chất lượng tốt, dai và không nát khi nấu.

Đến huyện Bình Liêu những ngày này, trên các con đường, thửa ruộng, ngoài sân, có thể thấy hàng ngàn phên miến dong đang đón nắng. Một không khí lao động hăng say, khẩn trương, ánh lên niềm vui và sự phấn khởi trên những gương mặt đẫm mồ hôi của các cô, các chị thợ làm miến. 

Ở xã Đồng Tâm, 73 lao động của cơ sở sản xuất miến dong Công ty Thương mại và dịch vụ Bình Liêu đang hăng say, khẩn trương làm việc. Người lái máy xúc, xúc củ dong; người phụ trách máy rửa củ, người nghiền, trộn bột, người tráng bánh, phơi bánh, người cắt bánh thành sợi, người đóng gói, giao hàng… tất cả các khâu đều được đảm bảo đúng quy trình.

Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Bình Liêu, chủ cơ sở sản xuất miến dong lớn nhất Bình Liêu cho biết, để đảm bảo nguồn hàng hóa đưa ra thị trường vào dịp cuối năm, cơ sở đã phải tăng nhân công, tăng ca, tăng thiết bị sản xuất.

Đến thời điểm này, cơ sở đã đưa bảo sử dụng 2 dây chuyền sản xuất để mỗi ngày có thể sản xuất được 2,5 - 3 tấn miến thành phẩm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng miến của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

NHẬT LAM

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông