Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 Nhiều vấn đề đáng quan tâm trong phát triển nguồn điện và công trình điện tại Hải Phòng

11:21 21/06/2024

Ngày 15-5-2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định số 500 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8). Ngày 1-4-2024, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký ban hành quyết định số 262 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, có hiệu lực kể từ ngày ký. Đây là tin vui đối với cả nước, trong đó có thành phố Hải Phòng; các doanh nghiệp sau một thời gian dài chờ đợi. Từ Quy hoạch điện 8 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, việc phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải của Hải Phòng có được định hướng rõ ràng, cụ thể, là cơ sở để thành phố kêu gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của Hải Phòng.

                                                                         Bảo đảm điện đi trước một bước

          Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 nêu rõ mục tiêu là triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch điện 8, xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch điện 8, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước. Cùng với đó, thực hiện chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hướng tới các mục tiêu đã cam kết theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.

 Đồng thời, xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo Quy hoạch điện 8 trong thời kỳ quy hoạch; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện; định hướng cho các Bộ, ngành và UBND  các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện 8.

Khu vực ngoài khơi đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng được nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất phát triển điện gió

          Yêu cầu đặt ra là phải bám sát mục tiêu, định hướng của Quy hoạch điện 8, cụ thể hóa được các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;  bảo đảm phát triển nguồn điện cân đối theo vùng, miền, hướng tới cân bằng cung - cầu nội vùng; bảo đảm  tính khả thi, đồng bộ và linh hoạt trong phát triển nguồn, lưới điện phù hợp với bối cảnh, nguồn lực quốc gia.

Đồng thời, xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các đề án, dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường năng lực khoa học công nghệ của ngành điện trong thời kỳ quy hoạch; xác định cụ thể danh mục, tiến độ các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện bao gồm lưới điện liên kết khu vực trong thời kỳ quy hoạch; danh mục, tiến độ các dự án năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió trên bờ, điện sinh khối, điện sản xuất từ rác...) cho từng địa phương tới năm 2025; huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển điện lực; bảo  đảm tính tuân thủ, kế thừa, đồng bộ với các quy hoạch ngành, kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp quốc gia được duyệt, bảo đảm tính liên kết, thống nhất trong thực hiện.

                                             Có gì đáng lưu ý trong quy hoạch, kế hoạch điện 8 liên quan tới Hải Phòng

           Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW. Theo đó, khu vực Bắc bộ, trong đó có Hải Phòng được phân bổ là 2500 MW giai đoạn 2023- 2030.  Công suất nguồn điện gió trên bờ (trên đất liền và gần bờ) đến năm 2030 của Bắc bộ là 3.816 MW, trong đó Hải Phòng chỉ được phân bổ 2,3 MW. Công suất nguồn điện sản xuất từ rác giai đoạn 2023-2030 là 424 MW, Hải Phòng được phân bổ  40 MW. Theo đó, Hải Phòng có 2 dự án gồm Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện tại xã Trấn Dương, huyện Vĩnh Bảo công suất 20MW; Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện Đình Vũ, giai đoạn 1 công suất 20 MW, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030. 

           Về công suất nguồn điện mặt trời mái nhà tăng thêm giai đoạn 2023-2030 là 927 MW thì  Hải Phòng được phân bổ 107 MW.

           Kế hoạch cũng chỉ rõ sẽ nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030. Trong đó có Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc bộ đặt tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình ... Trong tương lai có thể xem xét mở rộng ra các khu vực lân cận. Theo đó, quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW. Cùng với đó là các nhà máy chế tạo thiết bị phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, dịch vụ cảng biển, hậu cần phục vụ xây lắp, vận hành, bảo dưỡng; các khu công nghiệp xanh, phát thải các bon thấp; các cơ sở nghiên cứu, đào tạo...

          Về hệ thống lưới điện, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 quy định khá rõ cho khu vực Hải Phòng. Cụ thể, trong danh mục các trạm biến áp 500kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành giai đoạn 2026- 2030, Hải Phòng có 1 trạm công suất 1800 MVA xây mới do Nhà nước đầu tư.

                 Khu vực dự kiến xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghiệp đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An

          Về danh mục các đường dây 500 kV xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2026- 2030, sẽ có đường dây Hải Phòng- Thái Bình được xây mới, đấu nối với TBA 500kV Hải Phòng. Trong danh mục các trạm biến áp 220kV xây mới và cải tạo khu vực miền Bắc đưa vào vận hành, Hải Phòng có  trạm Vật Cách cải tạo giai đoạn 2026-2030 do Nhà nước đầu tư; trạm Nhiệt điện Hải Phòng được cải tạo đạt công suất 500 MVA bằng nguồn xã hội hóa; trạm Thủy Nguyên công suất 500 MVA được Nhà nước đầu tư, cải tạo, hoàn thành giai đoạn 2023- 2025; trạm Dương Kinh do Nhà nước đầu tư, xây mới công suất 500 MVA, thực hiện trong giai đoạn 2026- 2030 chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 2021-2025  Máy 1 (250 MVA); giai đoạn 2026-2030 Máy 2 (250 MVA). Các trạm An Lão, Cát Hải cùng có công suất 500 MVA được xây mới giai đoạn 2026- 2030 bằng nguồn ngân sách. Các trạm Đồ Sơn, Tiên Lãng, Đại Bản cùng có công suất 250 MVA được xây mới trong giai đoạn 2026- 2030.

          Về danh mục đường dây 220 kV được xây mới và cải tạo đưa vào vận hành giai đoạn 2026- 2030, Hải Phòng có đường dây xây mới An Lão- Rẽ Đồng Hòa- Thái Bình số mạch nhân với km là 4x2 đấu nối với TBA 220 KV An Lão; đường dây Cát Hải- Đình Vũ 2x12 xây mới (trường hợp không mở rộng được ngăn lộ trạm biến áp 220 kV Đình Vũ, xem xét đấu chuyển tiếp 1 mạch đường dây 220 kV Đình Vũ - Dương Kinh); đường dây Dương Kinh- Rẽ Đồng Hòa- Đình Vũ 4x3 xây mới, đấu nối với TBA 220kV Dương Kinh đồng thời chuyển đấu nối Hải Dương 2- Đồng Hòa và Đồng Hòa- Đình Vũ thành Hải Dương 2- Đình Vũ vận hành giai đoạn 2023-2025; đường dây Nam Hòa- Cát Hải 2x12 xây mới.

Đối với đường dây 500 kV Hải Phòng - Gia Lộc 2x35 xây mới, kế hoạch nêu rõ tên dự án Đường dây 220 kV 500kV Hải Phòng - Gia Lộc được thống nhất, chuẩn xác theo Quyết định 262  và thay thế cho tất cả tên gọi của dự án xuất hiện trong các văn bản pháp lý khác như: đường dây 220 kV Hải Phòng 500 kV - Gia Lộc; đường dây 220 kV TBA 500 kV Hải Phòng - Gia Lộc; Gia Lộc - Hải Phòng 500kV...

           Ngoài ra còn có đường dây Hải Phòng 500kV- Dương Kinh 2x8 xây mới; Hải Phòng 500kV- Tiên Lãng 2x14 xây mới, đấu nối TBA 220kV Tiên Lãng; Bắc Bộ 1- Đồ Sơn 2x10 xây mới bằng nguồn xã hội hóa, đồng bộ theo quy mô và tiến độ nguồn điện khu vực; Đồ Sơn- Dương Kinh 2x8 xây mới, đấu nối TBA 220kV Đồ Sơn; Đại Bản- Rẽ Hải Dương 2- Dương Kinh 4x2 xây mới, đấu nối TBA 220kV Đại Bản…

          Như vậy, Quy hoạch Điện 8 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 đã xác định rất rõ nguồn điện; hệ thống lưới điện cho Hải Phòng. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng,  khó khăn nhất hiện nay là cả Kế hoạch phân bổ nguồn điện gió ngoài khơi chung khu vực Bắc bộ là 2.500 MW mà không phân định cụ thể cho các tỉnh, thành phố. Đây là điều khó khăn cho Hải Phòng trong kêu gọi các dự án đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi. Ngoài ra, mức phân bổ điện mặt trời mái nhà cho Hải Phòng chỉ có 107 MW trong khi hiện tại các KCN, các đơn vị đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà của Hải Phòng đã lên tới 143 MW.

          Tuy nhiên, Hải Phòng có thuận lợi lớn khi 2 nhà máy đốt rác phát điện đã được đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 với công suất 40 MW, mỗi nhà máy 20 MW. Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng đã đăng tải công khai Hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghiệp đốt rác phát điện tại Đình Vũ, quận Hải An với tổng mức đầu tư 2.499 tỷ đồng. Dự án có  mục tiêu  xử lý 1000 tấn rác sinh hoạt/ngày và phát điện khoảng 20MW, được coi là  một dự án mang tính đột phá, mang tính chiến lược của thành phố Hải Phòng. Dự án sẽ có quy mô sử dụng khoảng 10,56ha đất, trong đó, diện tích xây dựng nhà máy khoảng 9,54ha, diện tích để xây dựng đường giao thông kết nối với bên ngoài khoảng 1,02ha.

          Như vậy, sau khi Quy hoạch điện 8, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 được phê duyệt, Hải Phòng đã có những bước đi quan trọng để triển khai. Thời gian tới, thành phố sẽ làm việc với các Bộ, ngành Trung ương nhằm tháo gỡ, giải quyết khó khăn về công suất phân bổ nguồn điện gió ngoài khơi và điện mặt trời mái nhà để có giải pháp phù hợp kêu gọi đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển./.

                                                                                                                            Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông