Khắc phục tình trạng sai sót thông tin về tiêm chủng của người dân trên hệ thống quản lý tiêm chủng

    08:33 10/10/2021

    Thời gian qua, nhiều người dân cho biết dù họ đã tiêm đủ 2 liều vắc xin Covid-19 nhưng không có mã QR trên Sổ sức khỏe điện tử trong mục Chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19. Tình trạng này đang khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Bởi nếu thông tin tiêm chủng chưa được cập nhật trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc cập nhật nhưng sai sót có thể gây nhiều khó khăn sau khi cần xuất trình chứng nhận tiêm vắcxin, nhất là khi nhiều địa phương trong cả nước đã lên kế hoạch triển khai "thẻ xanh Covid-19" để người dân tham gia các hoạt động lao động, sản xuất và sinh hoạt xã hội dựa theo mức độ kiểm soát dịch.

    Tính đến thời điểm hiện tại, các cơ sở y tế trên toàn quốc, trong đó có Hải Phòng chưa sử dụng nền tảng tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 một cách triệt để, đồng bộ. Nhiều dữ liệu tiêm chủng tồn tại ngoài hệ thống; thông tin của người dân đưa lên hệ thống còn nhiều sai sót, từ khâu đăng ký, nhập đuổi thông tin…

    Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (Sở Y tế), tính từ đợt 1 (ngày 11-3) đến sáng 10-10, tổng số mũi tiêm đến thời điểm hiện tại: 1.335.408 (gồm: 949.037 mũi 1;  386.371 mũi 2). Sau khi tiêm vắc xin, người dân được cơ sở thực hiện tiêm cấp giấy chứng nhận tiêm vắc xin với đầy đủ thông tin về số mũi, ngày tháng được tiêm, loại vắc xin được tiêm, lịch hẹn tiêm mũi 2 (nếu đã tiêm mũi 1)… Tuy nhiên, chất lượng giấy, khổ giấy, màu sắc giấy chứng nhận ở mỗi nơi mỗi khác, không theo mẫu chung. Vì là giấy chứng nhận nên việc giữ gìn khó khăn, nhất là với người thường xuyên phải di chuyển, sử dụng giấy chứng nhận nhiều lần. Chưa kể, một số trường hợp sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng giả hòng “qua mặt” lực lượng chức năng.

    Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng nhập dữ liệu người tiêm vaccine trên nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

    Trước thực trạng trên, cùng với yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) triển khai nền tảng tiêm phòng Covid-19 trên phần mềm của Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.moh.gov.vn hoặc phần mềm “Sổ Sức khỏe điện tử” nhằm giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện đồng thời bảo đảm vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu.

    Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết: Đến thời điểm này, có khoảng hơn 80% lượng thông tin tiêm chủng của những người đã tiêm vắc xin Covid-19 trên địa bàn thành phố được cập nhập trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia.

    Theo phản ánh, khá nhiều người dân bức xúc vì gặp khó khăn khi cần đến thông tin tiêm chủng. Khi tra cứu thông tin mũi tiêm vắc xin Covid-19 trên ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, có trường hợp mặc dù tiêm đủ 2 mũi nhưng hệ thống báo chưa tiêm mũi nào hoặc mới tiêm một mũi. Thậm chí, có trường hợp tra cứu 2 thời điểm khác nhau thì nhận được 2 kết quả khác nhau, khiến người dân lo lắng.

    TS.BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết: Những dữ liệu không khớp với thông tin của người dân trên hệ thống tiêm chủng Covid-19 do nhiều nguyên nhân. Có thể thông tin người dân cập nhật trên 2 ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” hoặc do đơn vị y tế cập nhập trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid- 19 quốc gia bị nhầm lẫn. Có thể do cơ sở tiêm chủng cập nhật lên hệ thống chậm nên khi tiêm xong, người dân chưa tra cứu được dữ liệu của mình trên hệ thống. Hoặc do chưa chuẩn bị kỹ nên khi triển khai tiêm, một số cơ sở y tế không thể cập nhật thông tin ngay tại thời điểm người đến tiêm khai báo, do đó khi cập nhật dữ liệu về sau dẫn đến những sai sót, nhầm lẫn. Được biết, hiện trên địa bàn thành phố mới có một vài bệnh viện tiên phong thực hiện quy trình cập nhật dữ liệu lên hệ thống song song với quá trình tiêm chủng, còn các cơ sở y tế khác gặp khó khăn do chưa sử dụng nền tảng tiêm chủng Covid-19 một cách triệt để.

    Để khắc phục tình trạng thông tin về tiêm chủng của người dân trên hệ thống còn thiếu hoặc chưa có, ông Nguyễn Trường Nam, Phó cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Cục Công nghệ thông tin phối hợp đơn vị phát triển phần mềm, đề nghị rà soát và khắc phục khẩn trương lỗi kỹ thuật đồng bộ dữ liệu gặp trục trặc, gây mất thông tin tạm thời khi số lượng người dùng phần mềm tăng đột biến trong cùng thời điểm. Đơn vị phát triển phần mềm nhanh chóng tăng hiệu năng xử lý của hệ thống, rà soát việc đồng bộ dữ liệu và chuẩn hóa các dữ liệu. Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở y tế, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế, các đơn vị liên quan đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở y tế trên địa bàn ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ đầu mối chịu trách nhiệm về công tác nhập dữ liệu, triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.

    Đồng thời, tổ chức lực lượng tiếp nhận phản ánh, kiểm tra, xác minh, kiểm duyệt thông tin phản ánh của người dân, tổ chức thông qua Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn/login.

    Về phía địa phương, TS.BS Nguyễn Quang Chính cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ có số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về chứng nhận tiêm vắc xin, chịu trách nhiệm thực hiện xử lý các phản ánh hoặc hướng dẫn người dân tự phản ánh chỉnh sửa thông tin khi truy cập đến Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 theo đường link

     https://tiemchungcovid19.gov.vn/login

    Để xử lý các phản ánh chứng nhận tiêm vaccine, người dân liên hệ đến số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 hoặc truy cập đường dẫn https://tiemchungcovid19.gov.vn, chọn mục “Phản ánh thông tin” (màu cam, phía bên phải giao diện website) hoặc truy cập đường dẫn

     https://tiemchungcovid19.gov.vn/portal/portal-report. Điền đầy đủ các thông tin cần thiết, như: họ tên, ngày tháng năm sinh, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, tỉnh/thành phố… Tiếp đó, lựa chọn một trong 3 loại phản ánh phù hợp với mình, điền thông tin của mũi tiêm và tải ảnh chụp hoặc file “Giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19”, nhập mã xác nhận và bấm “Gửi phản hồi”. Cuối cùng, nhập mã OTP nhận được từ số điện thoại cung cấp tại bước 2 vào phần “Xác thực OTP” và bấm “Xác nhận” để kết thúc phản ánh.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông