Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15

14:37 20/10/2022

Sáng 20-10, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa 15 khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 4. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 21 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 15-11-2022). Trước giờ khai mạc kỳ họp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các đại biểu dự phiên khai mạc

          Dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; nguyên Ủy viên Thường vụ nguyên Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt; nguyên Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm.

           Cùng dự phiên khai mạc có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và lãnh đạo các địa phương; các Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các vị đại biểu Quốc hội thuộc 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và lãnh đạo các địa phương; các đại biểu, Đại sứ, Đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.

                                                                        Chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng kỳ họp thứ 4

         Phát biểu khai mạc kỳ họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các vị đại biểu Quốc hội, các vị khách quý, đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế đã đến dự phiên khai mạc Kỳ họp và gửi đến quý vị đại biểu cùng toàn thể cán bộ, chiến sĩ, cử tri, Nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

                                         

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc

         Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, Quốc hội đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ 3 và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất; đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, “từ sớm, từ xa” cho Kỳ họp thứ 4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 3 phiên họp thường kỳ, 2 phiên họp chuyên đề và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 2 về công tác xây dựng pháp luật. Đồng thời, đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”; chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội biên tập, xây dựng và gửi tới đại biểu Quốc hội nhiều báo cáo giám sát, báo cáo chuyên đề, tài liệu, tạp chí nghiên cứu chuyên sâu  phục vụ thiết thực cho Kỳ họp thứ 4.

         Theo Chủ tịch Quốc hội, như thường lệ, kỳ họp cuối năm bao giờ cũng có khối lượng công việc rất lớn. Tại phiên họp trù bị, với tinh thần “lấy chất lượng Kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, các vị đại biểu Quốc hội đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong 21 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định các nội dung quan trọng.

                                                               Nhiều nội dung quan trọng được xem xét, quyết định

          Tại kỳ họp, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

        Chủ tịch Quốc hội, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ các báo cáo, tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm nổi bật của năm 2022, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua; chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên khai mạc

       Trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương…

          Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết gồm: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn, sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá.

          Quốc hội cũng thảo luận, cho ý kiến 7 dự án luật khác, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Phòng thủ dân sự. Đây là khối lượng công việc lập pháp rất nặng nề, vừa có phạm vi rộng lớn, vừa chứa đựng những vấn đề chuyên sâu, trong đó có những dự án luật ngay trước thềm Kỳ họp đã thu hút được sự quan tâm sâu sắc của dư luận, cử tri và Nhân dân cả nước.

           Chủ tịch Quốc hội cho biết, đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án, dự thảo đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo sát sao, các cơ quan có liên quan đã phối hợp chặt chẽ, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, nhất là đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 và Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 2, ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội. 

                      

Quang cảnh phiên khai mạc

                   Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các vấn đề lớn, các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua các dự án luật và dự thảo nghị quyết.

      Các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này đều rất quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và các Nghị quyết của Trung ương. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

      Trong quá trình thảo luận, xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật rất quan trọng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội quan tâm một số vấn đề:

    Một là, cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời thành các quy định cụ thể; chỉ đưa vào Luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định hướng của Trung ương;

      Hai là, kế thừa các quy định mang tính chất ổn định với thực tiễn, phù hợp của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược, lâu dài; không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn;

     Ba là, giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai;

     Bốn là, tách bạch rõ để đưa vào Luật những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư, bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, tính phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững;

      Năm là, cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, luật hóa những nội dung trong các văn bản quy định chi tiết thi hành luật đã được áp dụng phù hợp với thực tiễn, hiệu quả thời gian qua.

                  

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp

       Về hoạt động giám sát, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4; báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022.

          Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là nội dung giám sát quan trọng, có quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên cấp bách trên nhiều lĩnh vực được các vị đại biểu Quốc hội, Nhân dân và cử tri cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng, mong muốn tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước ở Trung ương và địa phương.

          Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những lĩnh vực, những địa bàn, những địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng, làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chuyên đề giám sát này.

           Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế. Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực Nghị quyết này và một số vấn đề quan trọng khác.

                       Quốc hội chia sẻ những khó khăn, mất mát của đồng bào chịu thiệt hại bởi mưa bão, ngập lụt

      Trong phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ  chia sẻ, trong những ngày qua, tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, gây ngập lụt trên diện rộng, làm thiệt hại nhiều về tài sản và tính mạng của nhân dân Miền Trung. Quốc hội gửi lời chia sẻ những khó khăn, mất mát và đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự nỗ lực vượt khó của Nhân dân để giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Rất mong các địa phương sớm khắc phục và nhanh chóng ổn định đời sống của người dân, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chăm lo sức khỏe và an sinh xã hội cho đồng bào.

          Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tiếp nối và phát huy những thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa 13 với những quyết sách quan trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung cốt lõi và vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, kỳ họp lần này phải thể hiện đậm nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - như phát biểu bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

          Với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy được cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15 sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra và thành công tốt đẹp.

                                                        Kinh tế xã hội năm 2022 có bước phát triển vượt bậc

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dù có nhiều khó khăn, thách thức khó lường, đất nước ta vẫn đạt được những kết quả rất tích cực.

         Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự giám sát, đồng hành và phối hợp của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản, khoa học, bám sát tình hình thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ; bạn bè quốc tế giúp đỡ, nước ta đạt được những kết quả rất tích cực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo trước Quốc hội về kết quả phát triển KTXH năm 2022, nhiệm vụ giải pháp năm 2023

           Trong năm 2022, nền kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, đồng thời giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm được các cân đối lớn, có nhiều chuyển biến tích cực về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp.

        Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, chúng ta đã làm tốt công tác chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; cơ bản đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin cho người dân, góp phần từng bước nâng cao phúc lợi, đảm bảo cuộc sống an toàn và hạnh phúc của nhân dân.

          Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, dự kiến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như: thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, phức tạp và khó lường; đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại phiên khai mạc

          Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng  năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Đà phục hồi tăng trưởng 9 tháng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế. Ước cả năm, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra. Ước thực hiện cả năm có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế.

          Bên cạnh đó, kinh tế xã hội nước ta cũng đạt được một số thành quả quan trọng như: đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số; nhiều dự án đầu tư quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt.

          Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian qua, chúng ta đã nâng cao chất lượng lập quy hoạch; chú trọng phát triển kinh tế địa phương, vùng lãnh thổ; thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định đời sống nhân dân; tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; thực hiện các cam kết COP26.

          Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được đẩy mạnh. Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, nhất là trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, góp phần ổn định chính trị - xã hội để phát triển đất nước; chủ động, tích cực, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, lan tỏa năng lượng tích cực, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tạo đồng thuận xã hội...

          Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, thách thức vây quanh là rất lớn, để bảo vệ, củng cố, duy trì và phát huy các thành quả đạt được trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, cần đặc biệt quan tâm, không lơ là, chủ quan, không nóng vội nhưng cần phải bám sát tình hình, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, nghiêm túc triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023).

          Ngoài ra, cần điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và chính sách vĩ mô khác, chủ động phương án ứng phó với các tình huống phát sinh; trọng tâm là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời chống suy giảm đà phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nghiên cứu giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.

                                  Tiếp tục ổn định vĩ mô, phát triển các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế

      Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Thủ tướng Chính phủ cho biết, trong năm tới, nước ta hướng tới mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới.

                    

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15

          Bên cạnh đó, cần quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

       Để đạt được những mục tiêu này, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, cần thực hiện tốt các nhiệm vụ như: Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh thế giới, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”.

           Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định và phát triển các loại thị trường lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập. Tiếp tục thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất các nhân tố tổng hợp; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

                                                                       Ghi nhận nỗ lực, song còn nhiều lo lắng

              Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15  được Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4.

           Qua báo cáo này, cử tri và nhân dân cả nước cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng trong điều kiện vừa kiềm chế dịch bệnh, vừa phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn tạo nhiều điểm sáng tích cực.

             Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để tập trung mạnh mẽ vào thực hiện đột phá chiến lược về thể chế và đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng để tạo động lực phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày Báo cáo Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 15

          Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng khi thực tế đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức; lo ngại học phí và các dịch vụ tăng cao trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa tăng. Việc nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất ở một số địa phương; giá cả các mặt hàng nông sản chủ lực không ổn định...

          Đặc biệt, nhân dân còn lo lắng về thông tin tăng học phí của các cấp học, các khoản phụ phí, các khoản đóng góp xã hội hóa đầu năm của hội phụ huynh trong các nhà trường, nhất là những người lao động, người làm công ăn lương gặp rất nhiều khó khăn.

        Chính vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

       Cùng với đó, thực hiện phù hợp hơn chính sách tiền lương sau khi Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương nhưng thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995; sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và tình hình tăng giá, tránh tình trạng việc rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng trong thời gian vừa qua; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa 12.

                                                            Làm rõ trách nhiệm trong các dự án lớn bị thua lỗ, thất thoát

       Cử tri và nhân dân bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

       Đánh giá cao công tác hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cử tri bày tỏ sự đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao việc kiên quyết xử lý theo kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những người giữ cương vị cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước ở cả Trung ương và địa phương.

       Đặc biệt là tiếp tục chỉ đạo rất quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử công khai các vụ án tham nhũng lớn, cả trong khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân; xử lý nghiêm khắc cán bộ sai phạm, kể cả cán bộ cấp cao trong các vụ án nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á

         Bên cạnh đó là vụ án “đưa và nhận hối lộ” khi tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong đại dịch COVID-19; vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu trái pháp luật” ở một số Tập đoàn như tập đoàn Vạn Thịnh Phát; vụ việc trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và một số cơ sở đào tạo khác…

        Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Công tác giám định, định giá tài sản vẫn còn khó khăn; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp...

          Cử tri đề nghị Nhà nước tiếp tục và sớm hoàn thành việc điều tra để đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các ngành, các cấp và người đứng đầu trong các dự án lớn bị thua lỗ, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và thông tin công khai kết quả xét xử cho người dân biết, theo dõi, giám sát.

          Đồng thời cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước có giải pháp phòng, chống, ngăn chặn từ sớm, từ xa để kiểm soát tình trạng gia tăng tỷ lệ tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu…

      Trong phiên họp ngày 20-10, Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023;  Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15;  Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023-2025; Tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Tờ trình về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026;  Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 và thảo luận tại đoàn về các nội dung liên quan tới công tác nhân sự./.

                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông