21:11 06/06/2019 Những nội dung nêu ở kỳ trước chắc chắn không phải chuyện riêng của Hải Phòng, chính vì vậy tại Nghị quyết 36-NQ/TW, Trung ương mới chọn mục tiêu “phát triển bền vững” là tiêu đề cho chủ trương lớn.
Phấn đấu để Bạch Long Vỹ trở thành trung tâm hậu cần nghề cá lớn
Thực tế, nhiệm vụ bảo vệ nguồn lợi hải sản đã được quy định trong luật Thủy sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác, tuy nhiên việc thực thi chưa thực sự hiệu quả. Ngành thủy sản đến nay vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của một nghề thủ công, trình độ sản xuất nhỏ, qui mô hộ gia đình, phát triển tự phát theo cơ chế thị trường trước sức ép của mưu sinh, tình trạng của Hải Phòng cũng không nằm ngoài điều đó.
Tại Nghị quyết 36-NQ/TW, quan điểm của trung ương là tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản, nghiêm cấm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt. Hiện đại hoá công tác quản lý nghề cá trên biển, xây dựng một số doanh nghiệp mạnh tham, đi đôi với việc đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá…
Trên nền tảng quan điểm đó, tại Chương trình hành động số 72-Ctr/TU của Thành ủy Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết 36, thành phố chủ trương cơ cấu lại ngành thủy sản để Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Vịnh Bắc bộ, mạnh về nghiên cứu, chế biến, đào tạo nguồn nhân lực thủy sản và là cửa ngõ xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
Hiện thực hóa việc thành lập trung tâm kiểm soát, cứu hộ, cứu nạn và dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Bạch Long Vỹ, trung tâm đăng kiểm tàu cá cấp vùng và phát triển đội tàu dịch vụ khai thác hải sản trên biển. Đồng thời xây dựng huyện Cát Hải thành trung tâm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng tầm quốc gia và quốc tế, trung tâm tâm dịch vụ thủy sản và hậu cần nghề cá của vùng duyên hải Bắc Bộ.
Để đạt được mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành để có đánh giá đầy đủ về nguồn lợi hải sản của địa phương, từ đó mới có thể đưa ra những giải pháp hữu hiệu.
Đối với những việc cụ thể, phải chú trọng hơn đến việc xác định các bãi đẻ, mùa vụ sinh sản, cơ cấu nghề nghiệp và định lượng, định hướng khai thác phù hợp, bao gồm cả việc quy định việc cấm đánh bắt trong mùa sinh sản, song song với các giải pháp quản lý và tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó cần xây dựng các khu bảo tồn biển ở Bạch Long Vỹ và Cát Bà nhằm gìn giữ tính đa dạng sinh học đồng thời bảo vệ các loài hải sản có nguy cơ tuyệt chúng.
Mặt khác phải hướng tới mô hình logistics, thực hiện sự gắn kết giữa cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý, sơ sở sản xuất… từ khai thác đến bảo quản chế biến, đa dạng hóa sản phẩm đi đôi với xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm giảm bớt số lượng tàu thuyền nhỏ, giảm bớt áp lực khai thác ở vùng lộng và ven bờ.
Đặc biệt là để người dân tự giác chấp hành các quy định của Nhà nước, không sử dụng chất nổ, hóa chất, điện năng để đánh bắt. Thay vào đó là tập huấn cho ngư dân về các phương pháp tổ chức, theo mô mình quản lý cộng đồng, chuyển giao công nghệ khai thác, nhất là khai thác xa bờ.
Sản phẩm nước mắm truyền thống của huyện Cát Hải
Tuy nhiên, để thực hiện được những vấn đề trên, đòi hỏi thành phố phải có bước đi chủ động trong việc gắn kết vùng, bởi ngư trường Hải Phòng trên vịnh Bắc Bộ cũng đồng thời là nơi khai thác của các địa phương lân cận vùng duyên hải phía Bắc, trên thực tế có số lượng không nhỏ các đội tàu đến từ miền Trung.
Nghĩa là việc quy hoạch và các chương trình, đề án của ngành thủy sản Hải Phòng chỉ có thể hữu hiệu khi tìm kiếm được sự đồng thuận của các địa phương bạn, gần nhất là các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… Một số ý kiến khác cho rằng, bên cạnh việc triển khai thiết lập một số khu bảo vệ nguồn lợi, quy hoạch các bãi ươm thả tự nhiên, cần thiết phải dừng khai thác tiêu thụ có thời hạn một số loài hải sản quý hiếm, đặc hữu của Hải Phòng như bào ngư, hải sâm, tôm hùm…
Điều quan trọng là, quá trình tái cơ cấu nghề đánh bắt sẽ khiến một bộ phận ngư dân hoặc do khả năng đầu tư, hoặc vì lý do khác mất nguồn sinh kế, thì hoàn toàn có thể chuyển đổi bằng việc xây dựng các mô hình nuôi trồng, hậu cần nghề cá, trong đó có dịch vụ trên biển, chế biến trên đất liền. Về quy hoạch, cần theo sức tải môi trường, trong đó cùng với tôm cá phải kết hợp cùng nhóm đối tượng có khả năng cân bằng sinh thái như rong biển và nhuyễn thế, kết hợp xây dựng các cơ sở cung cấp giống đầu vào…
Nhưng để thực hiện được, đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách cho ngư dân thích nghi với điều kiện mới, nhất là nguồn vốn và ứng dụng khoa học công nghệ. Và tất nhiên, phải bài bản về đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ khai thác, chế biến thủy sản, cũng như nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật.
Về môi trường, kết quả nghiên cứu và quan trắc cho thấy môi trường biển khu vực Hải Phòng đang suy thoái, cấu trúc của khu hệ thực vật phù du cũng thay đổi mạnh, hiện tượng thuỷ triều đỏ trước đây hầu như không bắt gặp nay đã trở nên phổ biến. Lắng đọng trầm tích và gia tăng của thực vật phù du cũng dẫn đến tình trạng cản trở chiếu sáng tới nền đáy, khiến độ phủ san hô và khu hệ động vật đáy đang bị hủy hoại.
Vì vậy, cùng với các giải pháp bảo vệ môi trường mang tính vĩ mô, thì việc phân định giữa quy hoạch phát triển ngành thủy sản và các ngành kinh tế khác cũng cần được rõ nét, hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng gây tác hại lẫn nhau.
Với những gì đang hiển hiện, hy vọng rằng Nghị quyết 36-NQ/TW sẽ thực sự mang đến làn gió mới, để Hải Phòng tự tin triển khai các chương trình tiếp theo, trong việc bảo đảm hài hòa giữa khai thác và bảo tồn nguồn lợi hải sản, hướng tới phát triển bền vững.
Hoàng Minh