Khảo sát, tìm giải pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt

09:48 09/07/2022

Ngày 8-7, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng Đoàn khảo sát, làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2021. Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan.

                                                                      

                             Đoàn khảo sát của Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội làm việc với UBND thành phố Hải Phòng

    Báo cáo Đoàn công tác, đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố nêu rõ: thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước,  trong giai đoạn 2016 - 20221, thành phố Hải Phòng đã ban hành 28 văn bản về quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó có  8 văn bản quy phạm pháp luật; 10 chương trình, kế hoạch, quyết định, chỉ thị; 10 văn bản chỉ đạo, điều hành.

                                                  

       Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân báo cáo về công tác xử lý chất thải rắn sinh hoat của Hải Phòng

          Về thực trạng phát sinh, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt của thành phố, đối với chất thải rắn sinh hoạt đô thị với khối lượng khoảng 942 tấn/ngày; thu gom, xử lý đạt 100%; có 4 đơn vị thu gom, vận chuyển; được xử lý tại 2 khu xử lý là: Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát (khoảng 500 - 650 tấn/ngày), Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ (khoảng 350 - 450 tấn/ngày).

      Đối với chất thải rắn sinh hoạt nông thôn với khối lượng phát sinh khoảng 822 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 98%; do 972 tổ thu gom của các thôn, xóm, khu dân cư trên địa bàn các xã, thị trấn đảm nhiệm; được xử lý tại Khu xử lý chất thải rắn Đình Vũ và Tràng Cát, Khu xử lý chất thải Minh Tân (khoảng 100 tấn rác/ngày của huyện Thủy Nguyên); còn lại xử lý tại 137 bãi rác tạm và lò đốt quy mô nhỏ.

         Chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố hiện nay được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (62%), chế biến phân vi sinh (4%) và đốt rác với quy mô nhỏ (2%) và chôn lấp tại bãi rác tạm (32%). Trong giai đoạn 2016 - 2021, thành phố đã đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường 1 bãi rác cấp huyện (Khu xử lý Bàng La). Dự kiến trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ đóng cửa, cải tạo phục hồi môi trường 85 bãi rác tạm, đến năm 2030 sẽ đóng cửa toàn bộ bãi rác tạm trên địa bàn thành phố.

                                                    

                                                                     Quang cảnh cuộc làm việc

       Tại cuộc làm việc, thành phố Hải Phòng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phù hợp với Luật bảo vệ môi trường năm 2020; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể quy trình, kỹ thuật thực hiện cải tạo, nâng cấp và xử lý ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh; hướng dẫn cụ thể cách thức, phương pháp thực hiện hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt (theo thể tích, theo khối lượng); hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác...

                                               

                                     

                Đại diện các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng trao đổi, làm rõ một số vấn đề cùng quan tâm

        Các thành viên Đoàn công tác và lãnh đạo các ngành thành phố  Hải Phòng cùng phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề bất cập trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay như chưa có mô hình thật sự hiệu quả; số nhà máy đốt rác phát điện của cả nước còn quá ít; thủ tục để thực hiện được 1 dự án xử lý rác quá rườm rà, nhiêu khê, phức tạp, kéo dài; giá dịch vụ thu gom xử lý rác còn thấp, ngân sách còn phải bao cấp khá nhiều; một số quy định, văn bản pháp luật về xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó thực hiện trong thực tế…

                                              

                         Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội phát biểu chỉ đạo

     Đồng chí Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ trước sự phát triển nhanh và đột phá của Hải Phòng những năm gần đây, đặc biệt là những thay đổi đáng kể về diện mạo đô thị, nông thôn; kết cấu hạ tầng. Đồng chí Lê Quang Huy đánh giá cao sự chuẩn bị của UBND thành phố, đáp ứng các yêu cầu của đoàn khảo sát về thực trạng xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

     Theo đông chí Lê Quang Huy, đây là vấn đề khó, nan giải, phức tạp, không riêng Hải Phòng mà các địa phương khác cũng rất loay hoay, lúng túng. Kết quả khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng cung cấp cho đoàn nhiều vấn đề cần lưu tâm. Đây sẽ là cơ sở để phục vụ phiên giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp tới về nội dung này.

      Đồng chí Lê Quang Huy mong muốn Hải Phòng tiếp tục quan tâm nhiều hơn tới các biện pháp xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chú trọng tới công tác quy hoạch, xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, hợp vệ sinh; nhanh chóng xóa bỏ các bãi rác tạm… Trong lúc chờ đợi phương pháp xử lý rác hiện đại, cần chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường tại các bãi rác hiện có, nhất là xử lý nước rỉ rác…

                                                 

                    Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố tiếp thu các ý kiến của thành viên đoàn khảo sát

     Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố tiếp thu các ý kiến của đoàn công tác và cho biết, thành phố Hải Phòng đã xây dựng đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến sẽ trình kỳ họp HĐND thành phố khóa 16 tại kỳ họp thường lệ giữa năm tổ chức trung tuần tháng 7. Sau khi được thông qua, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Hải Phòng sẽ bài bản, quy mô, hiện đại, hợp vệ sinh hơn, phấn đấu sau năm 2030, 100% chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố được xử lý hoàn toàn bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

                                                  

                                   

                                   

                             

                                              Đoàn khảo sát một số bãi rác tạm và khu xử lý rác của thành phố Hải Phòng

*Trước đó, Đoàn công tác đã trực tiếp khảo sát thực địa tại bãi rác tạm trên địa bàn thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão; Khu xử lý chất thải rắn Tràng Cát, phường Tràng Cát, quận Hải An; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Gia Minh, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên./.

                                                                                                                                         Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông