Khi bỗng dưng nhận được khoản tiền “chuyển nhầm”

09:34 26/08/2023

Khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cần lưu ý không sử dụng số tiền này vào việc chi tiêu cá nhân, để không vi phạm quy định tại Bộ luật Hình sự về tội cố ý chiếm giữ trái phép tài sản bị chuyển nhầm; cần chủ động liên hệ, phối hợp với ngân hàng, cơ quan công an để được hướng dẫn, xử lý theo quy định của pháp luật.

  

Tuyên truyền chính sách Bảo hiểm tiền gửi

Quy định pháp luật liên quan đến chuyển tiền nhầm

Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này (khoản 1 Điều 579).

Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng (khoản 3, Điều 10).

Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (đã sửa đổi, bổ sung) quy định:

Ngân hàng có nghĩa vụ xây dựng quy trình nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán; hướng dẫn, thông báo công khai để khách hàng biết và giải đáp, xử lý kịp thời các thắc mắc, khiếu nại trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán (điểm i, khoản 2, Điều 6).

Chủ tài khoản có nghĩa vụ: …d) Hoàn trả hoặc phối hợp với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoàn trả các khoản tiền do sai sót, nhầm lẫn đã ghi Có vào tài khoản thanh toán của mình (điểm d khoản 2 Điều 5).

Căn cứ các quy định nêu trên, người thụ hưởng nhầm có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền được chuyển vào tài khoản của mình do sai sót, nhầm lẫn. Ngân hàng được trích chuyển tiền gửi của khách hàng trong trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Khi chuyển tiền nhầm, khách hàng cần thực hiện những biện pháp tra soát, khiếu nại theo quy định tại Điều 15a Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về xử lý tra soát, khiếu nại trong sử dụng tài khoản thanh toán, cụ thể:

Khách hàng có thể phản ánh thông tin tra soát khiếu nại qua tổng đài hoặc qua các điểm giao dịch của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Khoản 1 Điều 15a).

Ngân hàng có trách nhiệm (khoản 2 Điều 15a): a) Trong thời hạn tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị tra soát, khiếu nại lần đầu của khách hàng, ngân hàng có trách nhiệm xử lý đề nghị tra soát, khiếu nại của khách hàng; b) Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày thông báo kết quả tra soát, khiếu nại cho khách hàng, ngân hàng thực hiện bồi hoàn tổn thất cho khách hàng theo thỏa thuận và quy định của pháp luật hiện hành đối với những tổn thất phát sinh không do lỗi của khách hàng và/hoặc không thuộc các trường hợp bất khả kháng theo thỏa thuận về điều khoản và điều kiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán; c) Trong trường hợp hết thời hạn xử lý tra soát, khiếu nại được quy định tại điểm a khoản này mà vẫn chưa xác định được nguyên nhân hay lỗi thuộc bên nào thì trong vòng 15 ngày làm việc tiếp theo, ngân hàng thỏa thuận với khách hàng về phương án xử lý tra soát, khiếu nại.

Cố ý sử dụng khoản tiền chuyển nhầm trên 10 triệu đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Người dân tìm hiểu về những ưu việt của Bảo hiểm tiền gửi

Nhiều người khi nhận được tiền chuyển nhầm vào tài khoản, dù đã biết là tiền chuyển nhầm nhưng vẫn cố ý không hoàn trả và rút ra để sử dụng. Về vấn đề này, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

Khoản 1, Điều 105 quy định tiền chính là tài sản, bên cạnh vật, giấy tờ có giá và quyền tài sản Khoản 1, Điều 165 quy định các trường hợp mà việc chiếm hữu tiền (chiếm hữu tài sản) được xem là có căn cứ pháp luật. Đối chiếu với các trường hợp này thì người nhận tiền do chuyển khoản nhầm là việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.

Điều 579 đến 583 quy định rõ về nghĩa vụ hoàn trả tài sản không có căn cứ pháp luật. Theo đó, khi nhận được khoản tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản thì người nhận có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ tài sản thu được. Nếu không xác định được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì cần phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này. Đồng thời, Khoản 1, Điều 166 cũng quy định rõ người chuyển tiền nhầm có quyền đòi lại tài sản.

Như vậy, trường hợp người nhận tiền chuyển nhầm cố tình không hoàn trả lại tiền, vẫn rút ra và sử dụng thì đó là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định, cụ thể:

Điều 15 (điểm đ khoản 2) Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng. Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi và bổ sung năm 2017 liên quan đến tội chiếm giữ trái phép tài sản. Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép nằm trong khoảng từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ trong tối đa 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu bạn sử dụng số tiền chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. Nếu sử dụng số tiền lớn hơn 10 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "chiếm giữ trái phép tài sản".

Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo “chuyển tiền nhầm”

Ngoài những trường hợp do sơ suất, nhầm lẫn chuyển tiền nhầm nói trên, thực tế, thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Với kịch bản cho vay nặng lãi, đối tượng xấu cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản của bạn với lời nhắn tương tự cho mượn tiền hoặc giải ngân khoản vay... Khi nạn nhân nhận được số tiền, đối tượng sẽ giả danh người thu hồi nợ, dọa nạt và yêu cầu trả lại số tiền đã nhận cùng với khoản lãi cắt cổ.

Ở một kịch bản khác, đối tượng chiếm đoạt tài sản của người bị hại thông qua đường link giả. Bằng cách chuyển tiền cho người bị hại, sau đó liên hệ xin nhận lại khoản tiền, tuy nhiên sẽ thông báo rằng mình đang ở nước ngoài, để trả lại số tiền trên thì người nhận tiền chuyển nhầm phải sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link. Sau khi điền xong thông tin, toàn bộ số tiền trong tài khoản của người nhận sẽ bị chiếm đoạt.

Có thể thấy, kịch bản lừa đảo chuyển tiền nhầm tài khoản ngân hàng rất đa dạng, ngày càng tinh vi, đánh vào lòng tốt và sự nhẹ dạ, cả tin của nạn nhân. Nếu chưa từng biết đến thông tin về các hình thức lừa đảo này, nhiều người sẽ khó tránh khỏi bị mắc bẫy.

Quản lý tài khoản an toàn

Để đảm bảo an toàn tài khoản, khách hàng không cung cấp thông tin bảo mật (tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking, mã OTP, thông tin thẻ,…) cho bất kỳ ai, bất cứ hình thức nào (gọi điện, tin nhắn SMS, email, chat zalo, viber hoặc các link giả mạo…).

Khi thực hiện giao dịch, khách hàng cần kiểm tra kỹ thông tin tài khoản thụ hưởng trước khi chuyển tiền để tránh nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra. Trong trường hợp gặp vấn đề vướng mắc liên quan tới tài khoản thanh toán, khách hàng cần liên hệ trực tiếp tới số tổng đài hoặc qua các điểm giao dịch của ngân hàng cung ứng dịch vụ để kiểm tra thông tin và được hỗ trợ kịp thời.

Trường hợp, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cần lưu ý không sử dụng số tiền này vào việc chi tiêu cá nhân, để không vi phạm Điều 176 Bộ luật Hình sự về tội cố ý chiếm giữ trái phép tài sản bị chuyển nhầm và chủ động liên hệ, phối hợp với ngân hàng để được hướng dẫn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi bạn nhận được bất cứ khoản tiền lạ nào vào tài khoản, hãy chắc chắn rằng bạn biết chính xác người gửi và nguồn gốc của số tiền đó. Nếu người gửi là một người hoàn toàn xa lạ thì đó có khả năng đó là một khoản tiền chuyển nhầm.

Nếu bạn nhận được tiền chuyển khoản nhầm, hãy giữ số tiền đó và lưu ý không sử dụng cho mục đích cá nhân. Tuy nhiên cũng không nên vội vàng chuyển trả lại cho người liên hệ với bạn xin nhận lại tiền khi chưa xác minh.

Nếu số tiền chuyển nhầm là một số tiền nhỏ, bạn có thể đến trực tiếp ngân hàng hoặc sử dụng ứng dụng mobile banking của ngân hàng kiểm tra sao kê tài khoản để xác minh số tiền. Lưu ý, bạn chỉ chuyển trả lại vào đúng tài khoản đã chuyển nhầm tiền, không chuyển đến bất kỳ tài khoản nào khác được yêu cầu.

Tuy nhiên, nếu số tiền chuyển nhầm lớn, bạn hãy nhanh chóng liên hệ với ngân hàng, sắp xếp thời gian đến trực tiếp tại chi nhánh ngân hàng hoặc liên hệ với cơ quan công an để được hỗ trợ giải quyết. Họ sẽ giúp bạn xác nhận nguồn gốc của số tiền và hướng dẫn bạn cách xử lý.

Nếu bạn nhận được bất kỳ cuộc gọi nào từ ngân hàng, hãy kiểm tra xem đó có phải là số điện thoại chính thức của ngân hàng hay không. Để chắc chắn, bạn nên đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để giải quyết.

Hiện nay, theo Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và các văn bản có liên quan, quy định:

- Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi;

- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân;

- Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

- Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng)

Như vậy, căn cứ theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản có liên quan, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam không có nghĩa vụ trong việc chi trả số tiền bị mất do người gửi tiền chuyển nhầm hoặc người gửi tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ các chiêu trò “chuyển tiền nhầm” hoặc các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông