09:08 07/12/2022 Theo thông lệ hàng năm, thị trường hàng tết Nguyên đán thường khởi động từ trước khoảng 3 tháng, và bùng nổ vào dịp cúng ông Táo. Tuy nhiên năm nay, chỉ còn 1,5 tháng nữa là tết, nhưng đến thời điểm này thị trường hàng hóa dịp tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vẫn còn khá nhạt nhòa.
Cần phải thấy rằng, năm 2022 là năm miền Bắc có thời tiết khá thuận lợi so với những năm trước, số lượng các đợt bão và mưa lũ thưa hơn, mức độ ảnh hưởng cũng không nhiều.
Điều này có thể nói là khá lý tưởng cho việc sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hóa, đây là lợi thế khách quan cho thị trường. Tuy nhiên bên cạnh đó, năm 2022 cũng có những tác động khá tiêu cực, nhất là những biến động của thị trường xăng dầu, tiền tệ và giao lưu thương mại quốc tế, kể từ khi bùng nổ cuộc chiến Nga – Ukaine.
Từ kinh nghiệm của những năm trước, dự báo tổng mức lưu chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng bình quân 20% so với các tháng khác trong năm. Nhưng mỗi một dịp lễ tết, thị trường hàng hóa đều có đặc thù riêng, mà tết Nguyên đán thể hiện rõ nét nhất.
Thông thường, sức mua sắm sẽ dồn dập, bộc lộ đột biến về giá và ách tắc lưu thông từ sau khi cúng ông Táo 23 tháng Chạp. Hàng hóa chủ yếu cho thị trường tết thường là thực phẩm thiết yếu. Còn sau tết là các loại thủy sản, hoa quả, bánh kẹo, lễ cúng và một số vật dụng khác dành cho cúng rằm tháng Giêng và mùa lễ hội.
Vừa qua, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến tết Nguyên đán Quý Mão 2023, yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, thể hiện quyết tâm cao, chuẩn bị cho một cái tết đầy đủ, an toàn, vui tươi...
Vấn đề ở chỗ, mặc dù UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng cho đến thời điểm này, hoạt động quản lý nhà nước về thị trường tết dường như vẫn tương đối trầm lặng, chưa có hành động nào cụ thể đáng chú ý, ngoài điểm nhấn là “Tháng khuyến mại”, trong khi “điểm rơi” bùng nổ của tết Nguyên đán đã cận kề.
Thực tế cũng cho thấy, kể từ khi các dạng hình siêu thị quy mô lớn đi vào hoạt động, thị trường được phân đoạn tốt đã hạn chế rất nhiều nguy cơ. Mặc dù vậy, hầu hết các siêu thị đều nằm trong nội thành và đều có hội sở tại TP Hồ Chí Minh, việc huy động nguồn hàng và định giá theo hệ thống toàn quốc, nên các chi nhánh tại Hải Phòng dù muốn cũng không thể vận động theo chỉ đạo hành chính.
Trong khi đó, theo dõi hoạt động của các siêu thị, thì việc tăng giá hàng hóa thường được “âm thầm” điều chỉnh ngay từ khi thị trường hàng tết khởi động, tức là trước tết vài tháng. Năm nay cũng không ngoại lệ, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm tươi sống và chế biến cũng đã có dấu hiệu tăng, nhưng đang được núp dưới các chương trình khuyến mại “chiến lược”.
Nghĩa là khi chương trình giảm giá nhờ khuyến mại kết thúc, việc tăng giá xem như đã hoàn thiện? Nhìn từ yếu tố khách quan, thì việc tăng giá cũng là tất yếu, bởi lẽ nhiều nhóm hàng ngoài thị trường truyền thống cũng đã tăng mạnh thời gian qua.
Theo kinh nghiệm thì những nhóm hàng thực phẩm thường lên cơn sốt dịp cuối năm âm lịch là: thực phẩm tươi sống, nông sản khô, bánh mứt kẹo, đồ uống… Trong nhóm các mặt hàng này, bánh mứt kẹo và đồ uống thường hay bị đẩy giá nhất, vì việc tiêu thụ mang tính cơ hội thời vụ. Chỉ tính riêng dịp tết Nhâm Dần 2022 vừa qua, dù được đánh giá ổn định nhất trong nhiều năm nhưng nhóm hàng này cũng tăng giá bình quân 25% trong tuần cận tết.
Cũng theo kinh nghiệm của những năm trước, thị trường tết Dương lịch đóng vai trò như liều “thuốc thử”, với sự gia tăng nhu cầu mua sắm kéo dài từ dịp Giáng sinh. Nhưng thực tế cho thấy, dịp tết Dương lịch năm nay chưa đặt nhiều dấu ấn lên thị trường, mà chủ yếu mới tác động vào một số mặt hàng cục bộ.
Nên dù giá đợt này có tăng, cũng xem như là một đợt diễn tập của thị trường, gợi mở tính chủ động để chuẩn bị cho người dân thành phố đón tết truyền thống sắp tới được vui vẻ.
Một vấn đề khác có tác động không nhỏ, là nguồn tiền mua sắm của số đông người lao động phụ thuộc vào chế độ lương - thưởng. Nếu các đơn vị chủ quản giải ngân nguồn tiền này quá giáp ngày tết, khoảng cách mua sắm bị thu hẹp sẽ gây bùng nổ tiêu thụ.
Đây là cơ hội cho việc kích giá và khan hiếm hàng hóa cục bộ, cùng với nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng mất an toàn vệ sinh thực phẩm dễ xâm nhập thị trường. Chính vì vậy, nếu các nhà quản lý, nhà phân phối không có các giải pháp thiết thực hơn, các chủ doanh nghiệp không thể hiện trách nhiệm vào cuộc, thì những nỗi lo đối với thị trường tết còn tiềm ẩn.
Dù thế nào, trong bối cảnh kinh tế khó khăn đến mấy, thì tết Nguyên đán vẫn là nét văn hóa truyền thống được người dân quan tâm nhất hàng năm. Bản thân mỗi người dân cũng cần tự lượng hoàn cảnh, cân nhắc trong mua sắm.
Nhưng để một cái tết tiết kiệm mà vẫn đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, lệ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm của công tác quản lý.
Lê Minh Thắng