Khôi phục canh hát Cửa đình tại di tích đình Kênh: Bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Ca trù

16:32 31/03/2024

Cùng với hát chèo thì hát Ca trù cũng được coi là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, vừa độc đáo lại vừa có sức hút riêng. Theo thời gian, loại hình nghệ thuật này dần bị mai một. Từ đầu năm 2024, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng Giáo phường Ca trù Hải Phòng phục dựng canh hát Cửa đình tại di tích đình Kênh và duy trì vào sáng thứ 7 của tuần cuối tháng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Ca trù.

Theo các tài liệu thư tịch cổ, sinh hoạt hát ca trù gắn liền với các đình làng, và hát cửa đình, thường do một giáo phường xuất sắc được chọn đảm nhiệm.

Vì thế, canh hát thờ cửa đình có thể coi như một chương trình âm nhạc chuyên nghiệp trọn vẹn với nghi thức chặt chẽ và chất lượng nghệ thuật đỉnh cao. Hát cửa đình cũng được coi như một tên gọi khác của ca trù và là một hình thức sinh hoạt âm nhạc cổ điển nhất của thể loại (mãi sau này mới xuất hiện ca quán). Tuy vậy, theo thời gian, hình thức này đã dần bị mai một.

Bà Bùi Thị Nguyệt Nga, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng chia sẻ: Hát cửa đình xưa diễn ra vào các dịp lễ hội tại cửa đình, cửa đền, mang âm hưởng của văn hóa tâm linh, đòi hỏi sự trang nghiêm nhưng vẫn tưng bừng không khí hội hè, đình đám. Vào ngày hát, sân đình có múa tứ linh với 4 con vật ling thiêng gồm long, ly, quy, phượng cùng dàn nhạc bát âm.

Trước khi vào cửa đình, phần nghi lễ trước hương án thờ tự phải chu đáo. Sau đó mới là quy trình diễn xướng được thực hiện bởi nhiều ca nương, kép đàn đủ 14 thể cách (làn điệu), trong đó có những thể cách bắt buộc chỉ có trong hát cửa đình. Mỗi thể cách tương ứng với một hoặc nhiều bài ca trù, tùy theo tính chất mỗi cuộc hát mà sử dụng bài ca trù nhiều hay ít. Hát cửa đình là gốc của ca trù. 

Chính vì vậy, từ năm 2024, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng Giáo phường Ca trù Hải Phòng phục dựng canh hát Cửa đình tại di tích đình Kênh và duy trì vào sáng thứ 7 của tuần cuối tháng

Bảo tàng Hải Phòng phối hợp Giáo phường Ca trù Hải Phòng duy trì chầu hát cửa đình vào sáng thứ bảy của tuần cuối tháng

 Trong khuôn khổ Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 năm ngày hóa của Đức Vương Ngô Quyền tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Hàng Kênh vừa tổ chức vào cuối tháng 2 vừa qua, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp cùng Giáo phường Ca trù Hải Phòng (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật thành phố) tổ chức canh hát thờ Cửa đình thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức.

Với 14 thể cách chia làm 5 lớp diễn, bắt đầu từ màn múa Tứ linh ngoài sân đình, dàn nhạc bát âm trước cửa và 14 thể cách, các ca nương và đào kép của Giáo phường Ca trù Hải Phòng làm người tham dự ngỡ ngàng. 

Tiết mục “Giáo hương” do nghệ nhân ưu tú Tô Tuyên đảm nhiệm, tiết mục “Hát giai bài Đức Ngô Vương” (tác giả Hồng Thanh Nam) do NSƯT Đỗ Quyên, Chủ nhiệm Giáo phường Ca trù Hải Phòng thực hiện cùng tốp múa. Các tiết mục tiếp theo do các đào nương, kép đàn của Giáo phường đảm đương.

Ngoài những tiết mục Thét nhạc, Hát nói, Gửi thư, Cung bắc, múa Bỏ bộ…, những làn điệu, thể cách của Ca trù cổ xưa nay được phục dựng khiến người xem say sưa, tiếng vỗ tay không ngớt. Cùng với lớp nghệ nhân cao tuổi, các ca nương, kép đàn trẻ cũng thể hiện tài năng trong các tiết mục đòi hỏi kỹ thuật cao.

Theo dõi từ đầu tới cuối canh hát thờ, chị Nguyễn Phương Thảo, trú tại đường Nguyễn Công Trứ, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, cảm nhận không khí trang nghiêm, kính cẩn tại cửa đình xưa, nơi diễn ra các hoạt động quan trọng bậc nhất của các cộng đồng làng xã. “Qua xem đầy đủ canh hát thờ Cửa đình, tôi có thêm hiểu biết về các sinh hoạt văn hóa của người xưa, cũng cảm thấy nghệ thuật hát Ca trù của người Việt thật linh thiêng, huyền bí và thêm yêu loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc”, chị Thảo bộc bạch.

Theo NSƯT Đỗ Quyên, từ năm 2014, canh hát Cửa đình đầu tiên được phục dựng tại Hải Phòng hoàn toàn dựa vào trí nhớ của nghệ nhân nhân dân Nguyễn Phú Đẹ. Từ canh hát thờ đầu tiên được phục dựng do các ca nương, kép đàn của Giáo phường Ca trù Hải Phòng thực hiện, đến nay, nhiều câu lạc bộ Ca trù của thành phố cũng phục dựng các canh hát Cửa đình.

Tuy nhiên, việc phục dựng và tái hiện trọn vẹn canh hát Cửa đình kỳ công và tốn kém trong khi hoạt động biểu diễn chưa thể giúp các nghệ nhân đủ kinh phí tự nuôi sống, duy trì sự nghiệp Ca trù, nhất là thể loại khó như hát Cửa đình.

Di tích đình Hàng Kênh là không gian lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật truyền thống. Mỗi dịp đầu xuân mới, đình mở hội cầu phúc tưởng nhớ Đức Vương Ngô Quyền, trước đây thường có biểu diễn hát ả đào, múa hạc gỗ, hát chèo cổ và nhiều trò vui, cầu cả năm “nhân khang, vật thịnh”. Ngày nay, những hoạt động truyền thống đó đang dần được khôi phục.

Tại khuôn viên sân đình, các tiết mục múa rối nước, biểu diễn chèo, hát đúm… thu hút đông đảo người dân, du khách thưởng thức nghệ thuật. 

Theo Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Bùi Thị Nguyệt Nga, trong Lễ dâng hương kỷ niệm 1080 năm ngày hóa của Đức Vương Ngô Quyền, Bảo tàng tổ chức công phu, bài bản các nghi lễ: Lễ Cáo yết, lễ rước, tế chính, lễ dâng hương và lễ tạ. Phần hội gồm các hoạt động: Gian hàng chợ quê, hát Cửa đình, hát Xẩm, trưng bày hoa lan sinh vật cảnh và triển lãm ảnh nghệ thuật về hoa lan, hội thi chim chào mào hót… Đặc biệt, Bảo tàng phối hợp Giáo phường Ca trù Hải Phòng duy trì chầu hát cửa đình vào sáng thứ bảy của tuần cuối tháng, từ tháng Giêng năm Giáp Thìn. “Chúng tôi mong muốn di tích đình Hàng Kênh trở thành “điểm hẹn văn hóa” của người dân và du khách yêu nghệ thuật truyền thống đến thưởng thức mỗi khi có dịp đến với thành phố Hải Phòng” - Giám đốc Bùi Thị Nguyệt Nga bày tỏ.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông