08:56 14/02/2023 Song hành cùng các hoạt động xúc tiến đầu tư, việc khai thác và phát huy triệt để các nguồn lực mạnh mẽ của thành phố để chuyển hóa thành những lợi thế cạnh tranh cần được các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp nhanh chóng triển khai, tạo tiền đề vững chắc thu hút các doanh nghiệp FDI.
Bước sang năm mới 2023, với nội lực mới, quyết tâm mới, Hải Phòng đang nỗ lực hướng tới các mục tiêu chiến lược để tạo sức hút lớn hơn, mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp FDI đầu tư vào thành phố. Đó là:
- Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT), khai thác triệt để vị trí địa lý thuận lợi của thành phố. Theo Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến sẽ triển khai xây dựng thêm 15 KCN mới với tổng diện tích trên 6.200ha. Đến nay, 2 dự án KCN Xuân Cầu (752 ha) và KCN Tiên Thanh (410,46 ha) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự kiến sẽ khởi công trong thời gian sớm. Ngoài ra, 4 KCN: Nam Tràng Cát, Thủy Nguyên, Tràng Duệ 3, Giang Biên 2 đang được triển khai; 7 KCN (3.161ha) nữa cũng đang thực hiện các bước chuẩn bị thành lập. Đặc biệt, 2 KCN Đình Vũ và Nam Cầu Kiền được Ban Quản lý Khu kinh tế tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn để đẩy mạnh chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. Có thể thấy, chiến lược mở rộng các KCN để gia tăng quỹ đất và khai thác tối đa những lợi thế về địa lý, tài nguyên biển của thành phố là tiền đề vững chắc để thu hút đầu tư.
- Chú trọng hạ tầng, dịch vụ. Nhìn chung, các KCN tại thành phố cơ bản đều được đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với nhiều phân khu chức năng, đường giao thông, cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải... Cùng với đó, Ban Quản lý KKT còn triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 3-4-5-6 khu bến cảng Lạch Huyện, dự án nhà ở xã hội tại Tràng Cát – Hải An, dự án nhà ở công nhân của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam và các khu đô thị, khu logistics, khu dịch vụ hậu cần… nhằm đưa các KCN, KKT Hải Phòng phát triển theo xu hướng tiên tiến của thế giới, đi kèm giao thông thuận lợi; kết nối với mạng lưới kho bãi và logistics; đầy đủ nhà ở, điều kiện học tập và sinh hoạt văn hóa, giải trí phục vụ đời sống người lao động, nhất là lao động nhập cư.
Bên cạnh đó, các sản phẩm và dịch vụ phụ trợ cũng là một mũi nhọn để tiếp cận sớm, mạng lại lợi thế cho thành phố. Đơn cử, các đơn vị kinh doanh nhà xưởng, nhà kho xây sẵn như Core5, BWID, KCN Vietnam… đang liên tục triển khai và phát triển mạnh mẽ trong các khu công nghiệp tại Hải Phòng, tạo nguồn cung đa dạng về cơ sở vật chất giup các nhà đầu tư tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí. Các ngân hàng, đơn vị tư vấn pháp lý, cung ứng nhân lực… cũng được đề nghị tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chuẩn bị nguồn lực với mục tiêu phục vụ cac nhà đầu tư nước ngoài để sẵn sàng đón đầu, hỗ trợ các nhà đầu tư ngay từ các giai đoạn tìm hiểu, khảo sát.
- Nhân lực sẵn sàng cả về số lượng và chất lượng. Năm 2022 cho thấy, nhân lực vẫn luôn là vấn đề được các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt chú trọng, bao gồm cả việc đáp ứng về số lượng và chất lượng lao động. Về số lượng lao động trong các KCN, KKT trước hết là bảo đảm được thu nhập, công việc cho lao động và các chính sách, chế độ thu hút và giữ chân người lao động. Trước đó, trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong KCN, KKT Hải Phòng cũng đã nỗ lực để có duy trì việc làm cho người lao động. Đến nay, tổng số lao động trong các KCN, KKT Hải Phòng là hơn 195.000 người (trong đó có hơn 4.800 người nước ngoài) với thu nhập bình quân 11,5 triệu đồng /người /tháng, cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Ngoài thu nhập, các chế độ, chính sách, quan hê lao động trong các KCN, KKT được Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng quan tâm duy trì ổn định. Tổ chức Công đoàn Khu kinh tế hoạt động hiệu quả với hơn 290 tổ chức công đoàn cơ sở đã được thành lập trong năm 2022; giải quyết kịp thời vướng mắc cho người lao động; nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa và thiết thực được tổ chức. Thêm nữa, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với khả năng phục vụ gần 45.000 người được đưa vào kế hoạch và triển khai cũng là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần thu hút lao động vào các KCN, KKT. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, gần 90% người lao động trong các KCN, KKT quay trở lại làm việc, cho thấy tín hiệu tích cực trong bảo đảm số lượng lao động.
Về lao động chất lượng cao, tựu chung lại, các nhà đầu tư đều quan tâm về khả năng cung cấp một số lượng lớn nhân sự với đầy đủ các yêu cầu giỏi về chuyên môn, tay nghề và thành thạo về ngoại ngữ. Với 4 trường đại học, trong đó có Trường Đại học Hàng hải Việt Nam là trường đại học trọng điểm cùng nhiều cơ sở đào tạo nghề, Hải Phòng sẵn sàng nhân lực đạt yêu cầu về cả chuyên môn và ngoại ngữ như các nhà đầu tư mong muốn, bao gồm cả các giáo sư, chuyên gia trình độ cao hay lao động phổ thông. Để đạt được mục tiêu này, các đơn vị đào tạo tại thành phố liên tục cập nhật các chương trình đào tạo, ngành nghề đào tạo để giảng dạy và huấn luyện các lĩnh vực mới đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; phối hợp với các doanh nghiệp sử dung lao động trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài để kết nối, hợp tác để tăng cường các hoạt động đào tạo thực tế. Đối với các yêu cầu về ngoại ngữ, Hải Phòng đã có những kế hoạch mang tính dài hạn để đáp ứng những làn sóng đầu tư bằng việc tri triển khai đào tạo các ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung… cho tất cả các bậc học phổ thông từ tiểu học đến trung học phổ thông dưới nhiều hình thức như đào tạo chuyên, đào tạo ngoại ngữ 2, câu lạc bộ ngoại ngữ… Qua trao đổi, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng đề nghị các nhà đầu tư tăng cường hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu, đặt hàng với các đơn vị đào tạo của thành phố trong chuẩn bị và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như kết hợp khảo sát, xây dựng kế hoạch đầu tư vào thành phố.
- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Thực tế, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài còn rất hạn chế, các nhà cung cấp trong nước còn yếu và sự chênh lệch công nghệ giữa hai bên tương đối cao. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các mắt xích sản xuất gia trị thấp, tập trung vào gia công như dệt may, lắp ráp… với nguồn cung đầu nguyên liệu chưa chủ động; nội lực doanh nghiệp chưa mạnh, quy mô nhỏ và vừa chiếm phần lớn; công nghệ mới và nghiên cứu phát triển chưa được chú trong. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư cho thành phố, các doanh nghiệp tại Hải Phòng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong KCN, KKT với sự liên kết gần gũi và dễ dàng doanh nghiệp nước ngoài quanh địa bàn, cần có những nhìn nhận và cải tiến mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của FDI. Muốn gia tăng liên kết với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước nên sớm có sự tự định vị, cải tiến và cập nhật trong công nghệ, nâng cao cac tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm, bảo vệ môi trường, tài nguyên, tiết kiệm năng lượng phù hợp với xu thế khu vực và thế giới. Về phía các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương tiếp tục ủng hộ, khuyến khích và xây dựng các cơ chế chính sách để tăng liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước; phát triển liên kết ngành, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong cải tiến công nghệ, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Hơn nữa, khi thành phố Hải Phòng đẩy mạnh thu hút FDI trong các lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển cũng là một động lực để các doanh nghiệp Việt Nam kết nối và học hỏi, hợp tác để nâng cao nguồn lực của doanh nghiệp mình.
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Phát hiện 10 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trưa ngày 24/11 tại huyện Tiên Lãng
Công an quận Hồng Bàng phối hợp kiểm tra, xử lý 9 trường hợp vi phạm nồng độ cồn