17:18 28/04/2009 Trong số những chuyện mà chúng tôi được nghe từ bác Trình, anh Tới, anh Nhơn hay anh Phương có lẽ ấn tượng nhất vẫn là cái tên dũng sỹ diệt Mỹ Hồ Thị Thu.
Trong số những chuyện mà chúng tôi được nghe từ bác Trình, anh Tới, anh Nhơn hay anh Phương có lẽ ấn tượng nhất vẫn là cái tên dũng sỹ diệt Mỹ Hồ Thị Thu.
“ĐÁNH MỸ - ĐỒNG BÀO MIỀN NAM KHÔNG SỢ CHẾT” Chị Thu sinh năm 1955, quê ở Xuyên Phú, Nghi Xuyên, Quảng Nam, vốn được chứng kiến cảnh giặc Mỹ tàn sát vô cớ dân làng Xuyên Phú quê hương, chị đau xót và căm phẫn đến tận cùng. Bởi vậy ngay từ lúc còn nhỏ, Thu đã vận động nhóm thiếu niên theo dõi hoạt động của tụi lính trong các đồn bốt giặc để báo tin cho các chú du kích và bộ đội địa phương biết lập phương án tiêu diệt gọn địch. Mới đây, khi được trò chuyện với chị Thu, chúng tôi vẫn không hình dung nổi ở tuổi thiếu niên lúc bấy giờ Thu lại dũng cảm đến vậy. Chị Thu kể, vào đầu năm 1967, khi ấy toàn miền Nam đang bị giặc chà xát mạnh. Mọi sự liên lạc của bộ đội giải phóng với địa phương rất khó khăn. Giữa xã Xuyên Hoà và Xuyên Phú cách nhau một con sông nhỏ thông thương qua bến đò Lõng Bà Tình, coi như đường đi lại của hai bên. Từ lâu đây chính là đường dây đưa cán bộ, bộ đội ta về Xuyên Phú xây dựng cơ sở đánh địch. Thế nào đó mà bọn địch phát hiện ra đường dây liên lạc, liền lập bốt phục kích ngăn chặn. Suốt nhiều tháng liền, ngoài giờ học Thu lại tổ chức một số bạn gái ra khu vực đó chơi, làm quen với bọn lính. Thường thì các bạn vờ hỏi xin đồ chơi con nít, xin đồ ăn và nhổ tóc sâu cho bọn lính để “thân thiện” làm quen. Nhiều lần như vậy, Thu biết bọn lính vào các buổi chiều là ra các ụ pháo lau chùi vũ khí. Có lần các em cố tình theo đến tận nơi ra vẻ vừa chơi, vừa phụ giúp. Dần dần thành thói quen, Thu và các bạn ra vào trận địa của giặc dễ dàng. Một hôm, được các chú du kích và bộ đội địa phương bố trí vào buổi gần chiều tối để Thu và các bạn mang theo cặp sách đến gặp các “chú” lính hàng ngày đã làm quen để xin đồ ăn vì đi học về muộn. Vẫn thái độ thân thiện, các bạn của Thu thi nhau nhổ tóc sâu cho các tên lính giặc. Thu xin đi vệ sinh, rồi bò vào các ụ pháo lấy cát tống vào các nòng súng. 12, 13 ụ pháo gì đó Thu thực hiện khá nhanh và vội vã quay lại chỗ các bạn đang chơi đùa với tụi lính. Đến giờ phải về nhà Thu và các bạn xin phép để các “chú” còn làm việc. Thông tin đó ngay lập tức được báo về đường dây liên lạc của bộ đội chủ lực. Trong đêm, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng du kích liền tổ chức tấn công vào trận địa phục kích của giặc. Bọn giặc triển khai bắn trả, nhưng không thể nào bắn được vì nòng pháo nào cũng có cát. Chúng tháo chạy cũng không kịp, quân ta bủa vây tiêu diệt gọn toàn bộ bốt Lõng Bà Tình. Lần khác, vào cuối năm 1967 cách Xuyên Phú (quê của Thu) khoảng 1km, Mỹ ngụy cho xây dựng một đồn trấn ải mới. Từ khi có đồn, bọn giặc thường giở trò phủ đầu nhân dân trong vùng bằng cách tối nào cũng bắn pháo vào vùng dân. Hôm đó, chúng bắn quả pháo đúng vào một gia đình nhà hàng xóm của Thu làm một bà cụ già chết tại nhà. Thế là chính Thu kêu gọi bà con lối xóm kéo nhau lên đồn đấu tranh. Bọn giặc bị nhân dân phản ứng dữ dội quá, tìm mọi cách dụ dỗ không được, đành phân công người đưa dân về làng để giải quyết tại chỗ. Biết bọn địch đang bị phân tán lực lượng, Thu báo cho bộ đội và du kích rồi trực tiếp dẫn đường các anh đến bao vây đồn giặc. Trận đánh đó bộ đội ta diệt gọn đồn chỉ trong vài giờ đồng hồ. Chính từ chiến công của Hồ Thị Thu, Bác Hồ đã chỉ thị cho Quân uỷ TW đưa một số dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam ra Bắc đào tạo làm hạt giống cách mạng. Cuối năm 1968, Hồ Thị Thu cùng với các anh Hồ Văn Mên (Thủ Dầu 1), Ngô Văn Nếp, Đoàn Văn Luyện (Quảng Ngãi), Võ Văn Hường, Võ Phủ (Quảng Nam) và Nguyễn Văn Hoà (Thừa Thiên Huế) đều ở lứa tuổi 13-14 được đưa ra Hà Nội để gặp Bác Hồ. Theo chị Hồ Thị Thu, cuối năm 1968 và đầu năm 1969 chị còn được gặp Bác 2 lần nữa, trước khi được TW đưa sang Liên Xô tham gia vào đoàn tuyên truyền giải phóng Việt Nam tại nước bạn. Sau năm 1973, chị Thu đi học ngành quân y, rồi về công tác tại QK3. Ngày giải phóng miền Nam chị Thu về lại quê hương Đà Nẵng công tác và sống với gia đình ở đó. Bây giờ chị đã về hưu, nhưng tâm khảm của chị luôn biết ơn Bác Hồ, Đảng và Nhà nước, nhân dân miền Bắc từng chăm sóc, nuôi dưỡng chị sống trọn đời với cách mạng… (Còn nữa) |