16:56 29/04/2009 Đầu bạc trắng như cước, dáng người đậm, rắn chắc, mới gặp lần đầu ít ai nghĩ bác Phạm Văn Trình (thôn Đông Tác, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) đã ở tuổi ngoài 70 bởi sự nhanh nhẹn, minh mẫn.
Đầu bạc trắng như cước, dáng người đậm, rắn chắc, mới gặp lần đầu ít ai nghĩ bác Phạm Văn Trình (thôn Đông Tác, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) đã ở tuổi ngoài 70 bởi sự nhanh nhẹn, minh mẫn.
CHUYỆN NGƯỜI QUÂN Y CÓ TẤM LÒNG VÀNG Tháng 4-1963 chàng trai vùng biển Phạm Văn Trình lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, cấp trên nhìn nhận Trình có đức tính cẩn thận, nhân từ liền phân công về bệnh xá của Trung đoàn 50 để làm quen với công việc quân y. Vài năm sau được đơn vị cử đi học Trường quân y quân đội ở Hà Bắc, rồi được cấp trên điều về công tác tại Đoàn điều dưỡng 253 - QK3, lúc đầu chiến sỹ Phạm Văn Trình còn tỏ ra băn khoăn vì về Đoàn điều dưỡng có khi lại ít được phát huy nghề nghiệp. Ý của anh muốn được ra chiến trường cùng đồng đội của mình. Nhưng trong quân đội đã phân công nhiệm vụ thì khỏi phải nói, “chống lệnh” là kỷ luật liền. Khoảng cuối năm 1968, quân y Phạm Văn Trình được Trung đoàn bộ gọi lên nhận một nhiệm vụ “đặc biệt”. Những tưởng sẽ được đi học tiếp hoặc điều động ra mặt trận, quân y Trình đã mừng thầm trong bụng. Khi chỉ huy đưa quyết định điều động về Hiệp Cát, Nam Sách, Hải Dương đón và chăm sóc Đoàn dũng sỹ diệt Mỹ ưu tú miền Nam ra Bắc học tập, chiến sỹ Trình mới hiểu nhiệm vụ ấy càng vinh quang khi được biết chính Bác Hồ và TW trực tiếp ra chỉ thị. Mới đầu xuống Hiệp Cát, Quân y phải xuống trước chuẩn bị nơi ăn chốn ở, chưa kịp bố trí với chính quyền địa phương Đoàn phải tiếp nhận ngay 10 cháu là dũng sỹ diệt Mỹ (9 trai và 1 gái) đều ở tuổi 10-16. Quân y cùng một số giáo viên tạm thời đưa các cháu ở trọ trong một số nhà dân. Sau này địa phương đồng ý nhường lại 2 căn nhà ở đình Đại Lã làm nơi ăn ở tập trung cho các cháu. Năm 1969, đoàn tiếp nhận thêm hơn 10 cháu nữa. Bấy giờ, khó khăn về chỗ ở không đáng ngại, nhưng chế độ ăn uống cho các cháu phải đảm bảo theo nhu cầu chế độ ăn của cán bộ trung cấp. Điều đó là không đơn giản khi đóng quân ở một vùng quê nghèo khó, quân y Phạm Văn Trình lên thực đơn từng bữa ăn sao cho đảm bảo chất và lượng. Biết đặc điểm của các cháu quê miền Nam khẩu vị ăn thường có chút vị ngọt, vị cay nên Quân y đều đáp ứng, song cũng phải có liều lượng vừa phải để chống dị ứng vào mùa nắng nóng ở miền Bắc. Có những câu chuyện thiếu tướng Trần Phước Tới bây giờ kể lại mọi người càng hiểu Quân y trưởng Trình chăm sóc sức khoẻ cho các dũng sỹ diệt Mỹ nhỏ tuổi miền Nam cẩn thận và chu đáo đến nhường nào. Thiếu tướng Tới bảo: “Lúc ra Đại Lã mới 15 tuổi, anh bị còi đẹn vừa nhỏ vừa gầy, nhưng cái sự ăn uống thì khoẻ không kém ai. Món ăn nào “chú” Trình kê thực đơn cho nhà bếp nấu cũng thấy ngon miệng. Ra Bắc đến nửa năm, Tới không thuộc diện còi nữa. Nhớ nhất là lần mổ lợn tại khu, nước luộc lòng béo ngậy, váng mỡ đặc quánh trông rất ngon. Hồi bé ở quê, cứ nước luộc lòng lợn chan với cơm Tới ăn đến căng bụng cũng không sao. Lâu ngày không được ăn thấy món ấy mà phát thèm. Thế mà chú Trình kiên quyết không cho ăn. Chú bảo, ăn thứ đó nhiều mỡ dễ bị chứng đi ngoài lại không bõ. Mọi người đành chịu vì chú Trình lo sức khoẻ cho tất cả. Sau này sang Liên Xô học được 6 năm, mỗi lần viết thư về cho chú Trình, Tới mới hiểu tấm lòng của chú, chăm lo sức khoẻ cho các chiến sỹ diệt Mỹ miền Nam bằng tấm lòng vàng…”. Ai chứ, Vụ trưởng Ngô Phương ở Ngân hàng Nhà nước bây giờ gặp lại bác Trình lúc nào cũng nhắc đến những kỷ niệm đầy lòng biết ơn. Sinh năm 1952, quê ở Quảng An, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, từ năm 12 tuổi Ngô Phương đã là dũng sỹ diệt Mỹ. Đầu năm 1969 được đưa về Đoàn 253, lúc đó Phương là người lớn tuổi trong số những chiến sỹ diệt Mỹ. Ra ngoài Bắc, Ngô Phương là người duy nhất đang học dở cấp 3. Ở trong đoàn có nhiều lứa tuổi khác nhau, nên phải tổ chức tại chỗ nhiều lớp học văn hoá. Có lớp chỉ có 2, 3 người. Riêng Ngô Phương, bác Trình cùng các giáo viên phải bố trí đưa xe đạp ra tận Trường cấp 3 Nam Sách để học. Mới đây, anh Ngô Phương còn nói riêng với chúng tôi: “Chú Trình đây chính là người cha chúng tôi hồi đó…”. Nhớ nhất có lần Phương đi học về muộn gặp trời mưa, đêm lên cơn sốt đùng đùng, chú Trình bảo nhà bếp nấu cho bát cháo nóng, rồi đêm đó canh chừng cho Phương uống thuốc giảm sốt. Phương thì mê mệt trong giấc ngủ lịm đi, tỉnh dậy khi nào là thấy chú Trình ngồi bên cạnh khi đó. Chú Trình coi bọn tôi như con đẻ vậy. Năm 1971, khi Ngô Phương phải chia tay về học Trường sỹ quan quân đội, dòng lưu niệm mà anh viết để lại cho Quân y trưởng Phạm Văn Trình là cả tấm lòng rất thật: “Không được sống gần chú nữa, nhưng đạo đức của người chiến sỹ Quân y Cách mạng vẫn mãi mãi là tấm gương sáng trong cháu. Đi đâu cũng phải giữ gìn sức khoẻ, có sức khoẻ là có tất cả… Lời căn dặn ấy cháu luôn khắc khi trong lòng và lúc nào cũng nhớ về chú, con người có tấm lòng vàng với chúng cháu… Hẹn gặp chú sau ngày đất nước giải phóng. Chú vào thăm miền Nam quê hương chúng cháu nha…”. Cuốn lưu niệm dày đến vài chục trang mà bác Trình cho chúng tôi xem lại mới thấy bác sống với các cháu dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam thương nhau đến cắt ruột. Âu cũng là cái tình với Cách mạng, với nhân dân miền Nam chịu nhiều khổ đau trong chiến tranh. Những dũng sỹ diệt Mỹ miền Nam hồi ấy, bây giờ nhiều người trong số họ đã trưởng thành giữ trọng trách quan trọng trước Đảng và Nhà nước, nhưng chẳng ai quên chú Trình Quân y trưởng Đoàn 253 - QK3. |