09:36 17/09/2024 Kỳ 2: Muôn hình vạn trạng hành vi tha hóa quyền lực
Dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân băn khoăn, vì sao những người nắm giữ chức vụ cao, quyền lực lớn lại dễ dàng vi phạm đến thế. Phải chăng họ có sự nhầm lẫn, ngộ nhận quyền lực trong tay họ là quyền lực cá nhân mà không hiểu rằng, đó chính là quyền lực Nhà nước, quyền lực nhân dân mà họ chỉ là người đại diện. Và khi quyền lực được sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ, với động cơ không trong sáng thì sẽ dễ biến tướng, trở thành lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực.
Không thoát khỏi sự cám dỗ vật chất
Người dân Hải Phòng và cả nước vẫn bàng hoàng vì những con số “khủng” mà những cán bộ tha hóa quyền lực có được sau mỗi vụ che chắn, bao đỡ, thao túng… Lúc này, quyền lợi vật chất dễ dàng khiến họ quên đi tất cả.
Trở lại với vụ Việt Á, bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á khai đã đưa hối lộ và cảm ơn 106 tỷ đồng cho nhiều quan chức. Trong đó, đưa Trịnh Thanh Hùng số tiền 350.000 USD; ông Nguyễn Thanh Long bị cáo buộc đã nhận hơn 2,2 triệu USD; bị cáo Nguyễn Huỳnh nhận 4 tỷ đồng; cựu Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh nhận 200.000 USD; cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc 50.000 USD; Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý nguyên Phó thủ tướng nhận 200.000 USD. Khi bán kit xét nghiệm ở các địa phương, Phan Quốc Việt đưa hối lộ cho bị cáo Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC Hải Dương 27 tỷ đồng; ông Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương được cảm ơn 100.000 USD.
Đau lòng hơn, trong vụ chuyến bay giải cứu,trong khi đồng bào ta lo lắng tột cùng vì dịch bệnh, phải gom tất cả tài sản tiền bạc để mong có chuyến bay về nước thì có tới 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, có bị cáo 253 lần nhận hối lộ 42 tỷ đồng, được đánh giá nhận hối lộ với "thủ đoạn trắng trợn nhất".
Có nhiều quan chức khác nhận hối lộ 21,5- 27 tỷ đồng. Thậm chí có cả cựu điều tra viên, Cục An ninh điều tra, Bộ Công an bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD tiền "chạy án".
Trong vụ Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan đã dùng quyền lực của mình để chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ; đưa người thân tín vào giữ các chức vụ chủ chốt của SCB với mức lương 200- 500 triệu đồng/tháng; bị cáo buộc chiếm hơn 304.000 tỷ đồng của SCB, gây thiệt hại hơn 64.000 tỷ đồng. Trong vụ việc này, có cả đoàn thanh tra NHNN bị mua chuộc, nhận hối lộ để bưng bít cho sai phạm của SCB, để ngân hàng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trong đó, ngoài cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD thì các thành viên còn lại trong đoàn thanh tra đều nhận tiền của SCB, ít nhất hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỷ đồng. Họ đã vì lợi ích vật chất, sử dụng quyền lực của mình bao che cho hành vi phạm tội. Vì vậy, hơn 42.000 người dành dụm cả đời mua trái phiếu SCB bị ảnh hưởng nghiêm trọng về quyền lợi.
Đối với vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, đáng đau xót là bà Hoàng Thị Thuý Lan, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc và Lê Duy Thành, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cùng bị khởi tố vì tội nhận hối lộ. Trong vụ án này, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã thu giữ trên 300 tỷ đồng, gần 2 triệu USD, trên 500 lượng vàng và hơn 1.000 sổ đỏ các loại, mới thấy mối quan hệ giữa quyền lực và lợi ích vật chất đáng sợ tới mức nào. Từ vụ việc này, lãnh đạo Bộ Công an nhận định, đây là một loại tội phạm mới. Những người vi phạm đã sử dụng mối quan hệ thân thiết với người có quyền hạn, chức vụ cao để gây tác động, ảnh hưởng đến chính quyền cơ sở nhằm trục lợi.
Còn ở đại án đăng kiểm, có tới 245 bị can bị truy tố, với 11 nhóm tội danh, cho thấy, sai phạm diễn ra ở tất cả các khâu liên quan đến đăng kiểm, quyền lực bị lạm dụng để trục lợi có hệ thống từ trên xuống dưới, từ Cục trưởng tới các nhân viên. Trong đó 2 cựu Cục trưởng là ông Đặng Việt Hà nhận hối lộ của các trung tâm tổng cộng 40 tỷ đồng để bỏ qua sai phạm, hưởng lợi cá nhân hơn 9 tỷ; ông Trần Kỳ Hinh nhận hơn 6,5 tỷ đồng, 23.000 USD…
Còn rất nhiều những vụ án khác mà số tiền nhận hối lộ đều tính bằng con số hàng tỷ, hàng chục tỷ đồng. Với người làm công ăn lương, không biết tới bao giờ mới mơ được số tiền trên, trong khi những người có chức vụ lại sử dụng quyền lực của mình để nhận số tiền khủng, làm giàu, hưởng thụ bất chính, khiến dư luận bất bình.
Cũng còn rất nhiều biểu hiện tha hóa quyền lực khác khi bố trí con, em, người nhà vào các vị trí trong cơ quan Nhà nước; thậm chí cả lợi dụng quyền lực để quan hệ bất chính; sử dụng tiền công quỹ, phương tiện Nhà nước vào mục đích cá nhân… Mới thấy, tình trạng lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực thật muôn hình vạn trạng.
Hải Phòng với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tha hóa quyền lực
Theo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, cấp ủy các cấp, chi bộ và tổ chức Đảng đã kiểm tra 3708 tổ chức Đảng và 4670 lượt đảng viên (trong đó có 1375 cấp ủy viên); giám sát 2387 tổ chức Đảng và 3422 lượt đảng viên (trong đó có 1621 cấp ủy viên); xem xét, thi hành kỷ luật 4 tổ chức Đảng và 499 đảng viên vi phạm. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 11 tổ chức Đảng và 46 đảng viên. Sau kiểm tra đã kỷ luật và đề nghị kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 18 đảng viên; chỉ đạo tổ chức Đảng cấp dưới kỷ luật 6 đảng viên.
Một số vụ việc lạm dụng quyền lực dẫn tới vi phạm đã bị Thành ủy Hải Phòng chỉ đạo xử lý nghiêm minh như thi hành kỷ luật đối với 2 cán bộ, nguyên cán bộ quận Hải An với hình thức khiển trách; miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND phường Lãm Hà đối với ông Vũ Khắc Hiệp do thiếu gương mẫu, để vợ là bà Lê Thị Thảo xây dựng 9 căn nhà ở liền kề tại số 64 đường Trữ Khê, phường Quán Trữ nhưng chưa được cấp phép xây dựng.
Trong năm 2023, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hải Phòng ban hành văn bản số 81/TB-UBKTTU về việc thi hành kỷ luật nhiều cán bộ và nguyên cán bộ tại Trường Đại học Hải Phòng và huyện Kiến Thụy. Cụ thể là thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Đại học Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020-2025 và 3 cá nhân lãnh đạo trường bằng hình thức cảnh cáo; khiển trách đối với 6 cán bộ, nguyên cán bộ lãnh đạo huyện Kiến Thụy và xã Hữu Bằng do có sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng liên quan đến xây dựng khu kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hữu Bằng resort và khu trải nghiệm Big Sun tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy.
Một số cán bộ huyện Thủy Nguyên cũng bị thi hành kỷ luật và khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai, có hành vi làm sai lệch hồ sơ, nguồn gốc đất, lập hồ sơ khống cấp đất với nhiều lô đất tại xã Thủy Sơn, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên…
Việc phát hiện và xử lý nghiêm các cán bộ có sai phạm của Thành ủy Hải Phòng được dư luận cán bộ, đảng viên thành phố hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ. Đây là điều không mong muốn nhưng cần phải làm để bảo đảm giữ nghiêm kỷ cương phép nước, cán bộ có nhiều thành tích được trọng thưởng, trọng dụng nhưng khi có sai phạm phải kiên quyết xử lý, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì.
Tại các phiên họp Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành phố, đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật; kịp thời kiểm tra, phát hiện, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách, quy định có nhiều sơ hở, bất cập hoặc cài cắm lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm” để tổ chức, cá nhân lợi dụng tham nhũng, tiêu cực, gây thiệt hại đến tài sản, lợi ích của Nhà nước, của nhân dân.
Đồng chí Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không để phát sinh vụ việc mới.
Đây cũng được coi là thông điệp của Thành ủy Hải Phòng, kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước bất kỳ hành vi tham nhũng, tiêu cực nào; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi , xử lý cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, lợi dụng, lạm dụng quyền lực.
Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cán bộ sai phạm để giữ nghiêm kỷ cương pháp luật, góp phần quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức gánh vác trọng trách lớn lao mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển Hải Phòng.
(Còn nữa)
Hồng Thanh
10:16 23/11/2024
07:41 23/11/2024
22:01 22/11/2024