Kiểm soát quyền lực: Nhận diện rõ, cơ chế chặt, xử lý nghiêm, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (Kỳ 3)

09:55 18/09/2024

Kỳ 3: Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế

Đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặc biệt chú trọng việc tăng cường kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Cụ thể là chú trọng “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ một cách thực chất và hiệu quả; không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với quyết tâm “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” để ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, tha hóa quyền lực dẫn tới tham nhũng, tiêu cực.

Những quy định đủ mạnh để kiểm soát quyền lực

Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205/QĐ về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định đã chỉ rõ những hành vi bị cấm trong công tác cán bộ nhằm kiểm soát quyền lực, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bộ phận, các cấp trong việc kiểm soát quyền lực; đề ra chủ trương, định hướng rõ ràng trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cũng như chống chạy chức, chạy quyền. 

Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định này thay thế cho quy định 205.  Như vậy, chỉ trong 4 năm, Bộ Chính trị bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng hơn để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Quy định 114 đã nêu rất rõ về khái niệm quyền lực trong công tác cán bộ; như thế nào là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Quy định cũng nêu rõ hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và những hành vi chạy chức, chạy quyền.      

Như vậy, so với quy định 205, quy định 114 có phạm vi rộng hơn là kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong khi, quy định 205  tập trung nhiều vào việc “chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ”. Quy định 114 bổ sung một số hành vi mới; bổ sung thêm các hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác.

Với quy định 114, các cấp ủy Đảng, chính quyền có đủ cơ sở để nhận biết và sử dụng các biện pháp để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Quan trọng hơn là phải thực hiện công tác cán bộ theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn, đúng quy trình, thủ tục và chọn được người có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức vào các vị trí công tác.

Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đây là những lĩnh vực được trao nhiều quyền lực, dễ có nhiều cơ hội, điều kiện lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực, làm trái các quy định, trục lợi cá nhân, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.  Thực tế, đã có nhiều vi phạm trong lĩnh vực này, nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý. Vì thế, Quy định 131 được coi là “thanh bảo kiếm” sắc bén của Đảng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Quy định chỉ rõ 21 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Cũng trong ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một quy định chuyên biệt để kiểm soát quyền lực trong hoạt động tố tụng và thi hành án; nêu rõ các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; 27 hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án.

Thực tế cho thấy, trong hoạt động tố tụng, thi hành án, các hành vi như: dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt tội phạm, làm sai lệch hồ sơ vụ án… đã xảy ra; có nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành ánvi phạm bị xử lý kỷ luật hoặc bị khởi tố, điều tra, phạt tù, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Vì vậy, rất cần thiết và cấp bách có các quy định để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan này.

Mới đây, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng  đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng Đề án của Quân ủy Trung ương về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực thi pháp luật của lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển”; Quy định của Quân ủy Trung ương về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của Quân đội nhân dân”.

Như vậy, các quy định về kiểm soát quyền lực đã khá đầy đủ, chặt chẽ, là cơ sở quan trọng để kiểm soát quyền lực trong tất cả các lĩnh vực, vị trí. Nói cách khác, đã có “lồng” cơ chế đủ mạnh để “nhốt” quyền lực.

Đề cao trách nhiệm và tính tuân thủ

Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC  giai đoạn 2012-2022 (tháng 6/2022), đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Đây chính là quan điểm nhất quán, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân và các quy định chặt chẽ được ban hành buộc mỗi cán bộ, dù ở vị trí nào đều phải luôn tuân thủ, đặc biệt là “không thể”; “không dám” tham nhũng.

Tuy nhiên, quy định dù có chặt chẽ tới đâu nhưng nếu không có trách nhiệm, tự giác và sự liêm chính thì những vi phạm vẫn có thể xảy ra. Nhất là khi những hành vi lạm quyền, lộng quyền, háo quyền lực, tha hóa quyền lực… được che đậy bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, khó nhận biết. Quy định không cho bổ nhiệm người nhà thì ở nhiều cơ quan, người đứng đầu tranh thủ cài cắm, bổ nhiệm “người thân cận” hoặc người có mối quan hệ trên mức bình thường, không trong sáng; sử dụng phe cánh, lợi ích nhóm để dựng lên một ê kíp toàn là “người của mình” nhằm dễ bề thao túng trong mọi công việc, từ công tác cán bộ tới công tác chuyên môn.

Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tháng 12-2021

Vì thế, để kiểm soát quyền lực, trong tác phẩm, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra nhiều giải pháp. Cụ thể là xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương, “người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu”. Đồng thời tăng cường xây dựng Ðảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”.

Cùng với đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiệu lực, hiệu quả, hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, khoa học; xây dựng được thể chế đầy đủ, chặt chẽ, làm căn cứ để thực hiện ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; xử lý, kỷ luật nghiêm minh những sai phạm.

Chủ trì phiên họp thứ 26 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC ngày 14/8/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo  yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, mà phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp; kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo, từ nay đến cuối năm 2024 và những năm tới, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải gắn với việc tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội lần thứ 14 của Đảng, không để lọt vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật... 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế PCTNTC tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc, không để tình trạng “cán bộ không dám làm, không được làm và không làm được” và phải giữ ổn định để phát triển đất nước, không gây cản trở về sự phát triển mà phải đạt được mục tiêu kép. Dẫn lời đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho rằng phải đặc biệt chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ đức, đủ tài, có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nhận định: sự tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý biểu hiện rất tinh vi. Vì vậy, cần phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ quyền lực của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị.

Như vậy thì việc chọn cán bộ, chọn người đứng đầu liêm chính, gương mẫu, có đủ tài năng, đức độ là một trong những yếu tố quyết định để kiểm soát quyền lực.

Bên cạnh đó, có những người khi chưa được bổ nhiệm thì tốt, nhưng được bổ nhiệm rồi, nắm quyền lực trong tay mới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng cần phải được theo sát, phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm.

Trong những trường hợp này, các cấp ủy lãnh đạo cần lắng nghe dư luận; lắng nghe tiếng nói của những người tâm huyết, trách nhiệm để xử lý nghiêm người đứng đầu tha hóa quyền lực. Cùng với đó là cần nâng cao vai trò, tính chiến đấu, phê bình và tự phê bình của cấp ủy Đảng. Nếu ai cũng vo tròn, “mũ ni che tai” thì quy định dù chặt chẽ tới đâu, việc kiểm soát quyền lực khó đạt hiệu quả mong muốn.

Theo đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, thì Thành ủy Hải Phòng luôn thực hiện phương châm “đi tìm cán bộ chứ không để cán bộ tìm đến”. Đây có thể coi là một biện pháp rất hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, PCTNTC.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào”.

 Thực hiện đúng lời dạy của Bác, việc kiểm soát quyền lực sẽ đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc.

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông