08:59 10/07/2018 Từ thực tế công tác phòng ngừa, đấu tranh với hành vi lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo nhằm chống phá cách mạng nước ta và công tác bảo đảm an ninh an toàn thông tin trên không gian mạng, chúng tôi rút ra một số nguyên nhân sau:
Đa số cấp ủy Đảng, Chính quyền cấp cơ sở chưa nhận thức hết tầm quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển, tính tiện ích của mạng xã hội gắn với tính phức tạp, nguy hiểm, tính lan tỏa, tính tương tác nhanh chóng mà trong lịch sử hiện đại đã chứng minh.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng gắn với Luật tiếp cận thông tin còn ít được chú trọng. Trong tuyên truyền, giáo dục chưa tập trung nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, trực quan, hiệu quả, thiết thực theo hướng tuân thủ pháp luật, chuẩn mực đạo đức, văn hóa, làm chuyển biến căn bản nhận thức trong lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, nhân dân để từ đó tự nâng cao nhận thức, tự bảo vệ mình trước các thông tin xấu độc trên không gian mạng.
Hiện nay, ở Việt Nam có trên 64 triệu người sử dụng mạng xã hội, vừa là cơ hội cho việc thúc đẩy ứng dụng khoa học của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng cũng là thách thức rất lớn bởi rất nhiều người trình độ công nghệ phổ thông, chỉ biết sử dụng theo bản năng, chưa có hiểu biết, kỹ năng sử dụng máy tính, trình độ ngoại ngữ, khả năng tin học thấp, nhận thức về an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật cá nhân cũng như trong đấu tranh, phản bác với những hành vi lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo còn rất hạn chế.
Đây chính là lỗ hổng lớn nhất, mà yếu tố con người, nhân tố quyết định đến thành công trong phòng ngừa, đấu tranh với hành vi lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạo chống phá cách mạng nước ta còn bị xem nhẹ.
Trong khi đó, công tác hướng dẫn, đấu tranh với các hoạt động lợi dụng không gian mạng để đưa thông tin xấu độc, giả mạo xâm hại ANQG chống phá cách mạng Việt Nam còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị, ngành chức năng.
Đồng thời, công tác phối hợp trong việc tuyên truyền, trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước, đấu tranh, phản bác trước những thông tin xấu độc, giả mạo còn chưa được thường xuyên; chưa xây dựng được cơ chế, quy chế phối hợp rõ ràng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu tranh với các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Theo thống kê, cả nước có 857 cơ quan báo in; 103 cơ quan báo điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình, hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ hoạt động đã cung cấp các thông tin chính xác, khách quan, đa dạng, phản ánh kịp thời các vấn đề của đời sống xã hội, tình hình phát triển kinh tế, công cuộc đổi mới của đất nước một cách nhanh chóng, chính thống... nhưng vẫn chưa theo kịp sự bùng nổ, phát triển công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng 4.0.
Nhiều tin bài, bản tin, báo hình, báo viết thông tin đến quần chúng nhân dân còn chậm so với yêu cầu, nhiệm vụ, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của quần chúng nhân dân, nhất là còn thiếu những bài viết trong đấu tranh phản biện những thông tin trái chiều để quần chúng nhân dân hiểu. Bên cạnh đó, những bài viết về người tốt, việc làm còn ít và chậm, chưa đủ sức lan tỏa...
Đây cũng là thách thức lớn đòi hỏi các nhà báo cần trau dồi kỹ năng nghiệp vụ, tư duy lôgic và thực sự chuyên nghiệp trong tác nghiệp, tăng cường lượng bài viết để cung cấp đến bạn đọc những thông tin chính xác, kịp thời định hướng dư luận xã hội chính là góp phần phòng ngừa, đấu tranh, phản bác với hành vi lợi dụng không gian mạng đưa thông tin xấu độc, giả mạng chống phá cách mạng nước ta.
(Còn nữa)
Thượng tá Nguyễn Quốc Huy - Phó Trưởng Phòng An ninh kinh tế - CATP Hải Phòng
10:29 12/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão