Kinh tế du lịch Hải Phòng – khát vọng vươn ra biển lớn

10:10 12/12/2021

Thành ủy Hải Phòng vừa ban hành Thông báo số 553-TB/TU, kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy, đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Hải Phòng giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là bước đi chủ động, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển đột phá về du lịch của Hải Phòng, giữ những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Một góc quần đảo Cát Bà

          Tiềm năng du lịch biển

Nằm ở vị trí trung tâm vùng duyên hải Bắc Bộ, đồng thời cũng là vùng đệm giữa vòng cung Đông Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng. Nhìn từ góc độ tự nhiên, lợi thế cạnh tranh của du lịch biển Hải Phòng đã rất rõ.

Trong đó, Cát Bà nổi tiếng với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Cát Bà có nhiều loài động thực vật tầm giá trị toàn cầu, tiêu biểu là 3.860 loài trên cạn và dưới nước, có tới 130 loài được đưa vào “sách đỏ”, chưa kể hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất Châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Điều quan trọng là, qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính nguyên thủy, tạo sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. 

Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình.

Chính vì vậy, sự hấp dẫn của Đồ Sơn mang sắc thái đặc trưng thuần túy của du lịch biển, với mọi sự thưởng ngoạn đều gắn với biển. Riêng bãi biển Đồ Sơn với những dải cát mịn, bằng phẳng, mà khoảng có thể khai thác thành bãi tắm đã tới gần 5km, là một trong những bãi tắm tiềm năng được đánh giá lớn nhất Việt Nam. Với những gì đang hiện hữu, đủ để khẳng định Đồ Sơn là tổng thể của một khu du lịch phức hợp, bao gồm cả tự nhiên và văn hóa, lịch sử…

Hải Phòng còn tự hào là địa phương có huyện đảo Bạch Long Vỹ nằm giữa vịnh Bắc Bộ. Bên cạnh giá trị đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh biển, đảo, Bạch Long Vỹ còn sở hữu hệ sinh vật phong phú, được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 2630/QĐ-TTg thành lập khu bảo tồn biển.

Chưa hết, vùng đất cửa biển Hải Phòng còn lưu giữ khá nhiều những di sản lịch sử, văn hóa có giá trị, với hơn 470 di tích được xếp hạng, có 2 di tích đặc biệt cấp quốc gia là khu danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo). Hải Phòng cũng có nhiều di sản vô giá như các lễ hội: chọi trâu (Đồ Sơn); đua thuyền rồng, vật cầu, minh thề (Kiến Thụy), hát đúm (Thủy Nguyên)…

Đặc thù miền biển Hải Phòng cũng hình thành một nền văn hóa ẩm thực hấp dẫn, hội tụ đủ đặc sản cả 3 vùng nước mặn – ngọt – lợ.

Hệ thống cáp treo nối đất liền với khu dự trữ sinh quyển Cát Bà

Chủ động, tự tin hướng ra biển lớn

Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, có thể nói du lịch thành phố Hải Phòng đã được cụ thể hóa trên cả các Chương trình hành động và trong thực tiễn, với bước đà mang tính đột phá, chủ động, được xác định là mũi nhọn chiến lược trong phát triển kinh tế biển.

Báo cáo của Thành ủy Hải Phòng cho thấy, trong giai đoạn 2016-2020, lượng khách du lịch đến Hải Phòng tăng bình quân15%/năm, tổng thu từ khách du lịch tăng ổn định với mức bình quân 15,3%/năm.

Riêng về hạ tầng cho du lịch, Hải Phòng đã có nhiều giải pháp thu hút nguồn lực vào phát triển du lịch, mà chủ yếu là nguồn vốn ngoài nhà nước. tính đến nay Hải Phòng có 19 dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhưng chỉ có tổng vốn đầu tư 734,3 tỷ đồng, trong khi đó 37 dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã có tổng vốn đăng ký trên 63 nghìn tỷ đồng và 173,5 triệu USD.

Chưa kể 14 dự án FDI với tổng số vốn là 931,543 triệu USD đã tham gia kiến tạo lại bản đồ hạ tầng du lịch Hải Phòng.  Bên cạnh đó, số lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng khá, hiện trên địa bàn thành phố có 532 cơ sở, tăng gần 50% so với thời điểm ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU.

Không gian phát triển du lịch được mở rộng, mở thêm nhiều tour, tuyến du lịch với nhiều loại hình, sản phẩm du lịch mới, thị trường khách du lịch cũng có nhiều thay đổi. Về nhân lực liên quan, trước thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 ngành du lịch Hải Phòng thu hút 15.840 lao động.

Đặc biệt là trong mấy năm gần đây, kết cấu hạ tầng du lịch biển của Hải Phòng thực sự đột phá. Đơn cử như ở Đồ Sơn, nhiều dự án lớn được đầu tư, những con đường mới mở đưa du khách xuyên rừng, bám núi, tạo thêm nhiều khoái cảm khiến du lịch Đồ Sơn càng thêm uyển chuyển.

Cùng với đó là những khu sinh thái, khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mọc lên ngày càng nhiều, từng bước khẳng định Đồ Sơn sẽ trở thành viên ngọc thực sự. Một điểm nhấn mang dấu ấn nhân tạo nữa phải kể đến việc VinGroup đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, biến vùng đảo rừng ngập mặn đảo Vũ Yên trở thành khu vui chơi – nghỉ dưỡng.

Tiếp đó, tập đoàn Sun Group đã đầu tư dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí Cát Bà, được coi là dự án lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam.

Những dự án nêu trên mới được coi là điển hình, hiện còn rất nhiều dự án du lịch hướng biển khác đã và đang được triển khai trên địa bàn Hải Phòng, hứa hẹn đem đến một không gian du lịch phong phú và đa dạng, lấy tiềm năng từ biển là trung tâm, kết nối hiệu quả với các dạng hình du lịch khác.

Về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND TP – Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch thành phố Lê Khắc Nam đánh giá: “Du lịch Hải Phòng đang trở mình mạnh mẽ với mục tiêu vươn ra biển lớn, sống với biển và làm giàu từ biển, khẳng định hướng đi đúng đắn là củng cố, phát triển kinh tế để làm nền tảng cho ổn định quốc phòng an ninh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc”.

Nhưng bên cạnh đó, nhìn về tổng thể thì du lịch Hải Phòng còn nhiều việc phải làm, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế. Cụ thể là hiệu quả kinh tế du lịch thấp, cơ cấu và tỷ trọng du lịch trong nhóm ngành dịch vụ còn nhỏ bé, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ.

Mặt khác, dù Hải Phòng nằm trong số ít của cả nước sở hữu cả 5 dạng hình giao thông gồm đường bộ, đường biển, đường sông, đường sắt và đường hàng không, nhưng hiện ưu thế thu hút khách du lịch trên nền tảng 5 dạng hình giao thông này cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI vừa qua, trên cơ sở sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, cũng như nền tảng định hướng các Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lựợc phát triển bền vững kinh tế biển và Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng, thành phố đã xác định du lịch là một trong ba trụ cột kinh tế trong giai đoạn phát triển mới.

Như vậy, du lịch Hải Phòng đã được đặt trên bệ phóng trong chiến lược tổng thể mang tính tương hỗ, mà nền tảng là hạ tầng kinh tế, giao thông, đô thị và cả hạ tầng văn hóa.

Hiện tại, cũng như du lịch cả Việt Nam và thế giới, du lịch Hải Phòng đang bị tổn thất nặng nề do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Nhưng tin tưởng rằng, trong tương lai gần, Hải Phòng sẽ xứng đáng không chỉ là trung tâm du lịch biển của Việt Nam, mà còn là điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu phát triển mà thành phố đang hướng tới.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông