15:34 28/03/2022 Kết quả đánh giá thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Phòng vượt qua thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội để vươn lên vị trí dẫn đầu. Đây là tin rất vui, cho thấy sự phát triển bứt phá và bền vững của Hải Phòng trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2016 tới nay. Đà tăng trưởng cao liên tục đưa Hải Phòng trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển KTXH. Tuy nhiên, nếu xếp theo thứ hạng và quy mô kinh tế, Hải Phòng đang có sự thụt lùi và cần phải có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn mới có thể giữ vững vị thế.
Liên tục tăng trưởng cao ở mức 2 con số
Sở dĩ Hải Phòng được đánh giá cao như vậy là do năm 2021, vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19, GRDP của Hải Phòng tăng 12,8%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 95.671 tỷ đồng; thu hút FDI đạt 3,1 tỷ USD, tăng 91% so với năm 2020, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Vì thế, Hải Phòng đã xuất sắc giành được 946/1000 điểm thi đua, vươn lên vị trí dẫn đầu, cách biệt 12 điểm so với Hà Nội xếp thứ 2.
Năm 2020, cũng trong bối cảnh đại dịch nhưng Hải Phòng vẫn là điểm sáng của cả nước về phát triển KTXH với mức tăng trưởng GRDP đạt 11,22%; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế đề ra đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Nhìn lại giai đoạn 2016- 2020 mới thấy hết được sự bứt phá ngoạn mục, những kỳ tích của Hải Phòng. Sự đổi mới trong tư duy, nhận thức và tinh thần hành động quyết liệt đã khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh của Hải Phòng, biến thành tiềm lực kinh tế, chuyển hóa vào đời sống xã hội, dân sinh, tạo nên một Hải Phòng năng động, hấp dẫn, một điểm sáng trong phát triển KTXH, giữ vững QPAN của cả nước, băng băng trên con đường phát triển.
Mỗi năm, tiềm lực của Hải Phòng lại mạnh hơn nhiều. Tăng trưởng GRDP 5 năm 2016-2020 liên tục tăng cao, bình quân tăng 14,02%/năm, gấp 2 lần giai đoạn 2011- 2015 và gấp 2,1 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Quy mô GRDP tiếp tục được mở rộng, gấp 2,1 lần so với năm 2015, đứng thứ hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; tỷ trọng GRDP trong GDP cả nước từ 3,5% năm 2015 tăng lên 5,1% năm 2020. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 5863 USD, gấp 1,93 lần so với năm 2015 và gấp 1,95 lần bình quân chung cả nước (khoảng 3000 USD). Nhiều con số biết nói khác cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc của Hải Phòng như tổng vốn đầu tư đạt 564.295 tỷ đồng, gấp 3 lần 5 năm 2011-2016, trong đó vốn đầu tư từ nguồn lực xã hội chiếm khoảng 90%, vốn đầu tư từ ngân sách là 10%. Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là 43.886 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giai đoạn trước.
3 trụ cột kinh tế của thành phố có bước phát triển vượt bậc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 20,64%/năm, gấp 2,12 lần giai đoạn trước và hơn 2 lần tốc độ tăng chung của cả nước. Ngành công nghiệp đã được điều chỉnh cơ cấu, phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường, điển hình là Nhà máy sản xuất ô tô VinFast của Tập đoàn Vingroup, các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Tập đoàn LG… Cảng biển quốc tế Hải Phòng đã hoàn thành, đi vào vận hành 2 bến khởi động, đủ khả năng tiếp nhận tầu có tải trọng 200 nghìn tấn. Lĩnh vực du lịch đã thu hút một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sunrgoup, Geleximco đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng các khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Kinh tế dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,42%/năm, dịch vụ logicstics, dịch vụ hàng không, lượng khách du lịch đều đạt mức tăng trưởng cao. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với những cách làm mới đã thành công, đến năm 2019 toàn bộ 100% số xã của thành phố đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Điều đáng mừng, những kết quả phát triển kinh tế đã được chuyển hóa vào các công trình, dự án, phúc lợi xã hội, công cộng và nâng cao đời sống nhân dân. Chính sách tặng quà gia đình chính sách các dịp lễ, Tết của Hải Phòng cao nhất cả nước; hộ nghèo, cận nghèo được quan tâm; chế độ chính sách đối với giáo viên, học sinh giỏi cũng ở mức cao nhât cả nước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân thành phố ngày càng được nâng cao. Hải Phòng đang khẳng định vị thế khá vững vàng là thành phố đáng sống, đáng đến để làm việc, học tập, du lịch, khám chữa bệnh…
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao
Năm 2021, tốc độ tăng GRDP của Hải Phòng là 12,38%, quy mô GRDP thành phố đạt 315.000 tỷ đồng (khoảng 13,7 tỷ USD), chiếm tỷ trọng khoảng 4% GDP của cả nước, đứng thứ 5 toàn quốc về quy mô kinh tế sau các địa phương: thành phố Hồ Chí Minh (1.298 nghìn tỷ đồng), Hà Nội (1.067 nghìn tỷ đồng), Bình Dương (408.000 tỷ đồng), Đồng Nai (383.000 tỷ đồng) và đứng trước Bà Rịa – Vũng Tàu (300.000 tỷ đồng), Quảng Ninh (238.000 tỷ đồng). Theo tính toán của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nếu Hải Phòng duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 12% như năm 2021 thì dự báo đến năm 2025, quy mô GRDP thành phố đạt khoảng 533.000 tỷ đồng, gấp 1,9 lần quy mô kinh tế hiện tại.
Như vậy, theo vị trí xếp hạng hiện nay, Hải Phòng đang bị tụt xuống xếp thứ 5, sau Bình Dương, Đồng Nai. Để quay trở lại vị trí là thành phố lớn thứ 3 của cả nước thì Hải Phòng phải nỗ lực, quyết tâm rất cao, liên tục đổi mới, sáng tạo, đột phá trong cơ chế, chính sách, hành động quyết liệt. Đặc biệt, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP là yếu tố quyết định.
Mục tiêu, chỉ tiêu phát triển năm 2022 đã được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố thông qua với các chỉ tiêu chính như: tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP tăng 13%; thu nội địa 41.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 200.000 tỷ đồng; thu hút từ 2,5 đến 3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài... Đây là các chỉ tiêu rất cao trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi toàn thành phố phải chủ động thích ứng, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt hành động để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tạo nền tàng vững chắc để Hải Phòng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững cho những năm tới.
Để bảo đảm được tốc độ tăng trưởng GRDP, yếu tố quan trọng nhất vẫn là đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển 3 trụ cột kinh tế chủ yếu đã được hoạch định gồm công nghiệp công nghệ cao- cảng biển, logistics- du lịch, thương mại. Đồng thời, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội; quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công (theo tính toán của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công giải ngân tăng thêm 1% sẽ làm GRDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm); tăng năng suất lao động; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động… Đây là những vấn đề cần chú trọng để Hải Phòng giữ vững được ngôi vị trong phát triển KTXH.
Hồng Thanh