11:08 07/04/2022 Kết thúc quý 1- 2022, Hải Phòng tiếp tục ghi nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển KTXH, tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2022 và kỳ vọng phát triển bứt phá của Hải Phòng thì chưa đạt được, nhiều chỉ tiêu có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Đây là những vấn đề chủ chốt được UBND thành phố chỉ ra và đặt quyết tâm tăng tốc, phát triển mạnh mẽ hơn trong quý 2 và cả năm 2022, phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh: quý 1- 2022, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Hải Phòng phải đối mặt với sự lan rộng của đại dịch COVID-19, số ca nhiễm tăng nhanh, nhân lực lao động trong các cơ quan, đơn vị , doanh nghiệp bị thiếu hụt nhiều do mắc COVID. Chỉ tính trong các KCN, có tới hơn 30.000 lao động bị nhiễm COVID. Thành phố, các đơn vị, các doanh nghiệp phải dùng rất nhiều nguồn lực để chống dịch. Cùng với đó là sự bất ổn của giá cả thị trường, nhất là giá xăng dầu, giá vàng, giá than… đã ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế.
Dây chuyền sản xuất xi măng tại Công ty xi măng Vicem Hải Phòng
Tuy nhiên, với sự bình tĩnh, năng động, sáng tạo, Hải Phòng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Cụ thể, GRDP trên địa bàn thành phố ước tăng 10,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 13,45%; thu ngân sách đạt 24.926 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 23,6 dự toán HĐND thành phố giao (thu nội địa đạt 9126,5 tỷ đồng, tăng trưởng 6,3%, bằng 22,2% dự toán phấn đấu); tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 31.128 tỷ đồng, tăng 8,29% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,76 tỷ USD, bằng 21,8% kế hoạch năm; sản lượng hàng qua Cảng đạt 32,24 triệu tấn, bằng 19% kế hoạch; khách du lịch ước đạt hơn 1 triệu lượt người giảm 16%; thu hút vốn FDI đạt 486 triệu USD, bằng 19,45% kế hoạch; giải quyết việc làm cho 13.800 lượt người…
Như vậy, GRDP của Hải Phòng vẫn có mức tăng trưởng gấp đôi so với cả nước (5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp cũng cao hơn nhiều trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Thế nhưng, so với chỉ tiêu cả năm đề ra (GRDP tăng hơn 13%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 19-20%; thu ngân sách 105.645 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 200.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 31 tỷ USD; sản lượng hàng qua Cảng 168 triệu tấn; khách du lịch 4,53 triệu lượt; thu hút vốn FDI 2,5-3 tỷ USD…) thì rõ ràng chặng đường còn lại phải phấn đấu, nỗ lực rất nhiều. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, hầu hết các chỉ tiêu KTXH của Hải Phòng trong quý 1-2022 đạt thấp nhất trong nhiều năm qua và chưa đạt mức bình quân của kế hoạch năm (phải đạt ít nhất 25% kế hoạch năm). Vì vậy, cần phải tìm hiểu, phân tích, làm rõ các nguyên nhân và sớm có biện pháp khắc phục.
Lý giải điều này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long nêu rõ, 2 yếu tố tác động mạnh nhất tới tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu khác của Hải Phòng là công nghiệp và giải ngân vốn đầu tư công. Chỉ số IIP quý 1 tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng ở mức thấp so với kỳ vọng (9,18% so với cùng kỳ); ngành công nghiệp khai khoáng (khai thác đá, cát, sỏi, đất sét) giảm mạnh, chỉ đạt 67,05% so với cùng kỳ năm trước; có tới 30/56 ngành công nghiệp tăng trưởng âm do gặp khó khăn về lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 814,6 tỷ đồng, bằng 4,5% kế hoạch; nhiều Ban quản lý dự án có những dự án trọng điểm, nguồn vốn đầu tư lớn; nhiều quận, huyện có tốc độ giải ngân rất thấp, nhiều đơn vị chưa giải ngân đồng nào...
Nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng
Đây là mục tiêu được đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đặt ra và yêu cầu các ngành, các cấp khẩn trương có biện pháp, giải pháp thực hiện. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bởi năm 2022 thành phố dành tới hơn 18.000 tỷ đồng đầu tư công, trong đó có rất nhiều dự án quan trọng được tập trung nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng. Và để giải ngân được, ngoài năng lực của các Ban quản lý dự án, nhà thầu, vấn đề quyết định vẫn là công tác GPMB. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để tạo sự chuyển biến rõ rệt trong GPMB, nhất là các dự án trọng điểm như Khu đô thị mới bắc sông Cấm; các dự án giao thông; phát triển, chỉnh trang đô thị...
Về công nghiệp, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, hiện có sự dịch chuyển từ nhóm các ngành chế biến, chế tạo thông thường sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Trong quá trình đó, tốc độ tăng trưởng IIP có thể chậm lại nhưng hy vọng trong quý 2 và các quý còn lại sẽ lấy lại đà tăng. Phó Giám đốc Sở Công Thương Đặng Phương Liên cho biết, đang có một số nhân tố mới có thể gia tăng sự phát triển của công nghiệp Hải Phòng như LG có thêm sản phẩm mới là tủ lạnh; một số dự án công nghiệp mới đã đi vào hoạt động như Pegatron; USI...; từ tháng 4, ngành giày dép có sự phục hồi mạnh mẽ do đã ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu cho cả năm, công nhân khỏi bệnh COVID đi làm trở lại...
Mặc dù vậy, khó khăn, thử thách vẫn còn nhiều, cần sự quyết tâm, quyết liệt và đồng bộ hơn nữa. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, mục tiêu đề ra phải đạt tốc độ tăng trưởng GRDP từ 13% trở lên. Do đó, mỗi ngành, mỗi đơn vị, mỗi địa phương rà soát lại các phần việc, nhiệm vụ được giao; có giải pháp khắc phục khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thu hút vốn đầu tư, thực hiện các dự án lớn, tăng thu ngân sách.., phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý 2 và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022./.
Hồng Thanh